Trong vòng chưa đến 10 năm tới, Singapore có thể trở thành một trong số 30 quốc gia “siêu già” với 20% dân số từ 65 tuổi trở lên, gây áp lực lớn lên ngành y tế. Bộ Y tế dự báo nước này cần thêm nguồn nhân lực 9.000 người, trong đó phân nửa là điều dưỡng, chuyên viên trị liệu và nhân viên hành chính, trong vòng 3 năm tới. Đây là một thách thức không nhỏ do nhiều người trẻ từ bỏ hoặc không muốn trở thành y tá, theo Bộ Nhân lực. Vì thế, chính phủ Singapore đang nỗ lực khuyến khích tuyển dụng, nhưng giới chuyên gia nhận định điều quan trọng hơn là phải giữ chân đội ngũ lao động trẻ tuổi và có năng lực.
tin liên quan
Tiền lương của nữ ngày càng thấp hơn nam giớiChỉ một năm sau khi tốt nghiệp đại học, phụ nữ ở Anh đã phải chịu cảnh bất bình đẳng thu nhập khi lương thấp hơn đồng nghiệp nam giới và mức chênh lệch ngày càng gia tăng.
Đối xử như ô sin
Trong những năm gần đây, nhiều y tá trẻ rời Singapore để đến Úc và các nước phương Tây tìm cơ hội việc làm do khối lượng công việc quá tải với nhiều ca trực trắng đêm liên tiếp cũng như bị bác sĩ cùng bệnh nhân đối xử thậm tệ, theo Đài Channel NewsAsia. “Nhiều người bức xúc phải bỏ nghề hoặc ra nước ngoài”, y tá Priscilla (25 tuổi), từng làm 5 năm tại một bệnh viện công ở Singapore, chia sẻ. Cô khăn gói sang Úc và cho biết điều dưỡng tại đây có giờ làm việc được sắp xếp khoa học, giúp họ cân bằng cuộc sống, và quan trọng hơn hết là được tôn trọng. “Ở Singapore, điều dưỡng bị đối xử giống như người giúp việc”, theo Priscilla.
Bên cạnh đó, nhiều điều dưỡng trẻ chọn con đường ra nước ngoài vì giờ làm việc dày đặc khiến họ không có thời gian nghỉ ngơi phù hợp. Như cô Gemma quyết định sang Úc vì không kham nổi lịch trực thâu đêm suốt sáng ở Singapore. “Có ngày tôi làm từ 7 giờ sáng cho đến gần nửa đêm rồi sau đó được gọi đến hỗ trợ phẫu thuật lúc 3 giờ sáng. Ca phẫu thuật kết thúc lúc 5 giờ và đến 8 giờ tôi lại bắt đầu ca trực mới”, Gemma kể. Giờ đây, cô có chồng, sinh con và chuẩn bị sang châu Âu định cư nhưng sẽ không bỏ nghề. Cô Gemma thừa nhận mức lương của điều dưỡng nước ngoài làm việc ở Úc không cao và cũng không có tiền thưởng cuối năm như tại Singapore, nhưng điều kiện và giờ giấc làm việc tốt hơn nhiều.
Giữ chân người trẻ
Đánh giá chương trình thu hút người trẻ vào ngành điều dưỡng, Bộ trưởng Y tế Amy Khor thừa nhận số lượng nhân lực có phần tăng dần nhưng vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu. “Số sinh viên học ngành điều dưỡng từ 3 cơ sở đào tạo hàng đầu trong nước tăng từ 1.500 trong năm 2012 lên 1.800 người vào năm 2016, khoảng 20%”, bà cho biết. Bộ Y tế cũng đang tiến hành chương trình khuyến học nhằm lôi kéo người trẻ đang làm việc trong lĩnh vực khác tham gia đội ngũ y tá, điều dưỡng.
Số liệu thống kê cho thấy từ năm 2009 đến nay có hơn 400 người đổi nghề. Trường hợp điển hình là cô Abigail. Sau nhiều năm làm việc ở nhà hàng, bà mẹ một con 30 tuổi này quyết định học làm điều dưỡng sau một lần nhập viện được chăm sóc tận tình. “Trong năm nay, Bộ Y tế tiếp tục mở rộng chương trình, tăng số tiền hỗ trợ học tập và mở thêm diện vừa học vừa làm giúp người chuyển nghề có thu nhập trong lúc học ngành mới.
tin liên quan
Chương trình hướng nghiệp ngàn tỉ của SingaporeSingapore vừa phát động một chương trình quy mô rất lớn nhằm giúp giới trẻ tìm việc làm lý tưởng và khuyến khích văn hóa chia sẻ từ người đi trước.
Đối với đội ngũ điều dưỡng hiện tại, chính phủ Singapore áp dụng biện pháp tăng lương. Tuy nhiên, giới chuyên gia lưu ý động thái này vẫn chưa đủ mà bệnh viện phải tăng cường vai trò tham vấn của điều dưỡng đối với bác sĩ cũng như phân bổ thời gian trực phù hợp. Ngoài ra, chính phủ còn có chương trình hỗ trợ tái đào tạo 3 tháng cộng với tiền thưởng cho y tá bỏ nghề muốn quay trở lại.
Bên cạnh đó, Singapore lâu nay có chính sách hạn chế lao động nước ngoài trong những ngành chuyên môn cao hoặc thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng đã đến lúc có thêm nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích để thu hút điều dưỡng giỏi nghề từ các nước xung quanh.
“Ở các nước như Úc và Anh, nhiều y tá, điều dưỡng nước ngoài có cơ hội định cư sau nhiều năm làm việc, nhưng tại Singapore thì không. Đã đến lúc Bộ Y tế cân nhắc tất cả biện pháp có thể nhằm giữ chân người tài”, chuyên gia về lĩnh vực y tế Jeremy Lim thuộc Công ty tư vấn Oliver Wyman, nhận định với Channel NewsAsia.
Bình luận (0)