Sơ sót của chỉ huy tình báo Mỹ giúp Đức Quốc xã tung hỏa mù thành công?

04/01/2022 15:02 GMT+7

Một lãnh đạo tình báo Mỹ bị cho là đã vô tình tiếp tay cho Đức Quốc xã có được một trong những chiến dịch tuyên truyền thành công nhất trong Thế chiến 2.

Trong cuốn sách vừa xuất bản với tựa đề Covert Legions: US Army Intelligence in Germany 1944-1949 (tạm dịch: Những quân đoàn bí mật: Tình báo quân đội Mỹ tại Đức 1944-1949), sử gia Đức Thomas Boghardt cho rằng sai lầm của cựu chỉ huy tình báo Mỹ Allen Dulles có thể đã giúp Đức Quốc xã lan truyền tin đồn về pháo đài của Adolf Hitler ở dãy Alps.

Theo tờ The Guardian ngày 3.1, một trong những chiến dịch tung hỏa mù thành công nhất trong Thế chiến 2 được cho là việc Đức Quốc xã đã khiến cho phương Tây tin rằng đội quân của Hitler đang tích trữ vũ khí và 100.000 binh sĩ tại khu vực núi Alps ở miền nam Đức giáp với Áo, nhằm xây dựng thành trì cuối cùng vào mùa xuân 1945.

Tin đồn không có cơ sở nhưng khiến giới lãnh đạo quân sự Anh và Mỹ bị ám ảnh và lo ngại Đức Quốc xã có thể kéo dài cuộc chiến thêm nhiều năm.

Theo ông Boghardt, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Lịch sử quân đội lục quân Mỹ tại Washington D.C, thành công này không phải nhờ Đức Quốc xã mà thực ra là nhờ sai lầm của ông Dulles, khi đó là lãnh đạo văn phòng Cục Tình báo chiến lược (OSS) tại Berne (Thụy Sĩ) và sau này trở thành giám đốc Cục Tình báo trung ương (CIA).

Cựu Giám đốc CIA Allen Dulles

Chính phủ Mỹ

Sử gia Boghardt cho biết lãnh đạo Đức Quốc xã nhận thấy nỗi lo sợ của lực lượng đồng minh về pháo đài Alps vào năm 1944, sau khi đơn vị tình báo của lực lượng SS khét tiếng của Đức Quốc xã chặn được nội dung liên lạc của ông Dulles.

Tình báo Anh sau đó phát hiện thiết bị mã hóa đặc biệt giúp giữ an toàn thông tin liên lạc của ông Dulles đã bị xâm nhập và cảnh báo đồng nghiệp Mỹ nhưng ông Dulles vẫn phớt lờ, khiến một đặc vụ Anh phẫn nộ.

“Ông có thể hỏi tên lừa này [ông Dulles] rằng hắn có sử dụng mật mã đã bị giải mã của hắn để báo cáo cuộc họp với ai không. Người Đức có lẽ đã xác định được những người liên quan và sử dụng chúng để nhồi vào tin đồn. Hắn đã bị lừa dễ dàng”, viên đặc vụ Anh bày tỏ tức giận với một chỉ huy.

Sau khi điện tín của ông Dulles bị người Đức giải mã, Bộ trưởng Tuyên truyền Joseph Goebbels của Đức Quốc xã đã dành nhiều tháng sau đó để tung ra những thông tin hòng khiến quân đồng minh tin vào việc xây pháo đài là có thật, nhằm lôi kéo Mỹ vào cuộc đàm phán hòa bình hoặc thậm chí là lập liên minh để chống Liên Xô.

Goebbels bắt tay thành viên Đoàn thanh niên Đức Quốc xã vào tháng 3.1945

Cơ quan văn thư liên bang Đức

“Ông Dulles là sĩ quan rất có năng lực, đã rất xuất sắc khi làm việc với các nguồn tin con người, nhưng về mảng tình báo tín hiệu, ông ấy thật sự rất cẩu thả”, ông Boghardt nhận xét.

Một số báo cáo tình báo của quân đồng minh nêu rõ rằng việc xây dựng pháo đài chính là lý do khiến lực lượng này tiến quân về miền nam Đức vào năm 1945. Tuy nhiên, ông Boghardt bác bỏ giả thuyết này và cho rằng việc Mỹ quyết định không ủng hộ kế hoạch của Anh nhằm thẳng tiến vào Berlin có thể vì một thỏa thuận chia quyền kiểm soát thành phố đã được nhất trí và vì Hồng quân Liên Xô khi đó chỉ còn cách Berlin 32 km, trong khi quân Anh-Mỹ còn cách đến 482 km.

Cũng theo tác giả cuốn sách, lực lượng đồng minh rất dễ bị đánh lừa bởi những chiến dịch tung hỏa mù trong giai đoạn cuối Thế chiến 2. Ví dụ, nguyên soái Anh Bernard Montgomery từng bị người Mỹ bắt giữ sau tin đồn cho rằng người Đức có kế hoạch cho người giả dạng ông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.