Trẻ em mầm non tại TP.HCM gói bánh chưng, đi chợ phiên trước Tết Nguyên đán ở sân trường |
thu hương |
Giáo dục truyền thống, đạo đức cho con cháu
Mỗi năm tết đến xuân về, ngôi nhà của nhà văn, nhà giáo ưu tú Lê Đức Hân, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, Q.Gò Vấp, TP.HCM, Chủ tịch Hội Kiều học TP.HCM, luôn đông vui, rộn ràng tiếng cười nói khi con cháu ở khắp nơi về thăm hỏi, chúc tết ông bà. Ông kể với phóng viên Báo Thanh Niên: “Gia đình tôi đã thành lệ, thành quen, Tết Nguyên đán là con cái sum vầy, hỏi thăm, chúc tết cha mẹ, xin lỗi những điều còn sai sót trong một năm qua”.
Theo ông Hân, Tết Nguyên đán là cơ hội rất tốt để giáo dục con trẻ thông qua những tục lệ ngày tết. Chẳng hạn, trong phong tục tảo mộ ngày tết, gia đình có thể dạy con cháu về nguồn cội, tổ tiên, biết ơn, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, tưởng nhớ tới người đã mất. Hay dân gian có câu “mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy”, nhắc nhở con người sống biết nguồn cội, tôn sư trọng đạo…
Học sinh trong một chủ điểm đón tết ở trường |
văn kết |
Câu chuyện nhỏ và bài học lớn
Không phải những bài tập về nhà gây áp lực cho học sinh, theo nhiều nhà giáo, Tết Nguyên đán là dịp để ông bà, cha mẹ, người thân cùng trẻ em làm nên những bài học ý nghĩa từ thực tế đời sống.
Cô Lâm Hồng Lãm Thúy, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học của Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết kỳ nghỉ tết là khoảng thời gian lý tưởng để học sinh tiểu học được nghỉ ngơi, có những ngày ý nghĩa bên gia đình. Các hoạt động thực tế cùng với gia đình dịp tết sẽ cho trẻ những bài học lớn, có giá trị, vượt xa hơn bài tập trong sách vở.
Theo cô Thúy, trẻ có thể cùng gia đình dọn dẹp nhà cửa, đi chợ tết để học về tinh thần lao động. Học sinh có thể tham quan công viên, đường hoa, chợ hoa xuân cùng người thân… Các em được ba mẹ chở đi học trên chính con đường ấy, nhưng ngày thường kẹt xe hoặc vội vã cho kịp giờ học nên không có thời gian, không gian để ngắm nhìn những sự đổi thay của thành phố, những sắc màu rực rỡ dịp tết.
Trẻ cùng gói bánh bánh chưng, học nhiều điều về tết truyền thống |
thu hương |
Ngày tết, học sinh có thể cùng ông bà, cha mẹ đi tảo mộ, viếng thăm bà con họ hàng, chúc tết ông bà, người thân. Đây là dịp để gắn kết tình thân trong gia đình. Mỗi chuyến đi cũng là dịp để các em tưởng nhớ cội nguồn, tri ân những thế hệ đi trước.
“Hay từ chính những hành trình du xuân, ngắm nhìn những cảnh đẹp, di tích trong và ngoài nước, học sinh được hiểu về văn hóa, lịch sử địa phương TP.HCM, các tỉnh thành ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới. Đó cũng chính là những trải nghiệm quý giá, để các em học tốt hơn”, cô Thúy nói.
Theo cô Thúy, trải nghiệm đáng nhớ trong dịp tết sẽ góp phần giúp học sinh có trải nghiệm, cảm xúc chân thực để viết những bài tập làm văn.
Tết Nguyên đán là cơ hội tốt để giáo dục trẻ em |
văn kết |
Sau kỳ nghỉ tết, thầy cô có thể gợi mở những đề tập làm văn để học sinh kể câu chuyện, kỷ niệm đáng nhớ vừa qua. Hoặc giáo viên có thể khuyến khích học sinh nào thích ghi chép viết nhật ký những ngày tết đáng nhớ của mình. Đó cũng là một cách nuôi dưỡng những cảm xúc trong trẻo, rèn luyện tư duy và cách viết các bài văn ngắn ở độ tuổi học sinh tiểu học…
"Giáo dục sự trọng con người"
Có phải chỉ trẻ em mới nhận được nhiều bài học ý nghĩa trong dịp tết? Theo nhà văn, nhà giáo ưu tú Lê Đức Hân, tết cũng là cơ hội để nhắc nhở mỗi người lớn cần phải biết nhìn lại bản thân, xem mình đã sống đủ tốt với mọi người, với cha mẹ hay chưa.
Không ít người cho rằng tết ngày nay chỉ chạy theo giá trị vật chất mà bỏ quên yếu tố tinh thần. Nhưng với người Việt, tết là dịp để giáo dục truyền thống, đạo đức cho con cháu. “Và quan trọng nhất hiện nay là giáo dục về sự trọng con người. Trọng ở đây không phải là mình chỉ quý, chỉ trân trọng những người giàu có, thông minh, tài giỏi mà những người còn nghèo, còn khổ, còn lạc hậu thì mình lại càng thương”, ông Hân nói.
"Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy" |
khánh hòa |
Nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du dẫn ra một câu chuyện để lại trong ông nhiều bài học sâu sắc: Có học trò chưa tốt, mùng 3 đi tết thầy nhưng chỉ đi một mình. Thầy bảo sao con đi sớm thế, lại đi một mình, sao không rủ bạn đi cùng. Trò trả lời rằng "con học dốt" nên không muốn đi chung vì lo thầy chỉ hỏi han các bạn giỏi mà con không có cơ hội được nói chuyện với thầy. Người thầy cảm động lắm, mang quà ra tặng thì trò nói con không dám nhận.
“Người thầy trong câu chuyện bảo: “Con ơi, con đã dạy cho thầy một bài học. Đó là làm thầy phải có trái tim trong sáng, dù trò giàu, nghèo thì lòng thương học trò là phải thương đều. Người làm thầy không chỉ quý, thương những em học giỏi, mà đối với học sinh còn chưa giỏi, nghèo khổ thì mình càng phải thương các em ấy hơn gấp nhiều lần”. Câu chuyện học trò đi tết thầy ấy vẫn luôn là bài học đáng quý, xúc động với tất cả những người làm thầy như tôi”, ông Hân bộc bạch.
Cho trẻ em cơ hội được trải nghiệm
Thầy Lê Văn Kết, quản lý trung tâm kỹ năng sống Việt Đăng Quang (Q.5, TP.HCM), cho hay trong dịp Tết Nguyên đán, ông bà cha mẹ có thể cho trẻ cùng dọn dẹp nhà cửa, bày mâm ngũ quả, chưng cây mai cây đào, gói bánh chưng bánh tét, chuẩn bị mâm cơm giao thừa… từ đó kể cho trẻ các câu chuyện về truyền thống, phong tục tết truyền thống. Khi cùng ông bà, cha mẹ chuẩn bị mâm cơm cúng ông Táo, người lớn có thể nói cho trẻ nghe về sự tích ông Táo, tục lệ ngày 23 tháng chạp hàng năm…
Đồng thời, ông bà cha mẹ có thể dạy trẻ về phong tục xông đất, những lời chúc tết hay, ý nghĩa của truyền thống lì xì lấy may mắn đầu năm… “Có một hiện tượng khá buồn hiện nay là nhiều trẻ em được nhận tiền lì xì nhưng không biết ý nghĩa của tục lệ này ra sao, nên có em bóc lì xì trước mặt người lớn rồi chê sao tiền ít vậy. Dạy trẻ bài học ý nghĩa ngày Tết Nguyên đán, cũng là nuôi dưỡng những giá trị tinh thần tốt đẹp của ngày tết còn bền vững mãi”, thầy Lê Văn Kết nói.
Bình luận