Sinh viên người Hoa ở TP.HCM kể chuyện đón tết đầy màu sắc

19/01/2023 14:25 GMT+7

Không khí Tết Nguyên đán đang tràn ngập khắp mọi nơi. Vậy người Hoa ở TP.HCM ăn tết như thế nào? Những sinh viên người Hoa kể chuyện về dấu ấn đáng nhớ của tết, của sự sum họp, của tình người.

Bánh trái lựu của người Hoa ở TP.HCM bán vào dịp tết
thúy hằng

Đi để trở về

Như bao người Việt Nam đang háo hức đón tết, người Hoa ở TP.HCM cũng luôn giữ tâm niệm Tết Nguyên đán là nơi họp gia đình sau một năm đi xa bộn bề. Bên cạnh đó, giống với quan niệm “uống nước nhớ nguồn”, người Hoa vào mỗi dịp xuân về đều cúng tiên sư (ông tổ của một nghề).

Tùy ngành nghề mà việc cúng tiên sư sẽ khác nhau với những đồ cúng khác nhau tùy vào gia đình và tính phù hợp với thời đại và truyền thống của dòng họ. Trước khi cúng, người Hoa sẽ giải quyết hết mọi chuyện cũ và qua tết mới khai hàng. Sau khi cúng xong, vào đêm giao thừa, cả dòng họ cùng ngồi xuống ăn tất niên đón năm mới.

Hứa Hiểu Đan, 18 tuổi, sinh viên Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP. HCM, tự hào về nét đẹp truyền thống này.

Hứa Hiểu Đan
nvcc

“Vào 30 tết, những người bà con họ hàng từ gần tới xa sẽ tụ họp về nhà mình để cúng tổ tiên. Có những nhà thì cúng trước giao thừa như nhà mình nhưng cũng có nhiều nhà cúng đến nửa đêm hơn. Sau đó, cả nhà sẽ cùng chơi mạt chược và nói chuyện tới sáng mùng 1. Dù có bận tới mấy thì người Hoa luôn sẽ sum họp ấm cúng cho tới hết kỳ nghỉ tết. Mình thấy may mắn khi truyền thống quây quần bên gia đình vẫn còn giữ được trong nhà mình nói riêng và cộng đồng người Hoa ở TP.HCM nói chung”, Hiểu Đan nói.

Bánh tổ-gắn kết yêu thương

Nói đến món ăn truyền thống của người Hoa ở TP.HCM, theo Hứa Hiểu Đan phải nhắc tới món bánh tổ. Bánh được làm đa phần từ bột gạo nếp và đường nên khi ăn bạn sẽ cảm nhận được độ dẻo, bám dính và có vị ngọt đường. Bánh tổ có 2 màu chính là trắng và vàng. Loại màu trắng sử dụng đường cát trắng, có nơi sử dụng đường phèn còn loại màu vàng sử dụng đường tán.

Bánh tổ, bánh đường bán trong chợ người Hoa ở TP.HCM
THÚY HẰNG

Chị RuLu (tên thật Trần Như Lộc), một người Hoa ở TP.HCM, nhà phê bình ẩm thực-thành viên Hiệp hội văn hóa ẩm thực Việt Nam, bật mí thêm: “Ở Quảng Đông, bánh tổ thường có màu nâu. Ở Phúc Kiến, bánh tổ có màu hổ phách. Ở Giang Nam và Thượng Hải, bánh tổ có màu trắng đục”.

Chiếc bánh tổ ngày nay được chế biến theo nhiều kiểu, nhiều cách nhưng vẫn mang một ý nghĩa chung là cầu cho một năm mới thịnh vượng hơn. Ý nghĩa tên gọi của bánh tổ là tượng trưng cho sự suôn sẻ và sự thịnh vượng của cả năm.

Chị RuLu
nvcc

Miếu, nơi tìm lại bình an

Vào ngày đầu năm, người Hoa ở TP.HCM sẽ đi các miếu ông, miếu bà để cúng kiến mong cho một năm mới bình an, phát đạt, cầu duyên. Một số nhà còn ăn chay để bày tỏ lòng thành.

Tô Hy, 24 tuổi, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết hiện nay, chỉ còn một số dòng họ người Minh Hương lớn, đông con nhiều cháu và có nhà từ đường riêng dùng để tế tự.

Chùa Bà Thiên Hậu, Q.5, TP.HCM nghi ngút khói hương
Việt Trinh

“Mỗi dịp tất niên, các thành viên trong dòng tộc sẽ đến nhà từ đường để dâng lễ cúng lên tổ tiên. Bên cạnh các họ lớn, các họ nhỏ và gia đình nhỏ chủ yếu là cùng sum vầy bên nhau ăn bữa cơm tất niên, hỏi han việc đã qua trong năm. Việc thắp nhang khoanh suốt mấy ngày tết cũng là một việc vô cùng quan trọng. Nhang sau khi đốt sẽ được để trên cao và duy trì từ 3-5 ngày. Các câu chúc thường về gia đình đoàn tụ, bản thân thành đạt, ai đi xa thì thuận lợi”, Tô Hy kể.

Điều đặc biệt về lì xì

Tết Nguyên đán là dịp ý nghĩa với tất cả mọi người vì đó là thời gian đoàn tụ. Chị Trúc Linh, 24 tuổi, giáo viên dạy STEM tại TP.HCM, bày tỏ bên cạnh khoảng thời gian có thể chăm sóc cho bản thân, gia đình, người thân, mọi người được nghỉ ngơi sau một năm bộn bề, tết có ý nghĩa khi để giáo dục cho thế hệ trẻ những giá trị truyền thống.

Không khí mua sắm tết tấp nập ở Chợ Lớn
lê khanh
Chị Trúc Linh
nvcc

Nói về tết, Huỳnh Gia Nhi, 18 tuổi, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, chia sẻ: “Người dân tộc Kinh nói chung thường quan niệm cứ trưởng thành, đi làm thì phải lì xì con nít nhưng người Hoa quan niệm rằng sau khi lập gia đình, bạn mới phải lì xì trẻ nhỏ”.

“Ngoài ra, người Hoa còn ăn quýt vào tết, năm mới vì chữ “quýt” trong tiếng Hoa đồng âm với chữ “cát” ngụ ý mang tới may mắn cho người ăn. Thêm vào đó, người Hoa vẫn còn giữ được truyền thống múa lân và sau khi vào nhà múa thì sẽ được trả lộc là một trái quýt. Nhưng, hiện giờ tùy gia chủ sẽ cho lân vào hay không cũng như đoàn múa lân chỉ biểu diễn ở những nơi tấp nập, đường lớn để thuận tiện việc đi lại”, Huỳnh Gia Nhi, cô sinh viên người Hoa ở TP.HCM nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.