Sinh viên ‘sàng lọc’ kiến thức kiểm toán và kỹ năng trực tiếp tại doanh nghiệp

27/07/2022 20:46 GMT+7

Sinh viên chuẩn bị hành trang vào nghề bằng việc ‘sàng lọc’ kiến thức và kỹ năng cần thiết khi đầu quân cho công ty kiểm toán bằng việc phỏng vấn thử, lắng nghe chia sẻ từ người trong nghề...

Đi một ngày đàng, học một sàng khôn

Trong buổi trải nghiệm trực tiếp tại Công ty TNHH Crowe Việt Nam (TP.HCM) ngày 27.7, các sinh viên có định hướng theo ngành kế toán - kiểm toán có cơ hội trải nghiệm và lắng nghe những chia sẻ về khó khăn và áp lực trong nghề, lộ trình thăng tiến, điều cần chuẩn bị khi ứng tuyển vào công ty kiểm toán…

Sinh viên hào hứng với buổi trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp

Thanh Dung

Đây là hoạt động nằm trong sự kiện hướng nghiệp dành cho sinh viên ngành này mang tên The Audit Room do Youth+ HCM cùng câu lạc bộ Sinh viên kinh tế - ESCUTE (được bảo trợ chuyên môn từ Khoa Kinh tế, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) và đơn vị ICAEW (tổ chức nghề nghiệp hàng đầu thế giới) tổ chức.

Đáng chú ý, quản lý nhân sự của công ty còn tổ chức vòng phỏng vấn thử với ứng viên là sinh viên. Là người trực tiếp trải qua vòng phỏng vấn thử, Lưu Nhật Thanh (sinh viên năm 3, ngành Kiểm toán, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho rằng hoạt động này giúp cô hình dung được quy trình phỏng vấn tại doanh nghiệp, có cái nhìn thực tế và kinh nghiệm cho bản thân bên cạnh kiến thức học được ở trường.

“Nếu như trường học dạy về kiến thức chuyên ngành thì những buổi tham quan, trải nghiệm tại doanh nghiệp giúp tôi hiểu rõ hơn về môi trường và văn hóa làm việc của nghề. Ngoài những công ty kiểm toán có tiếng trên thị trường, chúng tôi còn mở rộng được danh sách công ty 'trong mơ' khác và tìm hiểu về họ để ứng tuyển cho sau này”, Thanh chia sẻ.

Tự nhận mình là người không giỏi giao tiếp, Đinh Toàn Mạnh (sinh viên năm 4, ngành Kiểm toán, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho rằng bản thân cần cải thiện nhiều thứ từ phong thái, cách giao tiếp… để tự tin hơn, mở đường cho sự nghiệp sau này.

“Đi thực tế tại doanh nghiệp giúp tôi hiểu hơn về điều mà họ cần ở ứng viên từ kiến thức, kỹ năng đến tính cách con người. Tôi từng khá lo sợ về những buổi phỏng vấn nhưng được tiếp cận, hiểu được mong muốn của nhà tuyển dụng mà tôi có thể rèn luyện và cải thiện cách trả lời phù hợp nhất sau này”, Mạnh nói.

Không chỉ học và lắng nghe chia sẻ từ những người dày dặn kinh nghiệm trong nghề mà Lê Nguyễn Hoàng Nhi (sinh viên năm 4, ngành Kiểm toán, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) còn học thêm từ bạn bè cùng tham gia.

“Tôi được trực tiếp quan sát cách xử lý tình huống và phong cách trả lời khác nhau của các bạn. Từ đó, xác định đâu là cách trả lời mà nhà tuyển dụng ấn tượng để học hỏi. Nếu chỉ học ở trường sẽ khó giúp sinh viên biết được, một doanh nghiệp sẽ tiếp cận ứng viên theo hướng nào”, Nhi nói thêm.

Không học kiểm toán có thể làm kiểm toán được không?

Xoay quanh vấn đề ứng viên học ngành khác thì có thể làm ngành kiểm toán được không, anh Vũ Đình Thiêm (Phó Giám đốc Kiểm toán tại Công ty TNHH Crowe Việt Nam) đã có những chia sẻ dựa trên quan sát thị trường nhiều năm tại Việt Nam.

“Nếu như các doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài không quá xem trọng xuất thân về học tập ứng viên và sẵn sàng 'mở cửa' với chuyên ngành khác để họ vào công ty và dành thời gian đào tạo hay gửi 'đi học', thì đa số các công ty tại Việt Nam vẫn có xu hướng ưu tiên các ứng viên học các ngành kinh tế như kế toán, tài chính, quản trị kinh doanh…”, anh Thiêm nhận định.

Anh Vũ Đình Thiêm (Phó Giám đốc Kiểm toán tại Công ty TNHH Crowe Việt Nam) chia sẻ tại sự kiện

Thanh Dung

Bên cạnh đó, nếu ứng viên từng đảm nhận công việc trong các ngành khác vài năm và muốn ứng tuyển vị trí kiểm toán, các doanh nghiệp vẫn sẵn sàng tiếp nhận. Tuy nhiên, anh Thiêm cho rằng, ứng viên sẽ mất khá nhiều thời gian vì phải bắt đầu lại ở các vị trí khá thấp như nhân viên mà không thể “rút ngắn giai đoạn” để đảm nhận ngay vị trí cao hơn như trưởng nhóm.

Buổi phỏng vấn thử giữa quản lý nhân sự và ứng viên là sinh viên

Thanh Dung

Anh cũng nhận định, sinh viên nên cố gắng trau dồi tốt khả năng tiếng Anh vì điều này sẽ giúp các bạn thuận lợi hơn khi muốn đi xa hơn trong nghề, đảm nhận được những chức vụ quan trọng trong doanh nghiệp.

“Ngoài ra, học thêm về chương trình đào tạo quốc tế, thu thập các chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế sẽ là điểm cộng đáng giá khi ứng viên ứng tuyển tại công ty”, anh Thiêm bày tỏ.

Không có kinh nghiệm, ứng tuyển vào công ty thế nào để qua “vòng gửi xe”?

Chị Ngô Thị Hoài Anh (Quản lý tuyển dụng và nhân sự tại Công ty TNHH Crowe Việt Nam) nhận định, các nhà tuyển dụng đều hiểu, rất khó đòi hỏi kinh nghiệm thật sự ở ngành nghề đối với phần lớn sinh viên mới ra trường. Vì vậy, trong hồ sơ ứng tuyển, sinh viên nên thể hiện được những trải nghiệm ở hoạt động thực tiễn liên quan đến nghề nghiệp như tham gia sự kiện, các giải thưởng đạt được ở trường học, hay quá trình đi làm thêm…

“Kiến thức chuyên môn là tiêu chí quan trọng mà nhiều nhà tuyển dụng xem xét và hầu hết ứng viên sẽ đều đáp ứng được. Vì vậy, các chi tiết khác như hoạt động ngoại khóa, quá trình làm thêm, các cuộc thi mà ứng viên tham gia hay giải thưởng đạt được sẽ là điểm cộng trong hồ sơ ứng tuyển của các bạn”, chị Hoài Anh bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.