Những ngày gần đây, nhiều khách hàng liên tục phản ánh đến nhóm Facebook Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi - Xanh - Sạch - Đẹp (kênh tiếp nhận thông tin phản ánh chính thống của ngành chức năng TP.Đà Nẵng) về tình trạng tiền nước sạch phải thanh toán trong tháng 5 tăng cao so với các tháng trước. Phổ biến nhất là trường hợp hộ từng chi trả khoảng 80.000 đồng/tháng nay tăng đến trên 150.000 đồng; một số trường hợp khác tăng gấp 3-4 lần.
Ông N.B.T. (trú tại đường Bùi Viện, Q.Hải Châu) phản ánh, gia đình chỉ có 2 người nên sử dụng nước không nhiều. Tháng 1 và 2, tiền nước hơn 100.000 đồng/tháng, tháng 3 hơn 36.000 đồng/tháng, nhưng khoản cộng dồn 2 tháng 4 và 5 lại lên đến gần 1,1 triệu đồng.
Bà L. (người nhà ông T.) bức xúc: “Chúng tôi sử dụng nước bình thường nên không thể có chuyện tiền nước tăng đột biến như vậy. Sau khi nhận được hóa đơn, tôi kiểm tra đường ống xem có bị vỡ hay không thì thấy hoàn toàn bình thường nên đã phản ánh đến Dawaco. Nếu không xử lý thỏa đáng, chúng tôi sẽ không thanh toán”.
Trường hợp bà T.T.T.T. (trú tại đường Ngô Quyền, P.An Hải Bắc, Q.Sơn Trà) cũng khá đặc biệt, khi hóa đơn tăng gần… 20 lần. Cụ thể, trong các tháng 3, 4 hóa đơn nhà bà T. chỉ dao động ở mức 13.000 - 18.000 đồng/tháng, nhưng đến tháng 5 lại nhảy vọt lên 312.000 đồng.
Vì sao tiền nước tăng?
Công ty CP cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho hay công ty đã tạm dừng hoạt động tiếp xúc khách hàng từ ngày 1 - 15.4, trong đó có việc tạm dừng ghi chỉ số đồng hồ tại nhà khách hàng vì giãn cách xã hội. Để có số liệu phát hành hóa đơn tháng 4, tránh tính trạng dồn số, Dawaco đã tạm tính sản lượng dùng nước của khách hàng trong 4 bằng sản lượng của tháng 3 và đã nhắn tin, thông báo bằng văn bản cho khách hàng. Sang tháng 5, Dawaco thực hiện đọc chỉ số đồng hồ bình thường, nhân viên đến nhà khách hàng ghi chỉ số thực tế và phát hành hóa đơn.
Lý giải nguyên nhân hóa đơn tiền nước tháng 5 tăng đột biến, Dawaco cho biết do sản lượng trong tháng 4 “tạm tính bằng tháng 3” nên một số khách hàng có sản lượng nước tháng 4 lệch ít hoặc nhiều hơn so với thực tế sử dụng. Trong giai đoạn này, người dân ở nhà tránh dịch nên có thể dùng nước nhiều hơn so với số liệu tạm tính (hoặc có trường hợp nợ tiền tháng cũ chưa thanh toán qua tháng 5). Khi thực hiện đọc số vào tháng 5, tất cả những khoản đó sẽ gộp chung vào, nên tăng cao. Nhưng tính bình quân trong 3 tháng, lượng nước sử dụng mỗi tháng không có sự đột biến với trước đó.
Cũng theo Dawaco, nguyên nhân thứ 2 là do hệ thống cấp nước sau đồng hồ có sự cố rò rỉ, xì vỡ đường ống hoặc hư hỏng van phao bể chứa sau đồng hồ mà khách hàng chưa kiểm soát được.
“Bình thường hằng tháng, nhân viên đọc chỉ số đồng hồ tại nhà khách hàng nếu phát hiện sản lượng tăng đột biến đều thông báo để khách hàng tự kiểm tra hệ thống sau đồng hồ. Tuy nhiên, do giãn cách xã hội vì Covid-19, đến tháng 5 nhân viên mới tiến hành ghi chỉ số đồng hồ tại nhà khách hàng, nếu trường hợp xì vỡ xảy ra thì cũng kéo dài 60 ngày nên sản lượng nước tăng gấp nhiều lần do thất thoát”, đại diện Dawaco cho hay.
Dawaco nhận được đơn phản ánh và phối hợp kiểm tra 82 trường hợp khách hàng bị vỡ ống sau đồng hồ tại nhà. Công ty khuyến nghị khách hàng có thể đối chiếu với chỉ số đồng hồ trên tin nhắn với chỉ số đồng hồ hiện tại; trường hợp chỉ số đồng hồ tại nhà thấp hơn nhiều so với chỉ số trên tin nhắn thì liên hệ với xí nghiệp cấp nước tại các quận để cùng kiểm tra, giải quyết theo thực tế. Để phản ánh ý kiến liên quan đến tiền nước, người dân có thể liên hệ qua số điện thoại: 1900 234522.
|
Bình luận (0)