Sông vẫn chảy mà không thành nguồn lực

17/12/2022 06:08 GMT+7

Đất ngập nước, rừng Sác, đầm hồ, xưởng tàu, bến cảng và hàng ngàn ki lô mét kênh rạch, TP.HCM có thể “hái ra tiền” nếu phát huy hết lợi thế, tiềm năng của du lịch sông nước.

Chỉ tiếc là tiềm năng, lợi thế này nhiều thập kỷ vẫn chưa thể khai phá, để tạo nên một diện mạo hấp dẫn và hiệu quả cho du lịch TP.

Hầu hết những con sông nổi tiếng thế giới như sông Dương Tử hùng vĩ ở Trung Quốc, sông Amazon bí ẩn ở Nam Mỹ, sông Seine êm đềm ở Pháp, sông Volga nơi miền Tây nước Nga, sông Thames biểu tượng của Vương quốc Anh... đều trở thành điểm thu hút khách du lịch và mang lại nguồn thu khổng lồ cho các nước.

Ngày nay, du lịch sông nước càng được nhiều người lựa chọn vì đây là một phần của du lịch sinh thái, xu hướng hot nhất sau đại dịch thế kỷ Covid-19. Nhìn ở khía cạnh đó, du lịch thủy ở TP.HCM nói riêng và VN nói chung đã và đang lãng phí rất lớn khi cứ mãi là “công chúa ngủ trong rừng” không được đánh thức. Đáng nói là quy hoạch du lịch thủy tại TP.HCM đã được khởi động từ cách đây gần 2 thập kỷ.

Thế nhưng, trong khi hành lang sông ngày càng chật chội do bị xâm phạm bởi đủ các loại hình thì quy hoạch du lịch sông nước, cảnh quan, bến bãi... vẫn giậm chân tại chỗ. Nghịch lý này dẫn tới nghịch lý tiếp theo là càng muốn, càng quyết tâm làm thì lại càng vướng. Đó là lý do năm nào du lịch thủy của TP.HCM cũng được đặt ra, cũng họp hành, bàn thảo rồi lại đóng vào. Sông vẫn chảy mà không thể biến thành nguồn lực trong nỗi nuối tiếc của rất nhiều người dân cũng như bản thân lãnh đạo chính quyền TP.

Nhìn lại suốt những năm qua, trăn trở lớn nhất của ngành du lịch VN là làm thế nào để khách quốc tế tiêu tiền nhiều hơn. TP.HCM đi đầu trong việc mở các tuyến phố đi bộ, đưa vào hoạt động chợ đêm, phát triển các dịch vụ giải trí, văn hóa để thực hiện mục tiêu này. Dù vậy, một công bố mới đây cho thấy, giữa khát vọng và thực tế lại một trời một vực. Cụ thể, từ tháng 1 - 11.2022, TP.HCM đón gần 31 triệu lượt khách trong nước và quốc tế nhưng chỉ có hơn 1% trong tổng lượng khách này trải nghiệm các sản phẩm đường thủy.

Bạn nghĩ gì về con số này? Chắc chắn có nhiều chữ “nếu” được đặt ra trong nuối tiếc. Nếu chỉ 10% trong số đó trải nghiệm du lịch đường thủy, tương ứng với hơn 3 triệu lượt du khách, ngân sách TP sẽ có thêm một khoản thu không nhỏ. Nếu 50% trong số đó, tương ứng với 15 triệu lượt du khách trải nghiệm thì số thu ngân sách nhân lên gấp nhiều lần bởi nó kéo theo một loại hình dịch vụ, sản phẩm, doanh nghiệp ra đời để phục vụ cho lượng khách này.

Và nếu chúng ta đặt và thực hiện mục tiêu “tới TP.HCM, phải du lịch sông Sài Gòn” hay đại loại vậy thì không chỉ là tiền, nguồn lực mà biết đâu, con sông Sài Gòn chẳng ghi tên mình vào một trong những dòng sông du lịch nổi tiếng? Mang bản sắc văn hóa riêng của một Sài Gòn xưa và một TP.HCM hiện đại năng động ngày nay theo chân các du khách quốc tế “chảy” ra thế giới, rồi từ đó lại thu hút họ đến với TP nhiều hơn.

Thế nên dù muộn, dù khó thì TP cũng phải quyết tâm lấy lại hành lang sông, quy hoạch đô thị sông nước, phát triển du lịch thủy, khai thác hết tiềm năng và giá trị của dòng sông Sài Gòn cũng như hệ thống kênh rạch lên tới hàng ngàn ki lô mét được ví như “trời cho” để phục vụ lợi ích của người dân TP.

Đến TP.HCM phải du lịch sông Sài Gòn, tại sao không?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.