Thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông bắt nguồn từ Campuchia. Nhiều đoạn là ranh giới 2 nước Việt Nam - Campuchia, trở thành điều đặc biệt tạo nên cái duyên thầm của dòng sông này. Với những du khách du ngoạn đến khám phá Vườn Di sản ASEAN Lò Gò - Xa Mát (H.Tân Biên, Tây Ninh) thì khó có thể quên cảm giác ngồi trên chiếc thuyền lướt nhẹ trên mặt sông.
Công trình dẫn nước vượt sông Vàm Cỏ Đông đẹp mắt tại H.Châu Thành, Tây Ninh |
GIANG PHƯƠNG |
Xuôi thượng nguồn từ biên giới…
Chiếc thuyền luồn qua những tán cây rừng của Vườn quốc gia xung quanh đầy những tiếng chim kêu, vượn hú tạo nên khung cảnh thơ mộng hữu tình... Đoạn sông chảy qua khu rừng dài khoảng 20 km, lòng sông rộng 10-20m, có nơi mở rộng đến 50m. Ở giữa dòng sông, du khách phóng tầm mắt ngắm nhìn đôi bờ Vàm Cỏ. Một bên bờ thuộc địa phận của Việt Nam và bờ đối diện thuộc Vương quốc Campuchia. Ở đây, du khách sẽ cảm nhận được sự gần gũi của 2 quốc gia láng giềng rồi cùng chụp ảnh, ngắm cận cảnh cột mốc quốc gia thiêng liêng.
Chiếc thuyền luồng qua những tán cây rừng của VQG Lò Gò - Xa Mát |
GIANG PHƯƠNG |
Khi chiếc thuyền lướt trên sông, nhìn từ xa sẽ cảm nhận được sự huyền bí của cây gừa cổ thụ.
Rời khỏi Vườn quốc gia với hệ sinh thái đầy kỳ thú ấy, gần 100km còn lại của đoạn sông này qua các huyện thuộc tỉnh Tây Ninh như Tân Biên, Châu Thành, Hòa Thành, Gò Dầu, TX.Trảng Bàng, Bến Cầu… càng có thêm nhiều bí ẩn để khám phá.
Mang rơm về nhà |
GIANG PHƯƠNG |
Gắn liền với suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, những trầm tích lịch sử từ thời văn hóa Óc Eo vẫn còn lưu giữ ven đôi bờ Vàm Cỏ Đông cho đến tận ngày nay là một minh chứng cho sự huyền bí ấy.
Đặc biệt nhất phải kể đến là tháp cổ Bình Thạnh (TX.Trảng Bàng) nằm phía hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông, có niên đại xây dựng khoảng thế kỷ VIII, là một trong những kiến trúc tháp cổ quý hiếm, tồn tại gần như nguyên vẹn, tiêu biểu cho kiến trúc thuộc nền văn hóa Óc Eo.
Tháp cổ Bình Thạnh |
GIANG PHƯƠNG |
Hay tháp Chót Mạt (H.Tân Biên) mà theo các tài liệu khảo cổ học, đây là một trong ba công trình kiến trúc còn sót lại của nền văn hóa Óc Eo ở vùng Nam Bộ (gồm cả tháp Bình Thạnh và tháp Vĩnh Hưng ở Bạc Liêu). Chỉ với đặc điểm này, tháp Chót Mạt xứng đáng được hàng ngàn du khách trên mọi miền đất nước về đây chiêm ngưỡng vẻ đẹp kì bí của một nền văn hóa từng rực rỡ trong quá khứ.
Ngắm nhìn đàn cò bay lượn kiếm ăn |
GIANG PHƯƠNG |
Hay ngang qua khu vực H.Châu Thành, chợ Gò Dầu…những căn nhà sàn nép sát triền sông đầy thơ mộng. Tất cả tạo nên nét đẹp hoang sơ, bình yên khó tả. Trong khi đó, trên con sông có nhiều tuyến rạch nhỏ dẫn vào những vùng quê đầy thanh bình với nhiều đặc sản miền sông nước như canh chua cá lóc, canh cá rô đồng, mắm đồng ở xã Phước Chỉ (TX.Trảng Bàng).
Tận hưởng nét dân dã ven sông...
Trong khi đó, theo UBND H.Châu Thành, tận dụng những tiềm năng lớn từ tuyến sông Vàm Cỏ Đông dài 65km đi qua 11/15 xã của huyện, địa phương này đang có kế hoạch để hình thành và phát triển tour du lịch sinh thái rừng kết hợp các điểm dừng chân du lịch trên tuyến sông. Theo đó, nếu tour này được đầu tư thì điểm xuất phát tàu du lịch tại Bến Tàu (ấp Xóm ruộng, xã Trí Bình) với trải nghiệm nhà hàng nổi, đàn ca tài tử....
Người dân Châu Thành mưu sinh mùa nước nổi |
GIANG PHƯƠNG |
Thuyền về hướng Tầm Long, khách ghé tham quan vườn dừa xiêm trĩu quả, tự câu cá và thưởng thức món cá lóc nướng rơm truyền thống. Thuyền tiếp tục đến trung tâm du lịch sinh thái rừng Hòa Hội, thăm di tích lịch sử bộ đội hải ngoại Sivotha, thưởng thức các món ăn đặc sản vùng quê, giao lưu đàn ca tài tử Nam bộ.
Những ngư dân đi đánh bắt cá |
GIANG PHƯƠNG |
Thuyền ghé qua bến phà Cây Ổi để khách nghỉ ngơi, nằm ngắm cảnh sông nước từ trên những chiếc võng đong đưa mát rượi, mua sắm mật ong rừng, các loại cây thuốc quý từ rừng... Tiếp tục hành trình trên đoạn sông uốn lượn, đến ngã ba Vàm, du khách những cánh đồng lúa mênh mông, ngắm những đàn cò bay lượn rồi đến tham quan cột mốc số 134, 135 ranh giới giữa Việt Nam - Campuchia...
Bình luận (0)