Liên quan tới vụ sập hầm vàng trong mỏ vàng Mà Sa Phìn (xã Nậm Xây, H.Văn Bàn, tỉnh Lào Cai), trả lời Thanh Niên, ông Lê Ngọc Dương, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Lào Cai, cho biết hiện Công ty cổ phần Nhẫn là đơn vị duy nhất được cấp phép khai thác vàng tại đây.
Mỏ vàng Mà Sa Phìn ở xã Nậm Xây được chia làm 2 phần. Phần thấp có diện tích hơn 10 ha, được UBND tỉnh Lào Cai cấp phép khai thác vàng cho Công ty cổ phần Nhẫn từ năm 2011. Phần trên có diện tích khoảng 80 ha là do Bộ TN-MT cấp phép khai thác vàng cho Công ty cổ phần khoáng sản 3. Nhưng từ năm 2016, Công ty cổ phần khoáng sản 3 lại chuyển đổi cho Công ty cổ phần Nhẫn. Giấy phép khai thác do Bộ TN-MT cấp.
tin liên quan
Mỏ vàng Mà Sa Phìn chưa từng được kiểm tra về an toàn lao độngLiên quan tới vụ sập hầm vàng ở Lào Cai, Công ty Cổ phần Nhẫn là đơn vị duy nhất được cấp phép tại mỏ vàng Mà Sa Phìn, nhưng tới nay chưa từng được kiểm tra về an toàn lao động.
Trong khi đó, quá trình đi thực tế tại mỏ vàng Mà Sa Phìn, rất nhiều phu vàng cũng như người dân sinh sống tại thôn Mà Sa Phìn phản ánh với chúng tôi về việc có 3 người Trung Quốc (TQ ) làm việc trong mỏ vàng cho công ty trên.
Về thông tin này, trả lời Thanh Niên ngày 25.8, ông Nguyễn Đức Lành, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Lào Cai, nói năm 2013 Công ty cổ phần Nhẫn có gửi hồ sơ của 10 lao động TQ lên Sở.
Sau khi xem xét hồ sơ, phía Sở đã cấp phép cho 10 lao động người TQ này. Thời hạn cấp phép đến hết ngày 19.5.2015. Ông Lành cho biết 10 người TQ hoạt động ở lĩnh vực tư vấn khai thác cho Công ty cổ phần Nhẫn. Nhưng từ sau ngày 19.5.2015, phía công ty này chưa có thêm hồ sơ nào gửi lên Sở để cấp phép cho người TQ làm việc trong công ty của họ.
Ông Lành cũng cho biết từ trước đến nay chưa có cuộc kiểm tra nào về an toàn lao động đối với Công ty cổ phần Nhẫn. Vì vậy, cũng không nắm được con số cụ thể bao nhiêu lao động ở bãi vàng.
Về thông tin sử dụng lao động là trẻ em trong các hầm vàng, ông Lành nói: “Theo kiểm tra ban đầu, trong mỏ vàng có 2 lao động 17 tuổi. Có thể hai người này vào mỏ vàng để làm việc vặt như nấu cơm, rửa bát hoặc các việc phụ khác chứ không trực tiếp vào mỏ đào vàng”. Tuy nhiên, quá trình thực tế tại mỏ vàng Mà Sa Phìn sau tai họa sập hầm, chúng tôi ghi nhận được ít nhất có 3 trường hợp vị thành niên thiệt mạng và mất tích. Cụ thể, 2 trường hợp thiệt mạng là Bàn Văn Lợi và Bàn Văn Ngân (cùng 17 tuổi, ngụ xã Cam Cọn, H.Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) và mất tích là Châu A Dế (14 tuổi, ngụ xã Hầu Thào, H.Sa Pa, tỉnh Lào Cai).
Cũng trong hôm qua, PV đã cố gắng liên lạc với các cơ quan liên quan để xác minh làm rõ hơn số người thiệt mạng, mất tích trong sự cố sập hầm vàng. Tuy nhiên, mọi “cánh cửa” đều “đóng chặt”.
Bình luận (0)