Sớm tăng lương cơ sở để người lao động bớt khó khăn

28/10/2022 06:57 GMT+7

Thảo luận tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội phản ánh cử tri mong muốn sớm tăng lương từ 1.1.2023 và có đánh giá thấu đáo nguyên nhân tình trạng cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, giáo dục , nghỉ việc đang lan rộng.

Cho biết cử tri và người dân rất quan tâm phương án tăng lương được Chính phủ (CP) trình Quốc hội (QH), theo đại biểu (ĐB) Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu), mức lương cơ sở giữ nguyên từ tháng 7.2019 tới nay đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống cán bộ công chức, người lao động.

Sớm tăng lương cơ sở sẽ giúp tăng thu nhập của đội ngũ giáo viên

Đ.N.T

Cử tri tha thiết tăng lương từ 1.1.2023

Theo ông Thái, để tăng lương thì gánh nặng ngân sách rất lớn, ước tính lần tăng lương cơ sở tới đây lên 1,8 triệu, mức tăng 20,8% thì ngân sách phải chi thêm 44.000 tỉ đồng, song đây là việc “thấu tình đạt lý trong sức chống chịu của nền kinh tế và khả năng chịu được của ngân sách”.

“Tuy nhiên, để niềm vui của người làm công ăn lương trọn vẹn hơn, cũng như bù đắp trượt giá thị trường dưới sự eo hẹp của đồng lương bấy lâu nay, rất nhiều cử tri kiến nghị QH và CP thực hiện tăng lương cơ sở sớm hơn 6 tháng, ngay từ 1.1.2023 thay vì 1.7.2023. Chắc chắn đây là món quà vô cùng ý nghĩa của người làm công ăn lương đang gồng mình chống chọi trong 3 năm qua và nguồn sống bị bào mòn”, ĐB Thái đề xuất.

Chúng ta đang khuyến khích xã hội hóa giáo dục. Vì vậy, tôi cho rằng việc GV rời khỏi khu vực công chuyển sang khu vực tư là chuyện rất bình thường.

ĐB Nguyễn Trường Giang (Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật)

Nghị trường nóng hổi chuyện ‘cán bộ đi lững thững’ và nỗi lo ‘giá chạy trước lương’

ĐB đoàn Bạc Liêu cũng cho rằng, lương cơ sở tăng 1,8 triệu đồng/tháng vẫn chưa thể đáp ứng đời sống của người làm công ăn lương, không phản ánh đúng sức lao động, không bù đắp được để họ toàn tâm toàn ý với công việc được giao. Vì thế, ĐB đề nghị trong trường hợp năm 2023 tăng trưởng vĩ mô ổn định, sớm thực hiện luôn đề án cải cách tiền lương.

Tuy nhiên, nhiều ĐB cũng bày tỏ lo ngại tình trạng lương chưa tăng thì giá cả đã rục rịch tăng. Nói như ĐB Thái, lương luôn bị rớt lại sau cuộc đua, giá thực phẩm tăng, phí đại học tăng... dồn vào gánh nặng trên vai người lao động, chen chân vào chi phối bữa cơm hằng ngày của họ. Nên tăng lương cơ sở và cải cách tiền lương chỉ thành công khi CP thực hiện đồng bộ với các giải pháp thị trường.

Cùng quan điểm này, ĐB Thái Thu Xương (đoàn Hậu Giang) cho rằng ngay khi lương tối thiểu vùng được CP quyết định tăng thì giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc điều trị bệnh, xăng dầu, sách giáo khoa, học phí, viện phí... tăng liên tục.

Trong khi tiền lương thực tế của cán bộ, công nhân viên chức từ 2019 chưa tăng, lương tối thiểu vùng của người lao động tăng không cao, chỉ 6%, thấp hơn nhiều so với chỉ số lạm phát và tốc độ tăng trưởng. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất của cán bộ công chức, viên chức, ảnh hưởng trực tiếp đến đối tượng yếu thế, người làm công ăn lương, gây tâm lý lo âu cho nhóm đối tượng này.

“Cần kiềm chế lạm phát, tránh tình trạng lương chưa tăng thì giá đã tăng, lương tăng 1 đồng, giá tăng 2 đồng. Nếu như thế thì đời sống người dân nói chung và đối tượng yếu thế càng khó khăn hơn. Tha thiết mong CP đưa ra quyết định, một khi quyết định hết sức phù hợp”, ĐB Xương nêu.

Các ĐBQH cho rằng phải có chính sách giữ người tài ở khu vực công

Nhật Thịnh

Giáo viên nghỉ việc: Bất thường hay bình thường ?

Lương, thu nhập thấp, chính sách đãi ngộ chưa tương xứng, môi trường làm việc áp lực được nhiều ĐB đánh giá là nguyên nhân chính khiến cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là lĩnh vực y tế, giáo dục, nghỉ việc trong thời gian qua.

“Trong xã hội không có nhiều người được gọi là thầy, nhưng 2 năm rưỡi vừa qua, số lượng thầy giáo và thầy thuốc nghỉ việc chiếm tỷ lệ rất lớn. Kinh tế thị trường có sự cạnh tranh giữa khu vực công và tư, nhưng chấp nhận cạnh tranh thì phải có chính sách giữ người tài ở khu vực công bằng chính sách phù hợp. Lương đủ sống, cán bộ công chức sẽ làm đúng với giá trị tiền lương của họ”, ĐB Nguyễn Huy Thái nêu.

Theo thông tin của Cục Nhà giáo thì hơn 16.265 GV nghỉ việc là hoàn toàn chuyển ra khỏi ngành giáo dục.

Họ chưa có số liệu về khối công lập chuyển sang tư thục. Giám sát của chúng tôi cho thấy số GV trường công chuyển sang tư rất ít.

ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa

ĐB Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông), Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cho rằng cần phải đánh giá bản chất của tình trạng giáo viên (GV) nghỉ việc mới có thể đưa ra giải pháp.

“Chúng ta đang khuyến khích xã hội hóa giáo dục. Vì vậy, tôi cho rằng việc GV rời khỏi khu vực công chuyển sang khu vực tư là chuyện rất bình thường”, ông Giang nhấn mạnh và cho rằng vấn đề quan trọng nhất cần đánh giá là GV khi nghỉ việc khu vực công có tiếp tục làm GV không. Còn nếu vẫn làm GV nhưng ở khu vực tư thì hoàn toàn phù hợp với chủ trương xã hội hóa giáo dục, đều phục vụ nhân dân, phục vụ sự tăng trưởng, phát triển của đất nước này.

Tranh luận với ĐB Giang, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp), Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, dẫn số liệu từ Cục Nhà giáo, Bộ

GD-ĐT, cho biết, tính từ năm 2021 - 8.2022 có hơn 16.265 GV nghỉ việc. Trong đó, hơn 10.000 GV công lập và hơn 5.858 GV các trường dân lập, tư thục. Phân theo cấp học, mầm non có hơn 6.000 GV nghỉ việc, trong đó công lập là hơn 2.000 và dân lập hơn 3.000.

“Theo thông tin của Cục Nhà giáo thì hơn 16.265 GV nghỉ việc là hoàn toàn chuyển ra khỏi ngành giáo dục. Họ chưa có số liệu về khối công lập chuyển sang tư thục. Giám sát của chúng tôi cho thấy số GV trường công chuyển sang tư rất ít”, bà Hoa nêu.

Từ đó, ĐB Hoa cho rằng đây là “hiện tượng không bình thường” và không chỉ là vấn đề một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức giáo dục nghỉ việc, mà số lượng nghỉ quá lớn trong bối cảnh đang triển khai đổi mới chương trình phổ thông cần rất nhiều GV. Bên cạnh đó, GV nghỉ tập trung ở các địa bàn đông dân cư như khu đô thị, khu công nghiệp. Do vậy, bà Hoa đề nghị thời gian tới cần có phân tích kỹ về nguyên nhân và ngành giáo dục phải tham mưu cho CP có biện pháp ngay để giải quyết vấn đề thiếu GV của ngành này.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa: "16.000 giáo viên nghỉ việc hoàn toàn chuyển ra khỏi ngành giáo dục"

Cơ hội đánh giá, hoàn thiện hệ thống

Nêu quan điểm về nguyên nhân cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH, cho rằng thu nhập thấp là một nguyên nhân quan trọng, song còn nguyên nhân quan trọng nữa là áp lực công việc và môi trường công tác. Bà Thủy dẫn chứng, hiện hầu hết các bệnh viện công đều trong tình trạng quá tải. Nhiều bệnh viện, y, bác sĩ phải có mặt từ 6 giờ sáng. Mỗi ngày, mỗi bác sĩ có thể khám vài chục thậm chí cả trăm bệnh nhân cho nên rất áp lực. Khi dịch bệnh ập đến thì vất vả nhất là các trạm y tế xã phường, vốn đã ít người, vừa phải đảm trách nhiệm vụ của chương trình mục tiêu quốc gia, vừa phải tỏa đi khắp nơi để lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ, quản lý F0 và tiêm chủng vắc xin, trong khi đó lương tháng chỉ khoảng 5 triệu đồng.

Ý KIẾN

Ảnh

Gia Hân

Tăng lương cơ sở từ 1.1.2023 sẽ khó khăn

Việc công chức, viên chức nghỉ việc đồng loạt thời gian qua cũng là vấn đề cần nhìn nhận nghiêm túc, do nhiều nguyên nhân như tiền lương thấp, áp lực công việc cao, môi trường làm việc chưa tạo động lực phát huy sở trường; quản trị khu vực công chưa có thay đổi lớn... Về giải pháp, tại kỳ họp này QH sẽ quyết định điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng (tăng 20,8%). Việc thực hiện tăng lương từ 1.7.2023 là hợp lý trong điều kiện chúng ta phải chủ động lường trước những vấn đề phát sinh diễn biến của năm 2023 về lạm phát và khó khăn khách quan. Ý kiến của nhiều ĐB là nên thực hiện từ 1.1.2023 sẽ khó khăn cho chúng ta.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Đề nghị tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non

Ảnh

Gia Hân

Ngành giáo dục phối hợp với ngành nội vụ đã tính toán và xác định số lượng GV thiếu mà từ nay tới năm 2026 cần phải bù đắp bổ sung, con số này lên đến 107.000, con số này có thể còn biến động trước tình hình GV nghỉ việc chứ không đứng yên.

GV thiếu nhiều nhất và bỏ việc nhiều nhất cũng là ở bậc GV mầm non. Số nghỉ việc ở GV mầm non chiếm tới trên 40%. Đề nghị QH xem xét việc điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho GV bậc mầm non, hiện nay đang tính là 35%. Tốt nhất đề nghị tăng phụ cấp ưu đãi cho nhóm GV mầm non tương tự như mức phụ cấp ưu đãi so với y tế cấp cơ sở, nếu không thì cũng tối thiểu tăng từ 35% lên 70% ngang với mức ưu đãi cũ của y tế cấp cơ sở.

Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn

Bộ trưởng Y tế giải trình chuyện thiếu thuốc, y bác sĩ nghỉ việc

Sẽ nâng mức phụ cấp cho nhân viên y tế cơ sở

Ảnh

Gia Hân

Làn sóng chuyển dịch nhân lực từ y tế khu vực công sang khu vực tư nhân không chỉ ở VN mà ở nhiều nước cũng đã xảy ra. Tuy nhiên, VN cũng có những điểm đặc biệt hơn như thuộc nhóm nước có tỷ lệ nhân viên y tế trên dân số thấp hơn so với tỷ lệ trung bình của thế giới.

Qua quá trình rà soát để đánh giá vấn đề nhân viên y tế nghỉ việc, chúng tôi cũng thấy quy mô phạm vi dịch chuyển diễn ra ở nhiều cấp, nhiều tuyến từ cấp y tế cơ sở, trạm y tế đến các bệnh viện địa phương, T.Ư. Về giải pháp, Bộ Y tế cũng đã trình CP sửa đổi Nghị định 56 về mức phụ cấp đối với nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan

“Vẫn biết rằng việc dịch chuyển nhân lực là chuyện bình thường đối với bất cứ ngành nghề nào nhưng dịch chuyển nhân lực với số lượng lớn và chưa có dấu hiệu dừng lại trong ngành y tế thời gian vừa qua thì rất cần phải đánh giá đúng, đủ nguyên nhân và phải có giải pháp căn cơ, chiến lược”, bà Thủy nêu và cho rằng, ngành y là ngành đặc biệt, cần được đào tạo đặc biệt và áp dụng đãi ngộ đặc biệt.

Theo bà Thủy, “sẽ thật khó để gồng gánh, nuôi dưỡng đam mê khi áp lực công việc rất cao nhưng thu nhập không đủ trang trải chi phí tối cần thiết của cuộc sống. Ngoài ra, phải đối diện với rất nhiều áp lực khác trong môi trường công tác”. Bà Thủy tán thành việc cải thiện chế độ chính sách, môi trường làm việc đối với nhân viên ngành y phù hợp với đặc thù công việc.

Trong khi đó, ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) thì nhìn nhận hiện tượng dịch chuyển nhân sự ra khỏi khu vực công “vừa là thách thức, vừa là cơ hội để CP đánh giá và hoàn thiện hệ thống quản trị của mình”.

Ông Tám kiến nghị CP cần cải cách lề lối làm việc theo hướng phân cấp cho các cấp trong thứ bậc hành chính; xử lý hợp lý các vấn đề về tổ chức bộ máy và biên chế, tạo cơ hội thăng tiến công bằng và minh bạch. Cùng đó,

ĐB cũng kiến nghị CP hoàn thiện hệ thống thi tuyển công chức, viên chức; quan tâm đúng mức đến thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức bằng một cơ chế lương thích hợp và linh hoạt trên cơ sở giá trị lao động, giá trị tri thức, trách nhiệm và hiệu quả công việc.

Đại biểu Tô Văn Tám: Gần 40.000 công chức, viên chức nghỉ việc cũng là cơ hội hoàn thiện hệ thống
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.