Theo đó, Sở GTVT TP.HCM cho biết trong quá trình nghiên cứu góp ý, sửa đổi các Thông tư của Bộ, Sở có tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới. Tuy nhiên, nhận thấy việc tham khảo, đánh giá chưa được đầy đủ và chặt chẽ Sở GTVT TP xin thu hồi lại Văn bản góp ý và đề nghị Bộ GTVT hủy văn bản điện tử nhận được qua trục liên thông văn bản.
Thi sát hạch lái xe ô tô tại TP.HCM |
MAI VỌNG |
Trước đó, trong văn bản góp ý gửi Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung Thông tư 12/2017 và 38/2019 về quy định đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, Sở GTVT TP.HCM đề nghị Bộ xem xét quy định người có giấy phép lái ô tô trong vòng 1 năm (kể từ ngày cấp lần đầu) không được lưu thông với tốc độ trên 60 km/giờ và không lưu thông trên đường cao tốc. Lý do được đưa ra là nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, hạn chế tai nạn xảy ra, đặc biệt là đối với những người mới được cấp giấy phép lái xe.
Đề xuất nay lập tức nhận phải các ý kiến phản đối
Đề xuất quá vô lý !
“Không hiểu nổi tại sao” là phản ứng đầu tiên của ông Nguyễn Văn Chánh, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM khi trao đổi với Thanh Niên về đề xuất của Sở GTVT TP.HCM.
Theo ông Chánh, trước khi thi sát hạch lái xe, người điều khiển phương tiện phải đáp ứng đủ điều kiện như tuổi tác - để đảm bảo chịu trách nhiệm về hành vi của bản thân; về trình độ văn hóa - để có thể đọc, hiểu, nắm được luật; và điều kiện về sức khỏe. Sau đó, phải trải qua quá trình đào tạo lâu và kỹ lưỡng về cả 2 phần lý thuyết và thực hành. Ở phần thực hành có trên sa hình và thực tế trên đường trường.
Sau khi thí sinh thi cả 2 phần thực hành và lý thuyết, nếu qua hết mới được cấp bằng lái xe. Thậm chí, đối với một số đối tượng như tài xế vận chuyển hành khách hoặc tài xế vận tải thi bằng FC còn có thêm những yêu cầu bổ sung như phải có trước 2 - 3 năm kinh nghiệm lái xe vận tải… Như vậy, cả đầu vào và đầu ra đều đã được quản lý chặt.
Mặt khác, đường cao tốc về tiêu chuẩn như độ nhám, độ phẳng, các đèn, bảng hướng dẫn… còn đảm bảo an toàn hơn rất nhiều so với đường bình thường. Do đó, cả về pháp lý và thực tiễn đều không có cơ sở nào để hạn chế những người mới có bằng lái xe lưu thông vào đường cao tốc.
“Người dân thi bằng lái không chỉ phục vụ nhu cầu di chuyển mà còn có số lượng lớn tài xế dùng đó là chứng chỉ hành nghề để mưu sinh. Quy định bất hợp lý này không chỉ hạn chế người dân thực hiện quyền, nhu cầu mà còn hạn chế số lượng tài xế, ảnh hưởng rất lớn điều kiện lưu thông hàng hóa, vận chuyển hành khách của ngành vận tải”, ông Nguyễn Văn Chánh nói.
Đồng tình, giám đốc một trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe tại TP.HCM gọi đề xuất trên là “sự lo lắng thái quá có phần cảm tính”. Thực tế có rất nhiều người có bằng lái nhiều năm nhưng ít chạy đường cao tốc thì kỹ năng, khả năng gây tai nạn mất an toàn có thể còn cao hơn những người mới có bằng lái nhưng thường xuyên chạy đường xa, đường cao tốc.
Theo vị này, đúng là trong chương trình đào tạo sát hạch hiện nay không có giáo trình học trên đường cao tốc. Tuy nhiên, nếu muốn đảm bảo an toàn tuyệt đối như mong muốn của Sở GTVT TP.HCM thì nên xem xét phương án đưa thêm học phần này vào chương trình học, thay vì đề xuất vô lý và không phù hợp như vậy.
mai vỌNG |
Yêu cầu trái luật
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên thường vụ Liên đoàn Luật sư VN, khẳng định đề xuất của Sở GTVT TP.HCM trái những nguyên tắc cơ bản của pháp luật. Luật Giao thông đường bộ quy định người điều khiển phương tiện đủ khả năng lái xe, có bằng, giấy phép lái xe, đóng bảo hiểm đầy đủ… được quyền lưu thông trên tất cả các tuyến đường. Người tham gia lưu thông cũng phải tuân thủ những quy định, bảng chỉ dẫn trên các tuyến đường.
Quy định người có giấy phép lái ô tô trong vòng 1 năm không được lưu thông với tốc độ trên 60 km/giờ và không lưu thông trên đường cao tốc vừa trái với văn bản của Bộ GTVT về điều lệ, vừa hạn chế quyền công dân, quyền con người. Điều 14 Hiến pháp quy định tất cả những yêu cầu hạn chế quyền công dân đều phải theo luật định và được Quốc hội thông qua.
Bên cạnh đó, dù có được thông qua thì quy định này cũng là bất khả thi vì lực lượng chức năng không thể kiểm tra từng xe, từng giấy phép lái xe của từng người để quản lý họ không được chạy quá tốc độ hay không cho vào đường cao tốc. Lúc đó, quy định này sẽ vô tình tạo thêm giấy phép con, kéo theo nhiều hệ luỵ, tiêu cực.
“Quan trọng nhất, tại sao Sở GTVT TP.HCM lại lo ngại những người được cấp bằng vẫn không thể điều khiển tốt phương tiện? Phải chăng chính Sở GTVT TP.HCM cũng đang không yên tâm với chất lượng đào tạo, không tự tin với kết quả đào tạo từ những đơn vị sát hạch mà mình đang quản lý? Điều này đặt dấu hỏi lớn về năng lực đào tạo, sát hạch lái xe của TP.HCM”, luật sư Nguyễn Văn Hậu thẳng thắn đặt vấn đề.
Bình luận (0)