'Siết' thương nhân phân phối xăng dầu, kiểm soát nguồn cung, thị trường không hỗn loạn

02/04/2024 18:01 GMT+7

Dự thảo nghị định kinh doanh xăng dầu do Bộ Công thương chủ trì xây dựng đề xuất quy định không cho phép thương nhân phân phối xăng dầu thoải mái mua hàng của nhau như trước là bước thay đổi lớn, sẽ giải quyết được tình trạng hỗn loạn của thị trường xăng dầu.

Đó là quan điểm của ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, khi chia sẻ về những điểm mới tích cực trong dự thảo nghị định kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công thương lấy ý kiến từ các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng...

'Siết' thương nhân phân phối xăng dầu, kiểm soát nguồn cung, thị trường không hỗn loạn- Ảnh 1.

Dự thảo nghị định kinh doanh xăng dầu có nhiều quy định mới siết chặt quản lý thị trường xăng dầu

PHAN HẬU

Trong dự thảo nghị định, Bộ Công thương cho rằng, theo tinh thần luật Đầu tư, các nghị định về kinh doanh xăng dầu đã mở cho nhiều loại hình thương nhân kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu được mua từ nhiều nguồn từ đầu mối và bất kỳ thương nhân phân phối xăng dầu nào khác.

Trong hệ thống phân phối hiện nay gồm có: thương nhân đầu mối (bao gồm cả đầu mối kinh doanh xăng dầu, đầu mối sản xuất xăng dầu), thương nhân phân phối xăng dầu (lấy xăng dầu nhiều nguồn từ thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu khác), đại lý bán lẻ xăng dầu (lấy xăng dầu từ 1 - 3 nguồn), thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu (lấy xăng dầu từ 1 nguồn).

Có ý kiến cho rằng, thương nhân phân phối xăng dầu tạo thêm nguồn hàng cung ứng cho các thương nhân bán lẻ và đa dạng hóa hệ thống. Tuy nhiên, trên thực tế, việc mua bán xăng dầu của các thương nhân phân phối xăng dầu vẫn thuộc tổng nguồn xăng dầu của các thương nhân đầu mối, không phát sinh thêm nguồn cung. Cạnh đó, việc cho phép thương nhân phân phối xăng dầu mua hàng của nhau gây khó khăn trong kiểm soát nguồn cung.

Theo đó, dự thảo nghị định lần này quy định thương nhân phân phối xăng dầu chỉ được mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, không được mua bán xăng dầu lẫn nhau.

Chia sẻ với Thanh Niên, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho rằng đây là sự khác biệt rất lớn so với các nghị định trước đây, giữ cho thị trường xăng dầu ổn định, không hỗn loạn như đã từng xảy ra khi thị trường gặp khó về nguồn cung.

Ông Bùi Ngọc Bảo nhấn mạnh, thương nhân đầu mối là nơi tạo nguồn cung xăng dầu cho thị trường, nếu áp dụng quy định thương nhân phân phối chỉ được mua hàng từ các đầu mối, đồng nghĩa với việc siết chặt quản lý, ràng buộc trách nhiệm cho các đầu mối. Khi đã ký hợp đồng mua bán với thương nhân phân phối thì đầu mối phải đảm bảo được nguồn cung. Để giám sát, đánh giá được nguồn cung cho thị trường thì cơ quan quản lý chỉ cần cộng số liệu từ các doanh nghiệp đầu mối là đủ.

Tuy nhiên, ông Bùi Ngọc Bảo cho rằng, nếu như quy định thương nhân phân phối chỉ được mua hàng từ đầu mối cũng có thể xem xét đến trường hợp không quy định thương nhân phân phối cần phải dự trữ bao nhiêu, vì đã có đầu mối phải có trách nhiệm đảm bảo; thậm chí thương nhân phân phối không cần có kho nữa.

"Các doanh nghiệp đầu mối phải có kho dự trữ thì tại sao phải bôi ra thêm khâu trung gian, tăng chi phí cho doanh nghiệp. Nếu quy định được như thế thì sẽ xử lý được tình trạng hiện nay, do quy định phải có kho tối thiểu 2.000 m3 nên nhiều doanh nghiệp đi ký hợp đồng với đơn vị có kho nhưng thực tế phần lớn là không sử dụng", ông Bảo nói. 

Bình ổn thị trường bằng xăng dầu dự trữ

Liên quan đến Quỹ Bình ổn xăng dầu, Bộ Công thương cho rằng, thời gian qua, việc trích lập, chi sử dụng quỹ được thực hiện theo từng kỳ điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.

Nhưng vừa qua, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra T.Ư có ý kiến về việc bình ổn giá xăng dầu hiện nay được thực hiện thường xuyên, liên tục, không có thời gian cụ thể là chưa phù hợp với quy định tại luật Giá.

Theo Bộ Công thương, dù luật Giá quy định khá chi tiết về Quỹ bình ổn giá như quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức liên quan; trình tự, thủ tục bình ổn giá. Nhưng liên quan đến trường hợp phải thực hiện bình ổn giá thì luật Giá chưa có quy định cụ thể về việc như thế nào thì lập quỹ, chi quỹ. Theo đó, Bộ Công thương cho rằng, để cụ thể hóa quy định của luật Giá về bình ổn giá xăng dầu, nghị định quy định cụ thể trường hợp trích lập, chi sử dụng quỹ bình ổn giá...

Tuy nhiên, ông Bùi Ngọc Bảo cho rằng, nếu giữ quan điểm như thế thì quỹ vẫn là hình thức trợ giá, tiền từ túi này chuyển sang túi kia nhưng do tính chất không điều hòa, tăng giảm giữa xăng và dầu rất khác biệt nên sử dụng quỹ này là rất khó.

"Quan điểm của chúng tôi là bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu khi hiện nay nó không còn phát huy tác dụng, nếu muốn giá xăng theo thị trường thì tốt nhất là không nên can thiệp bằng quỹ nữa", ông Bảo nói.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, trong trường hợp cơ quan quản lý cần thiết phải có quỹ thì không nên giao cho bộ nào quản lý cả. Quỹ Bình ổn này phải được đưa về Chính phủ quản lý, để Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đúng luật Giá.

"Nếu giữ Quỹ Bình ổn theo cách làm như thế thì tôi nghĩ tốt nhất là dùng tiền này để mua xăng dầu bổ sung vào dự trữ quốc gia. Trong những trường hợp cần thiết, Chính phủ sẽ quyết định bán lại cho doanh nghiệp ở một mức giá hợp lý, như thế thị trường xăng dầu được bình ổn bằng chính xăng dầu là ý nghĩa nhất", ông Bảo nêu quan điểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.