Những ngày qua, các nước ở Đông Nam Á chật vật chống chọi với làn sóng dịch Covid-19. Đợt dịch này trở nên phức tạp và nghiêm trọng hơn do biến chủng Delta của SARS-CoV-2 lan rộng.
Hệ thống y tế bên bờ vực
Indonesia - vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á- hiện đã ghi nhận hơn 2,2 triệu ca nhiễm, hơn 59.500 ca tử vong vì Covid-19. Tốc độ gia tăng của dịch bệnh báo động từng ngày, các kỷ lục buồn liên tục bị phá vỡ.
Theo tờ The Guardian, hệ thống y tế ở Indonesia đã rơi vào trạng thái quá tải và đứng trước nguy cơ sụp đổ vì dịch Covid-19 diễn biến xấu.
Các bệnh nhân than phiền thông tin về tình trạng giường bệnh được cập nhật trên trang web Bộ Y tế Indonesia không đúng với tình hình thực tế. Nhiều người nhiễm Covid-19 tử vong trước khi được chăm sóc y tế. Trên mạng xã hội những ngày qua, nhiều người đăng tin tìm giường bệnh, oxy cho người thân nhiễm Covid-19.
Do bệnh viện quá tải, nhiều bãi đỗ xe đã được trưng dụng làm phòng bệnh dã chiến. Ba bệnh viện lớn ở Jakarta gồm Persahabatan, Fatmawati và Sulianti Saroso hiện đã chuyển thành bệnh viện chỉ điều trị bệnh nhân Covid-19.
Hiệp hội bệnh viện Indonesia (PERSI) thừa nhận một số bệnh viện ở nhiều tỉnh thành của nước này đã kín giường. Bên cạnh đó, việc nhân viên y tế nhiễm bệnh còn làm cho tình trạng đáng quan ngại hơn.
Trước tình hình phức tạp, chính quyền Tổng thống Joko Widodo đã ban hành các quy định phòng dịch mới bao gồm hạn chế các hoạt động cộng đồng, đóng cửa công viên, khu du lịch, trung tâm thương mại. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng những biện pháp này chưa đủ để ngăn đà lây lan của dịch. Hiện Indonesia đã tiêm phòng vắc xin cho 5% dân số.
Ngày chết chóc
Tình hình Covid-19 ở Campuchia cũng đang diễn biến xấu khi liên tục ghi nhận các kỷ lục về ca nhiễm và tử vong. Reuters đưa tin Campuchia ngày 2.7 ghi nhận 32 ca tử vong vì Covid-19, mức cao nhất từ trước đến nay. Số ca nhiễm mới trong ngày được ghi nhận là 966. Hiện Campuchia đã có 52.350 ca nhiễm với 660 ca tử vong.
Trước tình hình hiện nay, Thủ tướng Hun Sen đã công bố nhiều biện pháp khẩn cấp để ngăn đà tăng của dịch và một số quy định khác có thể được đưa ra trong vài ngày tới.
Hiện Campuchia đã đóng cửa toàn bộ trường học, trung tâm thể hình, bảo tàng, rạp chiếu phim và khu vui chơi giải trí trên toàn quốc.
Số ca leo dốc
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh ở Thái Lan chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Bộ Y tế Thái Lan hôm 2.7 ghi nhận thêm 61 người chết, đánh đấu ngày thứ 3 liên tiếp số ca Covid-19 tử vong /ngày lập kỷ lục mới, theo tờ Bangkok Post.
Tính đến nay đã có tổng cộng 2.141 người chết vì Covid-19 ở Thái Lan. Thêm 6.087 ca nhiễm Covid-19 trong 24 giờ, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 lên 270.921, trong đó có hơn 240.000 ca xuất hiện kể từ khi làn sóng Covid-19 thứ 3 bắt đầu bùng phát ở nước này từ ngày 1.4.2021.
Theo Nikkei Asia, các bệnh viện lớn tại thủ đô Bangkok hiện đều trong trạng thái quá tải, kín giường điều trị vì bệnh nhân Covid-19 tăng vọt.
Nhằm ngăn chặn Covid-19, chính phủ Thái Lan hôm 28.6 bắt đầu áp dụng các biện pháp hạn chế mới ở thủ đô Bangkok và 5 tỉnh lân cận trong 30 ngày, như dịch vụ ăn uống tại nhà hàng bị cấm và các trung tâm mua sắm phải đóng cửa trước 21 giờ mỗi ngày. Ngoài ra, các công trường xây dựng cũng bị đóng cửa và các khu tập thể cho công nhân bị niêm phong nhằm ngăn chặn các ổ dịch bùng phát.
Tuy nhiên, cuộc di cư của các lao động từ các công trường bị đóng cửa ở Bangkok đã dẫn tới tình trạng gia tăng số ca nhiễm Covid-19 mới ở 32 tỉnh, trong đó có tỉnh Khon Kaen.
Chưa hẹn ngày nới phong tỏa
Malaysia ban đầu đặt hạn chót phong tỏa toàn quốc là ngày 29.6 nhưng tình hình Covid-19 trở nên phức tạp khiến lệnh phong tỏa phải gia hạn và chưa hẹn ngày nới lỏng. Chính phủ tuyên bố chỉ gỡ bỏ phong tỏa toàn quốc khi số ca mắc mới mỗi ngày giảm xuống dưới 4.000.
Tuy vậy, số ca nhiễm mới mỗi ngày hiện nay ở Malaysia vẫn duy trì ở mức cao trên 5.000, với ngày sau liên tục cao hơn ngày hôm trước.
Bình luận (0)