Đời ngư dân, mong muốn lớn nhất vẫn là ra biển, đặc biệt là biển Hoàng Sa đánh bắt hải sản để nuôi sống gia đình. Ngoài mưu sinh, họ cũng chính là những cột mốc chủ quyền trên biển, dẫu đối mặt với sóng dữ, tàu Trung Quốc uy hiếp.
Bởi vậy, khi ra khơi họ không hề đơn độc. Có hàng ngàn, hàng vạn đôi mắt từ đất liền dõi theo, chia sẻ đắng cay pha với tình biển mặn.
"Đấu khẩu" với lính trung quốc trên biển
Cả tuần ăn ở với ngư dân chuyên đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa, chúng tôi nhiều lần cười ra nước mắt với cách ngư dân bảo vệ mình trước sự đe dọa của phía Trung Quốc khi bị bắt tàu, bắt người. Ngư dân Nguyễn Tiến ở Gành Cả (xã Bình Châu, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) bây giờ đã ở tuổi lục tuần, nghỉ ra biển Hoàng Sa vài năm nay, nhưng chặng đời sống trên sóng biển Hoàng Sa 30 năm, ông đã có vô số lần đối mặt với phía tàu Trung Quốc.
"Bị bắt, bọn họ (Trung Quốc) thường hỏi biết biển này của ai không? Nếu nói biển của Việt Nam, lúc đó sẽ ăn đòn ngay. Còn nói biển của Trung Quốc, sẽ bất lợi. Vì không ít tàu cá bị bắt ở Hoàng Sa phải chuộc lại. Lúc đó, bọn tui nói: Từ đời ông đến đời cha chúng tôi đều ra đây đánh cá ở biển này".
"Tránh voi chả xấu mặt nào", ngư dân phải tự bảo vệ mình khi bị phía Trung Quốc uy hiếp tính mạng, tài sản. Thế nhưng có một chuyện rất hy hữu: Khi bị phía Trung Quốc ngang ngược bắt giữ tàu cá, một ngư dân xã Bình Châu đã cãi tay ngang với một lính Trung Quốc.
|
Đó là vào giữa tháng 5.2018, tàu cá QNg-90941 TS của ông Lê Văn Năm đang thả trôi cách đảo Bạch Quy, quần đảo Hoàng Sa khoảng 8 hải lý. Hôm đó, tàu ông Năm đóng cửa để thắt dây câu, đâu hay tàu Trung Quốc lao đến. Khi giáp mặt với lính Trung Quốc, một tay lính còn trẻ không hùng hổ như những tên lính khác, nói tiếng Việt rành rọt: “Chú vô đây cháu bảo. Chú có biết vùng biển này là của ai hay không mà ra đây làm?”. Ông Năm nói ngay: “Chú ra Hoàng Sa đánh cá kiếm lon gạo nấu bữa cháo. Hoàng Sa là của Việt Nam nên chú ra đây dựa vào đảo để đánh bắt hải sản, sao nói là vi phạm”.
Trước đó, mỗi khi ngư dân Quảng Ngãi nói và ra hiệu (do ngôn ngữ bất đồng) quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam thì thường bị lính Trung Quốc đánh tơi tả rồi thu giữ tàu cá. Không hiểu sao, lần này sự khăng khăng của ông Năm lại không bị đánh, thậm chí tay lính trẻ kia còn có chút gì như áy náy...
Những con số nhức nhối
Trò chuyện với chúng tôi, ông Phùng Bá Vương, Phó chủ tịch UBND xã Bình Châu, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi), bảo ngư dân ra biển bị tàu Trung Quốc rượt bắt gây nhiều thiệt hại. Các tàu cá ra khơi, mỗi chiếc hàng tỉ đồng, đóng từ tiền mồ hôi công sức, vay của đầu nậu, thế chấp với ngân hàng… Nếu lỡ bị tàu Trung Quốc đâm vào, tiền tỉ ấy chìm xuống biển, các chủ tàu tích tắc trở lại kiếp làm thuê. Người dân Bình Châu quá quen cảnh ra khơi vui sướng với giấc mơ tôm cá Hoàng Sa, nhưng một khi trở về, tàu cá bị bắt, hải sản bị cướp, gương mặt ngư dân vốn đã đen, càng thêm sạm hơn, chồng lên nỗi lo âu cơm cháo cho gia đình. Đó là nỗi đớn đau số phận khi đối mặt với biển khôn cùng.
Mới đây, ông Vương đã thống kê danh sách tàu cá của xã này bị tàu "nước ngoài" đâm chìm, cướp hải sản. Thiệt hại nặng nhất là các tàu cá: QNg-90546 TS của ông Trịnh Văn Vĩnh (38 tuổi) bị thiệt hại 2,6 tỉ đồng; QNg-90332 TS của ông Nguyễn Ngọt (52 tuổi) bị thiệt hại 1,7 tỉ đồng. Riêng tàu cá QNg-90617 TS của ông Trần Hồng Thọ bị Trung Quốc đâm chìm ngày 2.4 vừa qua thiệt hại 2,5 tỉ đồng.
Theo số liệu thống kê trong báo cáo khoa học "Trục quan hệ của ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa" (của anh Lê Chương, 1 trong 3 tác giả bài viết) xuất bản năm 2018 (đề tài này được Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông, Học viện Ngoại giao trao giải xuất sắc), từ năm 2010 đến năm 2017, có hàng trăm tàu cá bị Trung Quốc bắt, tịch thu và đập phá tài sản, có nhiều ngư dân bị đánh đập thương tích. Họa nhân tai không đo đếm hết…
|
Ngày 9.4, Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho biết, từ năm 2019 đến quý 1/2020, ngư dân tỉnh Quảng Ngãi bị Trung Quốc đâm va, ngăn cản, lấy tài sản là 14 tàu.
Tăng cường bảo vệ, hỗ trợ ngư dân
Ông Nguyễn Quang Trung, Phó chủ tịch UBND H.Bình Sơn, cho biết việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển là luôn luôn cương quyết. Mỗi tàu cá xem như cột mốc chủ quyền giữa biển khơi, nên địa phương luôn khuyến khích ngư dân bám biển xa để mưu sinh, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ngoài những chính sách chung của nhà nước, địa phương luôn đồng hành đặc biệt, thăm hỏi, động viên kịp thời tận nhà khi các ngư dân bị nhân họa, thiên tai trên biển, trong đó có ngư dân đánh bắt ở Hoàng Sa. "Đặc biệt, việc hỗ trợ máy Icom cộng đồng phát huy hiệu quả rất lớn, nối liên lạc từ bờ ra biển, hướng dẫn ngư dân tránh thiên tai và báo cáo các vụ việc về đất liền khi bị nhân tai, để địa phương hỗ trợ, giảm thiểu thiệt hại", ông Trung cho biết.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, để giảm thiểu các rủi ro khi đánh bắt xa bờ, trong đó tính đến cả tình huống bị Trung Quốc cản trở hoạt động, nhiều năm nay Hội Nghề cá Việt Nam phối hợp với tổ chức Hội ở các địa phương đều vận động ngư dân đánh bắt theo tổ, đội, nhóm để kịp thời hỗ trợ lẫn nhau. Các nhóm, đội tàu này thường xuyên giữ liên lạc, cập nhật, thông báo ngư trường hoạt động cho các lực lượng chấp pháp Việt Nam để được hỗ trợ, bảo vệ.
Thực tế những năm vừa qua, lực lượng kiểm ngư hoạt động trên biển bước đầu phát huy hiệu quả khi tích cực cảnh giới, cảnh báo, ứng cứu kịp thời ngư dân khi có tai nạn, sự cố. Nhưng để bảo vệ được ngư trường, bảo vệ ngư dân thì lực lượng kiểm ngư cần được đầu tư mạnh mẽ hơn nữa về phương tiện thiết bị, nhân lực. “Các tàu kiểm ngư phải hiện diện nhiều hơn ở vùng biển ngư dân thường xuyên bị cản phá, ngăn cản hoạt động sản xuất để vừa bảo vệ ngư trường, bảo vệ ngư dân cũng như có các hành động đấu tranh trở lại với các tàu nước ngoài xâm hại ngư dân ta”, ông Thắng bày tỏ.
Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, hiện các chính sách hỗ trợ ngư dân tương đối đầy đủ và toàn diện. Nhưng cụ thể với những trường hợp tàu cá Quảng Ngãi bị phía Trung Quốc đâm chìm, mất sạch tài sản như vừa qua, thậm chí là vướng nợ thêm, thì cần có một chính sách riêng, cơ chế hỗ trợ đặc biệt. Chính sách này nhằm hỗ trợ nhanh nhất cho ngư dân mất tàu có thể sớm khôi phục sản xuất, góp phần động viên ngư dân khác tiếp tục vươn khơi đánh bắt xa bờ.
Ông Thắng khẳng định, vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa đều là những ngư trường truyền thống mà thế hệ cha ông bao đời nay đã khai thác, gìn giữ, bảo vệ. Ngư dân nói chung đều có ý thức bảo vệ và đầu tư vào những ngư trường này để có đội ngũ khai thác hùng mạnh hơn. “Dù có bị tàu Trung Quốc cản phá, sản xuất có khó khăn nhưng chúng tôi vẫn luôn động viên, khích lệ bà con ngư dân không vì thế mà nao núng, tiếp tục tính toán kỹ phương án hoạt động, đảm bảo mỗi chuyến ra khơi làm ăn kinh tế hiệu quả, đặc biệt góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Trong mọi tình huống, ngư dân cần đoàn kết và chủ động phòng ngừa, giảm thiểu tối đa những rủi ro trên biển”, ông Thắng bày tỏ.
Hành động vô nhân đạo với ngư dân
Trao đổi với Thanh Niên ngày 9.4, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cho rằng hành động tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Quảng Ngãi trên vùng biển Hoàng Sa vừa qua là vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam và đây là hành động vô nhân đạo với ngư dân.
Tàu Trung Quốc nhiều lần đâm va, cản phá tàu cá của ngư dân Việt Nam, không chỉ ở Hoàng Sa, mà còn ở vùng biển xung quanh các đảo Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép ở quần đảo Trường Sa. Đây là một chuỗi hành động có ý đồ của Trung Quốc.
Ông Nguyễn Việt Thắng cho rằng, mỗi hành động cản phá tàu cá Việt Nam của phía Trung Quốc đều gây khó khăn cho ngư dân, sẽ làm giảm cường độ sản xuất, tần suất diện hiện của ngư dân ta trên các ngư trường này. Trong khi đó, đây là những vùng biển chúng ta cần có ngư dân hiện diện thường xuyên, duy trì lao động sản xuất một cách bền vững, phối hợp với cơ quan chức năng góp phần bảo vệ, khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam.
|
Bình luận (0)