Sỏi mật

02/08/2013 03:05 GMT+7

Sỏi mật là tình trạng xuất hiện của viên sỏi trong lòng đường mật, gây ứ trệ và tắc nghẽn sự lưu thông mật. Đây là một bệnh về đường tiêu hóa, sỏi có thể là cholesterol hoặc sắc tố mật.

Bệnh sỏi mật gặp nhiều ở nữ hơn nam và có xu hướng tăng dần theo tuổi tác. Những nguyên nhân gây ra sỏi mật bao gồm: bệnh viêm túi mật mãn tính; ứ đọng mật; táo bón tạo điều kiện cho vi trùng đường ruột phát triển, dẫn đến viêm tá tràng, túi mật và ống mật, do đó nó làm cho mật dễ lắng xuống thành sỏi; ứ đọng dịch mật, mật nhiễm trùng hoặc nhiễm ký sinh trùng, xơ gan, bệnh tán huyết.

Có 2 tác hại cơ bản trong bệnh sỏi mật, gồm: sự ứ trệ mật, làm cho mật không xuống ruột đầy đủ để tiêu hóa thức ăn, khiến hệ tiêu hóa hoạt động kém; sự tắc nghẽn dịch mật trong lòng ống mật chủ, làm ứ mật ở đường dẫn mật từ gan nên gây ra tình trạng căng giãn đường mật trong gan và túi mật, gây đau. 

 Sỏi mật
 Một bệnh nhân được phẫu thuật sỏi mật ở TP.HCM - Ảnh: T.Tùng

Hai loại sỏi mật

Sỏi cholesterol: Khi nồng độ cholesterol trong mật cao, nồng độ muối mật thấp, có sự ứ đọng dịch mật và một số nguyên nhân khác làm kết tinh các tinh thể cholesterol, tạo thành sỏi. Sỏi cholesterol có nguyên nhân do tuổi tác, do ăn nhiều thức ăn có hàm lượng cholesterol cao, nhiều chất béo động vật, do sinh đẻ nhiều, do biến chứng từ một số bệnh của hệ tiêu hóa, do dùng nhiều một số dược phẩm.

Sỏi sắc tố mật: Có màu sậm, hình thành khi bilirubinate tăng, do nhiễm vi trùng, nhiễm ký sinh trùng đường mật.

Ăn uống và vận động

Để phòng ngừa bệnh sỏi mật, vấn đề chủ yếu là xây dựng khẩu phần ăn hợp lý, ăn uống đầy đủ chất bổ dưỡng cần thiết cho cơ thể và trên hết là thực hiện chế độ ăn khoa học.

- Giảm mỡ: Khi ăn nhiều mỡ, mật xuống ruột không đều, kích thích túi mật co bóp quá mạnh, một phần mật tham gia cùng cholesterol tạo sỏi.

- Ăn bao nhiêu cholesterol là đủ? Đến nay chưa có câu trả lời chính xác và chưa có một ước lượng quy chuẩn nào nhưng chỉ khuyến cáo là không nên lạm dụng những loại thực phẩm này. Các thực phẩm giàu cholesterol gồm lòng đỏ trứng gà, phủ tạng động vật như tim, gan, óc...

- Tăng đạm: Để gia tăng sự tái tạo của các tế bào gan đã bị tổn thương nhằm chống thoái hóa mỡ tế bào gan.

- Khẩu phần ăn giàu chất xơ, vitamin B, C: Chất xơ có tác dụng giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt và tránh táo bón; vitamin C và nhóm B có nhiều trong các loại rau và hoa quả tươi, đây là những thực phẩm tốt cho cơ thể.

- Nên dùng nước hoa quả tươi các loại, rau tươi, các loại thịt cá nạc như nạc thăn lợn, thịt bò, cá quả, cá chép, các loại đậu đỗ như đậu tương, đậu xanh, đậu đen. Ngoài ra có một số thức ăn lợi mật như nghệ, lá chanh, có thể dùng được. Bên cạnh đó, để kích thích túi mật co bóp nhẹ nhàng, có thể dùng một ít chất béo dễ tiêu như bơ, dầu thảo mộc sống, mỡ gà vịt. Nên ăn đủ bữa.

- Cần tăng thêm vận động thể lực vì khi vận động sẽ làm tăng hoạt động cơ, làm tăng nhu động mật, làm giảm sự ứ trệ. Nó giúp tăng cường hoạt động của hệ tiêu hóa và giảm hẳn nguy cơ sỏi mật.

BS Hồ Văn Cưng

>> Béo phì làm tăng nguy cơ sỏi mật
>> Nguy cơ sỏi mật sau sinh
>> Dầu ôliu trị sỏi mật
>> Sỏi mật “trọng nữ khinh nam”
>> Béo phì làm tăng nguy cơ sỏi mật
>> Sỏi mật có liên quan đến béo phì ở trẻ
>> Sỏi mật đã được mổ có tái phát?
>> Dinh dưỡng cho người viêm túi mật, sỏi mật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.