Sôi động đưa truyện Việt lên phim

Phan Cao Tùng
Phan Cao Tùng
12/05/2020 06:13 GMT+7

Liên tiếp nhiều dự án điện ảnh chuyển thể hoặc lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học Việt Nam được các nhà sản xuất công bố.

Mong muốn thử thách bản thân

Mới đây, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh công bố chuyển thể tác phẩm Số đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng thành phim điện ảnh. Bộ phim, đang ở giai đoạn tiền sản xuất, sẽ tái hiện hành trình của Xuân Tóc Đỏ từ một kẻ hạ lưu vươn lên tầng lớp danh giá trong xã hội. Chọn Số đỏ để làm phim là bước đi mạo hiểm của Phan Gia Nhật Linh, bởi tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng từng được đưa lên màn ảnh rộng thành công năm 1990. Năm 2013, một lần nữa Số đỏ lại được kết hợp với Kỹ nghệ lấy Tây và Cơm thầy, cơm cô để thành phim truyền hình Trò đời.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết: “Điện ảnh Việt Nam trong một thời gian dài thiếu vắng hẳn những phim trào phúng, một dòng phim mà tôi rất yêu thích. Chính vì thế, tôi rất háo hức khi được chuyển thể tiểu thuyết Số đỏ lên màn ảnh, đồng thời mong muốn thử thách bản thân khi tái hiện bối cảnh xã hội Việt Nam những năm 30 thế kỷ trước”.
Phan Gia Nhật Linh cũng khá có duyên với dòng phim chuyển thể từ sách khi bộ phim Trạng Tí do anh đạo diễn từ bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt đã hoàn thành, sẽ chiếu Tết Nguyên đán 2021.
Phim Kiều với ê kíp đạo diễn Phi Tiến Sơn, Mai Thu Huyền, Trần Bửu Lộc chuyển thể từ tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Phim tái hiện một phần đoạn đời bi kịch của Thúy Kiều, dự kiến ra mắt nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du.
Sôi động đưa truyện Việt lên phim1

Poster phim Số đỏ

Danh sách phim chuyển thể từ tác phẩm văn học đang thực hiện còn có Cậu Vàng, dựa trên tác phẩm Lão Hạc và Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, do đạo diễn Trần Vũ Thủy thực hiện. Phim đã được bấm máy từ cuối tháng 9.2019 và dự kiến ra mắt trong năm 2020. Một dự án khác được quảng bá rầm rộ là 578: Phát đạn của kẻ điên do đạo diễn Lương Đình Dũng thực hiện, chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên do chính anh viết. Trước đó, phim dài đầu tay Cha cõng con cũng được anh chuyển thể từ truyện ngắn của mình.

Từ văn học sang điện ảnh là một quá trình chuyển hóa từ câu chữ thành hình ảnh. Đây là một việc không hề dễ dàng, bởi có khi ngôn ngữ điện ảnh không chuyển tải được hết hiệu quả văn học

Đạo diễn Lương Đình Dũng

Các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh hiện đang được nhiều nhà làm phim mong muốn đưa lên màn ảnh rộng. Sau thành công vang dội của Mắt biếc (doanh thu hơn 174 tỉ đồng), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (80 tỉ đồng), Cô gái đến từ hôm qua (hơn 68 tỉ đồng) - những bộ phim chuyển thể từ các tiểu thuyết cùng tên đình đám của Nguyễn Nhật Ánh, hai cuốn sách khác của ông là Thiên thần nhỏ của tôi Ngồi khóc trên cây đã được các đơn vị mua bản quyền làm phim.

Áp lực từ tác phẩm văn học

Đạo diễn Đào Bá Sơn, người từng thành công với phim điện ảnh Long Thành cầm giả ca (dựa theo ý tưởng của bài thơ Long thành cầm giả ca của Nguyễn Du, kịch bản phim của Văn Lê), cho biết: “Chọn văn học Việt với những câu chuyện hay để làm phim là một hướng đi khôn ngoan bởi các tác phẩm văn học đã được khán giả biết đến. Do đó, phim sẽ dễ dàng trong việc quảng bá, thu hút khán giả đến rạp, dù nhà làm phim phải chấp nhận đối mặt với không ít thử thách”.
Quả thật, việc chọn những tác phẩm đã quen thuộc để làm phim là thách thức không nhỏ với ê kíp thực hiện, mà khó khăn lớn nhất là phải tìm được diễn viên và tạo được bối cảnh hợp hình tượng nhân vật, câu chuyện vốn đã in sâu trong tâm trí nhiều thế hệ khán giả. “Từ văn học sang điện ảnh là một quá trình chuyển hóa từ câu chữ thành hình ảnh. Đây là một việc không hề dễ dàng, bởi có khi ngôn ngữ điện ảnh không chuyển tải được hết hiệu quả văn học”, đạo diễn Lương Đình Dũng nói.
Áp lực từ tác phẩm văn học đã thành công cũng khiến nhiều nhà làm phim e dè bởi nếu làm không tốt, phiên bản điện ảnh sẽ nhận lại những “phản ứng ngược” rất dữ dội của khán giả cũng như giới chuyên môn. Vì thế, nhiều nhà sản xuất, đạo diễn rất băn khoăn trong việc làm thế nào để vừa giữ tinh thần tác phẩm gốc, vừa sáng tạo thêm những chi tiết mới để bộ phim không chỉ đơn thuần chuyển thể con chữ sang hình ảnh.
Về việc này, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết, với tác phẩm văn học, người xem đã biết trước diễn biến câu chuyện, nên khi chuyển thể luôn cần có sáng tạo mới, không bê nguyên xi nguyên tác lên màn ảnh rộng, nhưng cũng không nên lồng ghép vào đó những chi tiết quá xa lạ, lạc lõng so với tổng thể chung bộ phim. Với tác phẩm Mắt biếc, đạo diễn Victor Vũ đã thêm thắt, lược bỏ nhiều chi tiết trong truyện để khán giả thấy những điều tươi mới, bất ngờ so với tác phẩm văn học. Đạo diễn Trần Vũ Thủy cũng tiết lộ Cậu Vàng của anh sẽ không chỉ chuyển tải màu sắc và không khí của tác phẩm Nam Cao, mà sẽ còn có thêm những yếu tố thời đại về tư tưởng, tiết tấu phim, tiếp cận được thị hiếu của giới trẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.