Sở hữu căn hộ: Xử lý sao cho hợp?

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
16/03/2023 04:12 GMT+7

Trong những ngày qua, dư luận rất quan tâm đến vấn đề quyền sở hữu nhà chung cư, khi Chính phủ đang chuẩn bị trình ra Quốc hội dự thảo luật Nhà ở sửa đổi.

Đây là vấn đề rất lớn, đụng chạm đến quyền lợi của rất nhiều người đang ở chung cư, hoặc đang chuẩn bị mua căn hộ, đến hoạt động của các doanh nghiệp đã và đang triển khai các dự án nhà chung cư

Vấn đề xử lý sở hữu nhà chung cư với các phương án cân nhắc, thận trọng và băn khoăn của các chuyên gia, người dân thì báo chí đã đăng tải rất rõ ràng. Ở đây, người viết góp thêm ý kiến sao cho việc xử lý quyền sở hữu nhà chung cư hợp tình, hợp lý, được đa số đồng thuận, để khi luật Nhà ở được sửa đổi, sẽ đi vào thực tiễn một cách suôn sẻ, không gây ra hệ lụy, tâm lý bất an cho xã hội.

Thứ nhất, cần xác định phương án được thông qua sẽ áp dụng từ lúc nào. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng để xác lập thời hạn sở hữu của người mua căn hộ. Thực tế cho thấy loại hình nhà chung cư luôn phải được xác định thời hạn sử dụng khi các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án. Các thông tin liên quan đến thời hạn sở hữu chung cư, chủ đầu tư phải minh bạch trong quá trình bán căn hộ, để người mua lựa chọn, cân nhắc. Còn các chủ căn hộ đã mua từ trước khi luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực, thì vẫn ở và có quyền giao dịch, chuyển nhượng hoặc đầu tư kinh doanh theo thỏa thuận dân sự hiện hành.

Thứ hai, đối với chung cư cũ đã hết thời hạn sử dụng cần cải tạo, phá dỡ để xây dựng mới thì dù nhà đầu tư là ai, doanh nghiệp được phê duyệt dự án xây dựng chung cư mới trên phần đất của chung cư cũ, đều phải thương lượng theo các hình thức: mua lại quyền sở hữu của chủ căn hộ (cũ) bao gồm phần xây dựng và quyền sử dụng đất của họ. Ở phương án này, cần áp dụng theo các phương thức như giải tỏa mặt bằng thực hiện dự án. Nghĩa là phải có các hình thức tái định cư tại chỗ, hay di dời đến nơi tái định cư mới ở nơi khác (nhất định là phải được sự đồng thuận của cư dân); hoặc ưu tiên mua lại căn hộ mới theo thỏa thuận giữa nhà đầu tư và cư dân; hoặc nhận tiền tự lo chỗ ở, theo hình thức chuyển nhượng quyền sử dụng và sở hữu (bao gồm cả quyền sử dụng đất và quyền sở hữu căn hộ cũ).

Thứ ba, một khi đã xác định quyền của mình sau khi đã mua lại, nhà đầu tư căn cứ theo quy định của các bộ luật hiện hành như luật Đất đai, luật Nhà ở, luật Xây dựng và các nghị định liên quan để nắm quyền sử dụng và sở hữu nhằm triển khai dự án. Chính quyền các địa phương sẽ giám sát và bảo vệ quyền lợi của người dân chung cư (cũ) theo các bộ luật Dân sự, luật Hành chính và các văn bản liên quan. Riêng đối với các vấn đề liên quan chuyển nhượng, nhất định phải căn cứ theo các phương án thỏa thuận, có sự trưng cầu thẩm định giá độc lập để hài hòa quyền lợi giữa chủ đầu tư và chủ căn hộ.

Một vấn đề không kém phần quan trọng là công tác tuyên truyền để cư dân sống trong các khu chung cư cũ đã hết thời hạn sử dụng nhận thức về mức độ an toàn cho bản thân và gia đình. Đây là vấn đề cần sự nỗ lực rất lớn của chính quyền địa phương khi hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi, xây dựng chung cư mới trên khuôn viên mà chung cư cũ tọa lạc.

Giải quyết vấn đề với trình tự và biện pháp rạch ròi theo hướng thỏa thuận như vậy, thiển nghĩ sẽ giải quyết được hợp tình hợp lý vấn đề quyền sở hữu căn hộ chung cư và quyền sử dụng đất đi kèm của người dân khi họ đang cầm trong tay tờ giấy đã được chính quyền cấp và công nhận sở hữu từ trước đó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.