Chiếc máy bay chạy có động cơ đầu tiên trên thế giới được hai anh em nhà Wright cho cất cánh trên bãi biển lộng gió Kitty Hawk (Bắc Carolina, Mỹ) vào năm 1903, đi được một đoạn đường dài hơn 36 m. Chiếc máy bay lịch sử đó sẽ vừa khít khoang hàng của Antonov AN-225 Mriya - máy bay vận tải lớn nhất hành tinh đang hoạt động.
Được trang bị 6 động cơ phản lực với sải cánh dài gần bằng một sân bóng đá, gã khổng lồ trên bầu trời này có thể vận chuyển hàng hóa với tải trọng lớn hơn bất kì loại máy bay nào.
Chính vì là chiếc máy bay độc nhất trong thế giới hàng không từng được chế tạo nên Antonov AN-225 Mriya thu hút sự quan tâm bất cứ khi nào nó xuất hiện ở sân bay khi thực hiện một trong những hoạt động vận chuyển hàng hóa tải trọng nặng hiếm có.
CNN dẫn lời ông Ilya Grinberg, chuyên gia hàng không Liên Xô và giáo sư kỹ thuật tại trường Đại học Công lập Buffalo (Mỹ) nhận xét: “Trông nó thật tuyệt vời khi cất cánh cũng như hạ cánh, và kích cỡ khổng lồ của nó khiến nó có vẻ như sải cánh chầm chậm trên không trung”. Ông nói: “Dùng bất kỳ loại máy ảnh nào cũng có thể dễ dàng chụp được máy bay này và dù ở bất kỳ góc chụp nào, nó cũng trông thật ấn tượng. Tôi nghĩ đây quả thật là một tuyệt tác kỹ thuật”.
Mới đây, trong nỗ lực cứu trợ giữa mùa đại dịch Covid-19, chiếc máy bay này đã được sử dụng để vận chuyển một khối lượng kỷ lục các thiết bị bảo hộ.
|
Tuy nhiên, nhiệm vụ ban đầu của nó lại rất khác so với bây giờ: ra đời trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, AN-225 được thiết kế để trở thành một phần trong chương trình không gian của Liên Xô.
Giấc mơ bay lượn trên không
Một kỷ nguyên khám phá vũ trụ mới đã được mở ra vào tháng 4.1981, khi tàu con thoi đầu tiên được phóng lên quỹ đạo từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA ở bang Florida, Mỹ. Khoang chứa rộng của nó là một đặc điểm thiết kế được Lầu Năm Góc đưa ra, nhằm sử dụng Tàu con thoi trong một số nhiệm vụ mật để đưa các vệ tinh quân sự lên quỹ đạo. Liên Xô xem khả năng này là một mối đe dọa và muốn một phương tiện có thể làm điều tương tự.
Kết quả là Liên Xô chế tạo thành công Buran (trong tiếng Nga có nghĩa là "Bão tuyết"), một tàu con thoi có bề ngoài giống với loại tàu của Mỹ đến cả nước sơn trắng đen.
Nhưng cho dù đó có đúng là một bản sao hay giống nhau đơn giản vì thăm dò được các định luật khí động học, Buran cùng với tên lửa đẩy đi kèm Energiya đã gặp phải một vấn đề về hậu cần: làm thế nào để vận chuyển tàu vũ trụ từ các cơ sở sản xuất quanh Moscow đến Sân bay vũ trụ Baikonur, cách miền nam Kazakhstan bấy giờ, nơi thực hiện các nhiệm vụ không gian của Liên Xô, hơn 2.000 km.
Thay vì xây dựng một đường cao tốc mới băng qua sông và núi, các kỹ sư Liên Xô đã yêu cầu Phòng thiết kế Antonov ở Kiev (Ukraine) chế tạo một máy bay vận tải mới có khả năng vận chuyển tàu con thoi và tên lửa đi kèm. Máy bay cũng sẽ được sử dụng để đưa Tàu con thoi Buran trở lại Sân bay vũ trụ Baikonur bất cứ khi nào nó hạ cánh tại một địa điểm dự phòng thay vì phải đáp ở Sân bay vũ trụ khi trở về từ quỹ đạo.
Antonov chế tạo nó dựa trên mô hình sẵn có, bản thân máy bay AN-124 Ruslan (có nghĩa "Kền kền khoang cổ") đã là một chiếc máy bay rất lớn, lớn hơn cả máy bay Boeing 747-400.
Siêu phi cơ
Kích thước tổng thể của chiếc máy bay được tăng lên đáng kể, nhằm mục đích tăng gấp đôi khả năng chuyên chở. Trong số các nâng cấp có thể nhìn thấy được, có hai động cơ được lắp bổ sung, nâng tổng số động cơ lên 6, và hệ thống bánh đáp dài hơn, giúp tăng số lượng bánh xe lên tới 32 chiếc. Cánh đuôi kép mới cùng với bộ phận ổn định dọc quá cỡ cũng được thêm vào để máy bay có thể mang tàu vũ trụ Buran trên lưng.
Kết quả là chiếc máy bay ngoại cỡ này lớn đến nỗi nó bị mắc kẹt trong nhà chứa máy bay vào ngày diễn ra lễ khánh thành. Siêu máy bay này được đặt tên là AN-225 Mriya. "Mriya trong tiếng Ukraina có nghĩa là “giấc mơ”. Đó là chiếc máy bay Liên Xô đầu tiên được đặt tên theo tên tiếng Ukraina," ông Grinberg nói.
|
Phòng thiết kế Antonov đã làm việc nhanh chóng để hoàn thành chế tạo máy bay chỉ trong ba năm rưỡi, nhưng thiết kế của nó vẫn không thể theo kịp sự tân tiến của tàu con thoi Buran, vì vậy một giải pháp tạm thời đã được chọn: điều chỉnh một đội máy bay ném bom 3M-T cũ để mang theo tàu vũ trụ chưa được lắp ráp.
Thế nhưng, khi máy bay AN-225 cuối cùng đã sẵn sàng, nó lại không theo kịp lịch sử: cả tàu vũ trụ Buran và máy bay AN-225 đều bay lần đầu vào cuối năm 1988, một năm trước khi Bức tường Berlin sụp đổ, báo hiệu sự tan rã của Liên Xô.
Kết quả là, chương trình không gian Buran đã bị hủy sau khi hoàn thành chỉ mới một nhiệm vụ chính thức, còn máy bay AN-225 cuối cùng chỉ được cõng tàu con thoi trên lưng trong một chục chuyến bay thử nghiệm.
Bộ đôi này đã chiếm hết sự chú ý khi xuất hiện tại Triển lãm Hàng không Paris 1989, nhưng nhiệm vụ chính của nó đã không còn. Đề xuất kỳ quặc rằng biến nó thành một khách sạn bay, với các dãy phòng và bể bơi và không gian cho 1.500 khách không bao giờ trở thành hiện thực. Máy bay AN-225 cuối cùng bị trùm mền, tháo gỡ nhiều phần và bị rỉ sét trong 7 năm nằm trong nhà chứa. Chiếc máy bay vận tải lớn nhất hành tinh thuộc về Ukraine cho tới nay.
Hồi sinh
Vào năm 2001, máy bay AN-225 được đem ra sử dụng lại, nâng cấp từ trong ra ngoài với các thiết bị tiên tiến và được đưa trở lại hoạt động.
Cùng năm đó, theo Antonov, nó lập 124 kỷ lục thế giới, trong đó có kỷ lục về khả năng chuyên chở, độ cao bay được khi chở hàng hóa và khả năng nâng một lượng hàng hóa lớn chưa từng thấy tới một độ cao.
“Sự kiện này xảy ra trùng với thảm kịch ngày 11.9.2001, vì vậy không ai chú ý đến tất cả những kỷ lục này. Hôm ấy, 5 chiếc xe tăng chiến đấu, mỗi chiếc nặng 50 tấn đóng vai trò điều khiển hàng hóa. Và chúng tự lái vào cabin chở hàng,”, ông Grinberg cho biết.
|
Chiếc máy bay này được hồi sinh bởi Hãng hàng không Antonov, một bộ phận của công ty Antonov điều hành hơn 10 máy bay vận tải hạng nặng, nhận đơn đặt hàng vận chuyển hàng hóa vượt quá khả năng vận chuyển của máy bay AN-124, được biết đến là “người anh em của AN-225”.
“Chúng tôi nhanh chóng hiểu được rằng nhu cầu vận chuyển các mặt hàng quá cỡ hoặc có tải trọng nặng ngày càng tăng,” theo ông Vitaliy Shost, phó giám đốc cấp cao của Hãng hàng không Antonov. Ông nói rằng chiếc AN-225 có khả năng chứa tới 950 m3 hàng hóa, so với chiếc AN-124 là 750 m3 và Boeing 747 là 650 m3.
Sức chứa như vậy sẽ cho phép AN-225 vận chuyển đến 16 chiếc container hoặc 80 xe hơi gia đình. Kho chứa hàng hóa cũng có sàn titan để tăng thêm sức mạnh và hệ thống cầu trục riêng để tải hàng hóa hiệu quả. Năm 2001, máy bay đạt trọng tải tối đa là 250 tấn, khi vận chuyển 5 chiếc xe tăng chiến đấu. Năm 2009, máy bay AN-225 đã lập kỷ lục khi vận chuyển nguyên khối nặng nhất từ trước tới nay lên đến 187 tấn, là một máy phát điện được vận chuyển từ Đức đến Armenia.
Máy bay cũng lập các kỷ lục khác như mặt hàng được vận tải dài nhất trong lịch sử vận tải - hai tuabin gió có chiều dài gần 42 m, được chuyển từ Trung Quốc đến Đan Mạch - và giành được một kỷ lục Guinness thế giới khi trở thành nơi tổ chức một buổi triển lãm nghệ thuật gồm 500 bức tranh được vẽ bởi 120 họa sĩ Ukraine ở độ cao 10 km.
Máy bay AN-225 cũng đã vận chuyển tuabin nước, nhiên liệu hạt nhân, phương tiện xây dựng, máy bay hạng nhẹ và tàu hỏa. Máy phát điện là loại hàng hóa phổ biến nhất của nó.
Vào tháng 4 năm nay, AN-225 tiếp tục lập kỷ lục khi vận chuyển 100 tấn thiết bị bảo hộ trong cuộc chiến chống Covid-19, thuốc men và các xét nghiệm từ Thiên Tân, Trung Quốc, đến Warsaw, Ba Lan (với một điểm dừng tiếp nhiên liệu ở Kazakhstan). Cuộc hạ cánh ở Ba Lan được phát trực tiếp tới 80.000 khán giả, theo Antonov.
"Chúng tôi không mong chiếc máy bay sẽ tham gia vào hoạt động kinh doanh này, bởi vì thiết bị bảo hộ cá nhân được đóng hộp không phải là loại hàng hóa tiêu chuẩn để AN-225 vận chuyển, nhưng do thiếu khả năng vận chuyển, khách hàng của chúng tôi đã yêu cầu nó", ông Shost nói. "Trong hơn hai tháng rưỡi, chúng tôi đã thực hiện 10 chuyến bay từ Trung Quốc đến các địa điểm khác nhau trên khắp thế giới".
Liệu có chiếc AN-225 thứ hai?
AN-225 bay khá ít. Chi phí vận hành của nó lại cao, chính vì vậy mà nó chỉ được sử dụng để làm những việc đòi hỏi khắt khe nhất. Theo CNN dẫn lời ông Shost, mỗi giờ bay của AN-225 sẽ tốn hơn 20 tấn nhiên liệu, tương đương với 6.700 USD theo thời giá hiện nay.
Ông Shost nói thêm: "Năm ngoái, máy bay đã thực hiện khoảng 20 chuyến. Năm 2020 chúng tôi đã thực hiện được 10 chuyến bay và dự định sẽ bay thêm 10 chuyến nữa từ giờ đến cuối năm".
Điều đó có nghĩa là chỉ AN-225 thôi cũng dễ dàng giải quyết nhu cầu hiện tại. Mặc dù Antonov có tất cả các bộ phận cần thiết để xây dựng một chiếc máy bay thứ hai trong kho của mình, nhưng trong tương lai gần, hãng không có dự định đó. Trung Quốc từng bày tỏ mong muốn mua các bộ phận và chế tạo máy bay, nhưng do việc vận chuyển chúng ra nước ngoài phải trải qua các khâu hậu cần phức tạp, kế hoạch ấy không bao giờ được thực hiện.
Bởi AN-225 là chiếc máy bay độc nhất nên càng làm tăng thêm sự huyền bí của nó.
"Chiếc máy bay này là niềm tự hào và niềm vui của chúng tôi, một tấm danh thiếp cho công ty Antonov và chính Ukraine. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy nó là khi tôi còn là học sinh và tôi rất ấn tượng với nó, tôi không thể tin rằng nó thực sự có thể bay. Bây giờ tôi chắc chắn rằng nó làm được", ông Shost nói.
Antonov liên tục nâng cấp AN-225 để theo kịp các quy định và yêu cầu bay quốc tế. Antonov nói rằng máy bay sẽ hoạt động trong ít nhất 25 năm nữa.
Ông Casey Groulx, một chuyên gia máy bay người Canada đã chụp ảnh chiếc AN-225 khi nó hạ cánh xuống Toronto vào cuối tháng 5 để cung cấp thiết bị cứu trợ Covid-19.
"Đây chính là mơ ước thành sự thật vì tôi luôn muốn nhìn thấy chiếc máy bay đáng kinh ngạc này. Có rất nhiều người khác cũng thèm muốn như tôi. Cảm giác ấy rất đặc biệt, cái cảm giác khi được nhìn thấy chiếc máy bay lớn nhất thế giới", CNN dẫn lời ông Groulx chia sẻ.
Bình luận (0)