Sốc với dự báo vàng

Thanh Xuân
Thanh Xuân
23/12/2021 06:37 GMT+7

Dự báo giá vàng giảm mạnh trong năm 2022, xuống chỉ còn 36 triệu đồng/lượng của một ngân hàng nước ngoài đang gây sốc cho nhiều nhà đầu tư. Nếu điều đó xảy ra, nhiều người sẽ lỗ nặng vì ôm vàng giá cao hoặc rất cao trước đó.

Thực tế, rất nhiều tổ chức quốc tế có uy tín cũng đưa ra dự báo giá vàng như đều theo một xu hướng chung, tăng “thủng nóc”. Điều này cũng kích thích các nhà đầu tư chọn vàng làm nơi trú ẩn khi đại dịch hoành hành suốt 2 năm qua.

Vàng xuống còn 36 triệu đồng/lượng?

Ngân hàng ABN AMRO (Hà Lan) mới đây đưa ra dự báo giá vàng năm 2022 có thể gặp “thảm họa” ​​với mức giảm 16%. Bà Georgette Boele, chiến lược gia FX & kim loại quý cao cấp của ABN AMRO, cho rằng giá vàng sẽ giảm xuống 1.500 USD/ounce (tương ứng gần 42 triệu đồng/lượng) vào cuối năm sau, rồi giảm xuống 1.300 USD/ounce (tương ứng 36 triệu đồng/lượng) vào cuối năm 2023.

Có dự báo cho rằng giá vàng giảm còn 36 triệu đồng/lượng

Ngọc Thắng

Cơ sở cho dự báo này là vì vàng đã không thể giữ mức tăng trên 1.800 USD/ounce trong năm 2021, giảm gần 6% so với cùng kỳ năm 2020. Một nguyên nhân quan trọng khác theo bà Georgette Boele là đến từ các chính sách tiền tệ toàn cầu đang trên đà thắt chặt, Ngân hàng Anh dẫn đầu xu hướng này khi tăng lãi suất vào tuần trước; Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng phát đi tín hiệu rằng có thể tăng lãi suất 3 lần trong năm tới. Ngay cả các ngân hàng trung ương ôn hòa như Ngân hàng Trung ương EU cũng đang tiến tới thắt chặt chính sách tiền tệ. ABN AMRO dự báo các ngân hàng trung ương Nhật, Úc… cũng sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ. Điều này sẽ tác động tiêu cực lên giá vàng khi đồng đô la Mỹ được thúc đẩy tăng giá. Thêm vào đó, lực mua vàng yếu hơn trong bối cảnh giảm giá sẽ khiến nhà đầu tư thanh lý tài sản đang nắm giữ. Do đó, vàng sẽ giảm mạnh.

Dự báo của ABN AMRO hoàn toàn trái ngược với đà tăng giá mạnh của những tổ chức khác trước đó. Đầu tháng 12, Quỹ Goehring & Rozencwajg Associates (Mỹ) dự báo vàng sẽ đạt 10.000 USD/ounce vào cuối thập kỷ này (tương đương 275 triệu đồng/lượng, tính theo tỷ giá ngân hàng hiện nay). Quỹ này phân tích lạm phát năm nay đã tăng tốc từ dưới 3% lên hơn 6%. Vào một thời điểm nào đó trong năm 2022, lạm phát có thể chạm mức 9%. Đây sẽ là một “thập kỷ thiếu hụt” do lạm phát cao và nỗ lực tăng tỷ giá thất bại - sự kết hợp hoàn hảo để kích hoạt một đợt tăng giá lớn của vàng. Hay Quỹ Quadriga Igneo dự báo vàng tăng lên 3.000 - 5.000 USD/ounce trong 3 - 5 năm tới; Công ty quản lý tài sản Incrementum AG tại châu Âu dự báo giá vàng có thể tăng lên mức 10.000 USD/ounce trong vòng một thập kỷ tới...

Có nên bán vàng?

Kim loại quý trên thị trường quốc tế ngày 22.12 xoay quanh mức 1.790 USD/ounce, tương đương 49,8 triệu đồng/lượng. Như vậy, mức giá mà ngân hàng Hà Lan dự báo trong 1 - 2 năm tới sẽ giảm từ 290 - 490 USD/ounce, tương ứng 8 - 13,6 triệu đồng/lượng.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ, nhận xét đa số các tổ chức, chuyên gia vàng quốc tế thời gian gần đây dự báo giá vàng trong tương lai thường là theo xu hướng tăng, thậm chí tăng rất cao. Thế nên, mức dự báo giảm của Ngân hàng ABN AMRO khá hiếm nên cũng gây sốc cho nhiều người. Ông Hải phân tích trong năm 2021, vàng thế giới đã không thể “thủng” được mức 1.700 USD/ounce, dao động từ 1.700 - 1.900 USD/ounce. Một số ngân hàng trung ương các nước đã có động thái tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.

Việc tăng lãi suất hút tiền về của các ngân hàng sẽ hỗ trợ cho USD tăng giá, gây sức ép giảm giá vàng. Đó là cơ sở của các dự báo vàng sẽ giảm. Thế nhưng, giá vàng vẫn được đẩy lên bởi một số yếu tố như chủng Omicron của SAR-CoV-2 đang khiến dịch Covid-19 lan rộng. Dịch bùng phát ở nhiều nước sẽ khiến kinh tế các nước gặp nhiều khó khăn hơn, khó phục hồi. Đây là yếu tố bất định và tiếp tục hỗ trợ vàng trong 1 - 2 năm tới. Ngoài ra, gói ngân sách 1.700 tỉ USD cho phúc lợi xã hội và môi trường của Mỹ nếu không đạt hiệu quả sẽ khó làm cho vàng giảm sâu.

Ngày 22.12, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vàng với giá 60,85 triệu đồng/lượng, còn bán ra với giá 61,55 triệu đồng/lượng. Giảm chậm hơn, vàng trong nước hiện nay đang có mức giá cao hơn thế giới từ 11 - 12 triệu đồng/lượng nên rủi ro rất lớn nếu đầu tư vào vàng lúc này. Ngay cả khi dự đoán giá vàng năm sau sẽ giảm cũng khó có lực bán chốt lời lúc này theo ông Trần Thanh Hải, vàng ở VN thường có tốc độ giảm chậm hơn rất nhiều so với thế giới.

Các đơn vị kinh doanh vàng cũng sẽ không thể đưa giá trong nước xuống nhanh theo giá thế giới vì chi phí vốn mà họ đầu tư khá cao. Chưa kể thời gian giãn cách, các hoạt động kinh doanh trì trệ, đóng cửa nên chi phí vốn bị cộng thêm một lần nữa, dẫn đến khoảng cách chênh lệch giá 11 - 12 triệu đồng/lượng khó có thể rút ngắn được.

Mức đắt đỏ hơn 11 triệu đồng/lượng được xem như đã xác lập mặt bằng mới. Trường hợp giá thế giới giảm mạnh, khả năng vàng trong nước cao hơn thế giới lên 14 - 15 triệu đồng/lượng là điều khó có thể tránh khỏi nếu thị trường tiếp tục không có lượng bán ra.

Xu hướng giảm giá vàng trong thời gian tới vẫn còn nhưng về sâu xuống 1.500 USD/ounce là khó. Tuy nhiên, vàng thế giới có thể giảm tới 80 USD/ounce, quy đổi mức giảm trong nước 100 USD/lượng, tức khoảng 2,3 triệu đồng/lượng.

Ông Trần Thanh Hải

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.