Sinh viên tử vong khi đến trường nhập học: 'Tự giác giữ an toàn chính mình'

Tấn Đạt
Tấn Đạt
15/02/2022 17:49 GMT+7

Từ câu chuyện nam sinh viên tử vong khi mới từ quê vào TP.HCM nhập học đã khiến nhiều người bàng hoàng. Vậy các bạn trẻ cần lưu ý gì khi mới đến thành phố học tập và bắt đầu một cuộc sống mới?

Nam sinh viên ở Bình Định mất tích khi vào TP.HCM đã được công an tìm thấy thi thể ở sông Sài Gòn

chụp màn hình

Như Báo Thanh Niên đã đưa tin, ngày 11.2, Nguyễn Văn Nghĩa (19 tuổi, quê Bình Định), lên xe khách vào TP.HCM nhập học tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM và mất liên lạc với người thân. Theo hình ảnh từ camera an ninh, khi đến Bến xe miền Đông, Nghĩa được một người đàn ông xe ôm chở đi và mất tích từ ngày 12.2. Đến khoảng 11 giờ 30 ngày 15.2, công an Q.Bình Thạnh phát hiện thi thể của Nghĩa trôi trên sông Sài Gòn.

Dù chưa có kết luận nguyên nhân cái chết của Nghĩa nhưng vụ việc khiến nhiều người lo sợ và bàng hoàng. Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ từng là sinh viên (SV) một mình đến TP.HCM nhập học có một số chia sẻ xung quanh vụ việc này.

Xác định nam sinh viên Nguyễn Văn Nghĩa mất tích, tử vong là do tự tử

Không đi vào đường vắng, thiếu ánh sáng với người lạ

Đọc được thông tin trên, Nguyễn Trần Hoài Thêm, 20 tuổi, SV Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, không khỏi tiếc thương cho nam sinh viên và muốn chia sẻ một số câu chuyện mà bản thân từng trải khi đến TP.HCM nhập học.

Cách đây 2 năm, Thêm cũng một mình bắt chuyến xe từ quê Bến Tre lên TP.HCM và lúc đó cảm thấy lo sợ trước con người, môi trường mới. Với Thêm, mỗi người sẽ có trải nghiệm khác nhau. Dù có đi xe ôm truyền thống, hay công nghệ hoặc xe buýt thì cũng nên tự giác giữ an toàn cho chính mình là việc buộc ai cũng phải biết.

Sinh viên mới lên TP.HCM cần tự giác giữ an toàn cho chính mình

tấn đạt

“Theo tôi, dù đi phương tiện trung gian nào thì tốt nhất không nên nói chuyện nhiều với người lạ. Nếu ai đó hỏi tới tấp thì nên im lặng, bỏ đi, đừng nói gì hết, cũng không nói mình đi tới đâu, không bắt chuyện, hỏi chuyện. Đừng để người ta biết quá nhiều về mình như tiền bạc, thông tin cá nhân. Nếu bị tài xế hỏi nhiều thì mỗi lần hãy bịa cho mình thật nhiều câu chuyện, nhiều danh tính. Điều đó có thể giúp bạn tự bảo vệ bản thân và nâng cao trí tưởng tượng. Đặc biệt, mọi người không đi vào đường vắng, thiếu ánh sáng với người lạ, không rời khỏi nơi đông người với người lạ và giữ nguyên vị trí ở nơi đông người, đợi người thân đến đón”, Thêm chia sẻ.

Bên cạnh đó, Thêm lưu ý tân sinh viên đi xe khách nên để ví tiền sâu trong ba lô và nên để vài chục ngàn đồng trong túi, nên đeo ba lô trước ngực dù ngồi hay đứng và không mang theo quá nhiều tiền mặt.

Tương tự, Nguyễn Thị Trúc Lam (19 tuổi, quê ở Đồng Nai, SV Trường ĐH Hoa Sen TP.HCM) cũng không khỏi bàng hoàng khi nghe thông tin nam sinh tử vong kể trên. Vụ việc khiến Lam nhớ lại khoảng thời gian vô cùng sợ hãi khi mới "chân ướt chân ráo" đến TP.HCM.

SV không nên cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ

tấn đạt

Lam kể: “Trước đây, khi đến bến xe miền Đông, tôi đặt một cuốc xe ôm công nghệ. Nhiều chú xe ôm truyền thống liên tục hỏi tôi về hành trình, ra giá và hứa hẹn rẻ hơn. Lúc đó, tôi chỉ nói nhỏ nhẹ “dạ, con cảm ơn. Con đang đợi người nhà tới đón”, nói vậy rồi người ta cũng đi. Có nhiều lần mình được bạn bè nhắc nhở nếu ở bến xe mà đặt xe ôm công nghệ thì nên đi ra xa một chút”.

Rồi Lam nói thêm: “Tài xế xe ôm truyền thống, công nghệ cũng có người này người kia. Có vài đợt mình gặp vài chú xe ôm tốt bụng, nhiệt tình lấy tiền rẻ nữa. Cũng có đợt từ quê lên rồi xuống xe khách, mình im lặng, lắc đầu từ chối lời mời chào thì chú xe ôm chửi tới tấp”.

Toàn cảnh vụ việc nam sinh viên Nguyễn Văn Nghĩa mất tích bí ẩn: Nạn nhân học giỏi, Không có đấu hiệu án mạng

Đi với một người bạn thân mình tin tưởng

Ngoài những vấn đề di chuyển khi đi nhập học, nhiều sinh viên còn gặp khó khăn trong những ngày đầu đến TP.HCM xây dựng ước mơ.

Lê Nguyễn Thành Nhân (20 tuổi, SV Trường CĐ FPT ApTech TP.HCM) kể Nhân cảm thấy không lo sợ khi lần đầu tiên đến TP.HCM cách đây 2 năm. Tuy nhiên, sau khi ở trọ được vài ngày, Nhân bắt đầu hoang mang. Nhân không biết bản thân phải ăn uống như thế nào và sợ hết tiền nên không dám tiêu xài.

Nhân (ngoài cùng bên trái) từng gặp đa cấp, bị lừa nhà trọ khi lên TP.HCM đi học

nvcc

“Lúc đó, có một khách sạn gần trường vì dịch Covid-19 nên họ cho thuê tháng với mức giá khá rẻ nên tôi đã đăng ký vào ở. Tôi chỉ mới ở được 1 tháng thì khách sạn đó bị tranh chấp, giang hồ đến dằn mặt, đuổi tôi đi và tôi bị mất luôn tiền cọc. Qua đó, tôi thấy phải suy nghĩ thật kỹ trước khi đưa ra quyết định thuê phòng trọ. Chưa kể, tôi còn phải đối mặt đa cấp, họ nhắn tin hằng ngày trao đổi, động viên xong hẹn gặp mặt rồi dụ dỗ đầu tư bán hàng với số vốn "khá nhỏ" nhưng lợi nhuận khủng, làm giàu nhanh chóng", Nhân chia sẻ.

Nhân hy vọng các sinh viên luôn "có đôi có cặp" khi đến TP.HCM học tập

tấn đạt

“Tôi khuyên các bạn mới đến TP.HCM nên đi cùng cha mẹ hoặc bạn thân để có thể giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, không nên đi một mình vì khi gặp sự cố thì không biết phải nhờ ai. Các bạn có thể dành ít thời gian làm thêm vừa có được thu nhập lại bổ sung vốn kỹ năng sống cho mình, chứ đừng nghe lời dụ dỗ nào", Nhân nói.

Trong khi đó, Nguyễn Tùng Lâm, 19 tuổi, SV Trường ĐH Hoa Sen TP.HCM, cho hay rất háo hức muốn tìm hiểu nhiều thứ mới lạ khi mới bước chân vào TP.HCM. Lâm nhìn thấy một thế giới hoàn toàn mới khác biệt so với cuộc sống ở quê, nhưng cũng có những câu chuyện khiến Lâm không thể nào quên.

"Hôm đó, có một người lạ đến bắt chuyện. Với bản tính thân thiện, tôi đã trò chuyện rất cởi mở. Không ngờ trong giây phút bất cẩn, họ đã lấy mất điện thoại và chiếc ví nhỏ. Tôi đã rất hoảng sợ, không biết làm gì và mất gần 5 phút mới lấy lại được bình tĩnh và nhờ sự giúp đỡ. May mắn là có một người tốt bụng đã cho tôi mượn điện thoại, gọi lên tổng đài để khóa sim và tài khoản ngân hàng", Lâm kể.

SV năm nhất còn nhiều bỡ ngỡ khi mới đến TP.HCM học tập và sinh sống

tấn đạt

Lâm nói thêm: "Khi mới nhập học ở TP.HCM, tân sinh viên nên đi cùng cha mẹ và tìm trọ ở khu an ninh. Đừng để xảy ra chuyện đáng tiếc, thương tâm như là vụ việc của tân sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật".

Anh Nguyễn Vĩnh Kha, đang công tác tại Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM, cho hay tại các Bến xe miền Đông và Bến xe miền Tây, trung tâm đang triển khai đội hình sinh viên tình nguyện hỗ trợ tân sinh viên về đường đi, các tuyến xe buýt, nhà trọ và việc làm.

"Điều quan trọng là các bạn phải biết nhận diện được đâu là tổ chức uy tín và đâu là những đối tượng xấu. Đối tượng xấu chỉ hướng vào những người chủ quan, lơ là, không cẩn thận và không có nhiều kỹ năng xử lý các vấn đề. Chỉ cần bạn cẩn thận mọi lúc, mọi nơi, trang bị cho mình nhiều kỹ năng mềm thì việc nhận diện đối tượng xấu sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Đừng chỉ sống mãi trong thế giới ảo mà ở thế giới thật mình không có bất kỳ kỹ năng nào”, anh Vĩnh Kha nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.