Khi PV Thanh Niên có mặt tại chung cư (CC) chiều 3.10 để tìm hiểu sự vụ, nhiều người tỏ ra rất bức xúc. Chị N.T.N (24 tuổi, cư dân nơi đây) nói: “Lúc CC mới đi vào hoạt động cuối năm 2018 là mình về đây rồi. Hơn nửa năm qua, tiền nước của 2 vợ chồng mình và con nhỏ khoảng 200.000 - 300.000 đồng, đơn giá từ 11.000 - hơn 13.000 đồng/m3. Vậy mà nước cúp hoài, không hề báo trước để người dân chuẩn bị. Có hôm ăn cơm xong không rửa chén được, hay tính tắm rửa đi làm cũng không được luôn! Nói chi xa, từ 5 giờ chiều hôm qua tới sáng nay có giọt nước nào đâu! Kiến nghị hoài mà Ban quản lý (BQL) có giải quyết đâu”.
“Nước máy” nhưng nổi váng, cáu bẩn
Không chỉ vậy, các thành viên trong gia đình chị N. còn thường xuyên bị nổi mẩn ngoài da, nghi do nguồn nước CC bị nhiễm bẩn. “Con trai mình từng viêm da suốt 3 tháng trời, không hiểu vì sao. Ban đầu nghĩ do thời tiết, cho tới hôm qua nghe đọc loa thông báo về vụ bơm nước giếng mới vỡ lẽ”, chị N. bức xúc và cho biết thêm nước từ vòi xả ra hôm thì màu trắng đục, hôm thì ngả vàng và nổi váng, nhất là sau những lần cúp nước.
|
Nhiều hộ cho biết đã phải mua cả nước bình về để sử dụng tắm, giặt. “Nước nguồn kia chảy ra đóng vàng cả sàn gạch, chà rửa không ra luôn. Sao dám xài”, chị M. (34 tuổi, một cư dân) thở dài ngao ngán. “Trong khi đó, BQL lúc nào cũng tích cực nhắc đóng tiền nước, trễ là phạt. Có lần mình gọi thẳng lên công ty cấp nước hỏi tại sao cúp nước, thì họ nói họ không cúp, kêu mình liên hệ lại BQL”, chị M.A (30 tuổi) kể.
Quá bức xúc, người dân ở CC đã “mai phục” và bắt quả tang nhân viên của BQL đang kéo ống dẫn nước giếng bơm vào bể chứa cho dân sử dụng.
“Do áp lực nên bơm nước giếng”?!
Xác nhận với PV Thanh Niên, ông Trần Anh Tuấn, Trưởng BQL CC The Parkland, nói trước nay phía CC vẫn thực hiện đúng quy trình cung cấp nước thủy cục cho người dân với hệ thống đường ống, bể chứa nước tiêu chuẩn. “Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ áp lực nước của công ty cấp nước cho CC chúng tôi quá yếu. Lượng nước bơm vào bể chứa ít hơn nhiều so với lượng nước sử dụng nên thường hao hụt. Cuối tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua, có xảy ra tình trạng cúp nước và BQL có thông báo với cư dân để chủ động lượng nước sinh hoạt cá nhân. Lần đó, BQL cũng đã gửi công văn yêu cầu công ty cấp nước khắc phục hoặc phải tăng áp hoặc phải tăng cỡ ống lớn hơn. Nhưng vấn đề chưa được giải quyết triệt để. Gần đây tình trạng này lại tái diễn, BQL vừa gửi thêm công văn đến công ty này”, ông Tuấn cho biết.
Trả lời câu hỏi vì sao bơm nước giếng tưới cây ngoài công viên cho người dân sử dụng sinh hoạt, ông Tuấn giải thích: “Do hao hụt nước sử dụng, người dân kiến nghị quá nhiều, trong khi công ty cấp nước chưa khắc phục kịp, BQL bị áp lực, phải cố tìm nguồn nước tăng cường để người dân kịp sinh hoạt, nên xảy ra sai sót. BQL cùng đại diện cư dân đã làm việc với UBND phường để nhận trách nhiệm, đồng thời súc rửa bồn sạch sẽ. BQL cũng sẽ làm việc trực tiếp với công ty cấp nước để khắc phục sớm nhất cho cư dân”.
|
Khi PV Thanh Niên đặt vấn đề về việc người dân phản ánh tình trạng nước bẩn đã diễn ra khá lâu, ông Tuấn nói: “Do tình trạng hao hụt nước như trên, các bể chứa thường cạn đáy, nên khi nước bơm vào sẽ đẩy cặn lên và có hơi ngả vàng. BQL vẫn cho kiểm định chất lượng nước định kỳ để đảm bảo sức khỏe người dân” (?!).
Trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư Nguyễn Đăng Vỹ (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng việc lấy nước chưa qua xử lý để cung cấp và thu tiền theo giá nước thủy cục là hành vi gian dối, có thể cấu thành tội lừa đảo. “Tùy vào hậu quả đã gây ra cho người dân và số tiền gian dối mà hành vi này có thể bị xử lý hình sự, mức phạt từ cải tạo không giam giữ cho đến 20 năm tù giam...”, luật sư Vỹ nói.
Bình luận (0)