Dịch covid-19 mà căng thì khổ chồng khổ
Mỗi năm khi tiếng nhạc xuân cất lên trong chương trình “Họp mặt sinh viên (SV) đón tết xa nhà” (do Trung tâm hỗ trợ học sinh, SV TP.HCM tổ chức), nhiều SV đã không ngăn được nước mắt vì nhớ thương ba mẹ nơi quê nhà. Nhưng năm nay, nỗi buồn cộng thêm nỗi lo, vì lỡ chẳng may dịch Covid-19 phức tạp hơn, không có việc làm thêm trong những ngày tết thì các bạn không biết phải như thế nào.
Nguyễn Thị Tuyết Trinh, SV Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, tâm sự với chúng tôi rằng những ngày này em cầu trời khấn Phật để dịch bệnh được kiểm soát, chứ nếu không sẽ không biết phải như thế nào.
“Em đã kiếm được việc làm thêm bán đồ ở cửa hàng tiện lợi, mà cứ sợ dịch bùng phát, dẫn đến phải giãn cách xã hội, thì thật sự em không biết phải làm sao. Vì kinh tế gia đình khó khăn nên em mới quyết định ở lại để đi làm thêm trang trải cuộc sống, giờ ở lại rồi mà lỡ chẳng may không có việc làm nữa thì khó khăn sẽ chồng chất khó khăn”, Trinh chia sẻ.
Không khác gì Trinh, gương mặt đầy âu lo, Lê Thị Thu Thảo, SV năm thứ 3 Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (quê ở Quảng Ngãi), chia sẻ: “Em lo quá chừng lo. Năm nay là năm đầu tiên em đón tết xa nhà, nhớ ba nhớ mẹ ở quê, nhưng vì điều kiện hoàn cảnh em mới ở lại để kiếm việc làm thêm. Dịch bệnh thế này em chẳng biết sẽ ra sao nữa, đã ngậm ngùi ăn tết xa nhà mà còn không có việc để làm thì không biết còn có nỗi buồn nào hơn nữa”.
Sở dĩ tết năm nay Thảo quyết định không về quê vì năm rồi nhà Thảo bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão nên không có tiền để mua vé tàu xe. Hơn nữa, Thảo cũng muốn tranh thủ làm thêm những ngày tết, tiền công được trả cao hơn.
Ba mẹ ở quê cũng đứng ngồi không yên
Đang loay hoay gói gọn những phần quà hỗ trợ từ chương trình “Họp mặt SV đón tết xa nhà”, để ra đón xe buýt về Thủ Đức cho kịp giờ làm thêm, Nguyễn Thị Hồng Lý, SV Trường CĐ Kinh tế TP.HCM, chia sẻ: “Dịch bệnh phức tạp không biết sắp tới sẽ như thế nào, nên bây giờ tranh thủ đi làm được ngày nào hay ngày đó, em cũng sợ không có việc làm thêm lắm luôn”.
Mới SV năm nhất, nhưng Lý nói năm nay đã là năm thứ 2 ở lại đi làm. Lý giãi bày: “Năm trước em trúng tuyển vào đại học nhưng học phí cao quá, nên em đành nghỉ 1 năm. Em vào TP.HCM kiếm việc làm, khi đã tích góp được một khoản tiền thì em mới nộp học bạ xét tuyển để tiếp tục việc học. Cũng vì gia cảnh khó khăn nên em phải tự bươn chải lo cho việc học của mình”.
Có lẽ nỗi lo của Đặng Thị Hoài, SV Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, bây giờ đã nhân lên gấp 3, vì không chỉ một mình Hoài ngậm ngùi ăn tết xa nhà mà cả 3 chị em gái trong gia đình Hoài đều như vậy.
Quê ở huyện miền núi xa xôi của tỉnh Đắk Nông, gia đình lại có đến 7 người con nên điều kiện kinh tế rất khó khăn. Vì thế cả 3 chị em Hoài đều phải ở lại TP.HCM để đi làm kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống và phụ giúp gia đình.
“Ngày tết lương cao nên mấy chị em phải tranh thủ ở lại để đi làm. Xa nhà trong ngày tết thì ai cũng buồn nhưng năm nay đặc biệt hơn vì trong tình hình dịch nên giờ tụi em lo nhiều hơn buồn”, Hoài bày tỏ.
Còn Đặng Thanh Tùng, SV Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, lo lắng: “Vì không có điều kiện mới chấp nhận ăn tết xa nhà để đi làm kiếm tiền, mà nếu ở lại không có việc thì em cũng không biết phải thế nào luôn”. Tùng ở lại trong này thì lo dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến công việc, còn ba mẹ ở quê cũng đứng ngồi không yên khi con phải đi làm trong lúc dịch bệnh phức tạp.
Tùng kể: “Ba mẹ cứ gọi điện vào dặn dò mỗi ngày, lo sợ lắm luôn. Sợ em đi làm tiếp xúc nhiều người, rồi đi làm về mệt quá lại không chú trọng ăn uống, sức khỏe giảm sút, sức đề kháng không có thì dễ lây nhiễm dịch bệnh. Em phải trấn an ba mẹ rằng con ở lại sẽ an toàn hơn là di chuyển về nhà trong tình hình này”.
Bình luận (0)