Sự biến đổi của Omicron làm tăng nguy cơ tái nhiễm

Liên Châu
Liên Châu
30/11/2021 17:28 GMT+7

Bằng chứng sơ bộ đến nay cho thấy những biến đổi của Omicron tăng nguy cơ tái nhiễm với biến thể này. Một số đột biến trong Omicron có thể góp phần né tránh miễn dịch.

Theo cập nhật mới nhất của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bằng chứng sơ bộ đến thời điểm này cho thấy sự biến đổi của Omicron tăng nguy cơ tái nhiễm với biến thể này. Số lượng các trường hợp của biến thể này dường như đang tăng lên ở hầu hết các các tỉnh ở Nam Phi.

Tiêm chủng đầy đủ vắc xin Covid-19 vẫn là biện pháp hiệu quả đáp ứng Covid-19

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Biến thể Omicron (B.1.1.529) của virus SARS-CoV-2 được ghi nhận lần đầu tiên tại Nam Phi, được báo cáo tới Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 24.11. Đến ngày 25.11 WHO xếp biến chủng này thuộc nhóm biến chủng đáng lo ngại (variant of concern), được đặt tên là Omicron.

Ngày 27.11, Bệnh viện Bambino Gesu tại Italia lần đầu công bố hình ảnh so sánh biến thể Omicron và Delta, cho thấy biến thể Omicron có số lượng đột biến ở protein gai (tương tác với tế bào người, khả năng xâm nhập tế bào người) cao hơn nhiều (Omicron là 43, trong khi ở Delta là 18).

Tuy nhiên, cho đến nay chưa có bằng chứng cho thấy biến thể Omicron làm giảm hiệu quả của vắc xin đang sử dụng rộng rãi. Tiêm chủng vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng chống dịch Covid-19. Các nghiên cứu đang được tiến hành để đánh giá tác động của biến thể đến vắc xin và các biện pháp khác.

Vì Omicron đã được là một biến thể đáng lo ngại, WHO khuyến nghị các quốc gia thực hiện một số hành động, bao gồm tăng cường giám sát và giải trình tự các trường hợp nhiễm; chia sẻ trình tự bộ gen trên cơ sở dữ liệu có sẵn công khai; báo cáo các trường hợp hoặc chùm ca bệnh ban đầu cho WHO; thực hiện điều tra dịch tễ tại thực địa và đánh giá trong phòng thí nghiệm để hiểu rõ hơn liệu Omicron có các đặc điểm lây truyền hoặc bệnh tật khác nhau hay tác động đến hiệu quả của vắc xin, phương pháp điều trị, chẩn đoán hoặc các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng.

WHO: Biến thể Omicron có nguy cơ lây nhiễm mạnh, thế giới phải sẵn sàng

Các quốc gia cần tiếp tục thực hiện các biện pháp y tế cộng đồng hiệu quả để giảm sự lây truyền của Covid-19 nói chung, sử dụng phương pháp đánh giá nguy cơ và cách tiếp cận dựa trên cơ sở khoa học. Cần tăng cường năng lực y tế và sức khỏe cộng đồng để quản lý sự gia tăng các ca bệnh. WHO sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các quốc gia và hướng dẫn về cả sự sẵn sàng và ứng phó.

Ngoài ra, điều quan trọng là sự bất bình đẳng trong tiếp cận với vắc xin Covid-19 cần được giải quyết khẩn cấp để đảm bảo rằng các nhóm dễ bị tổn thương ở khắp mọi nơi, bao gồm cả nhân viên y tế và người cao tuổi, nhận được liều đầu tiên và liều thứ hai, cùng với việc tiếp cận điều trị và chẩn đoán một cách công bằng.

Giữ khoảng cách tối thiểu 1 mét

Theo WHO, các bước hiệu quả nhất mà các cá nhân có thể thực hiện để giảm sự lây lan của vi rút Covid-19 là giữ khoảng cách vật lý ít nhất 1 mét với những người khác; đeo khẩu trang vừa vặn; mở cửa sổ để cải thiện thông gió; tránh không gian kém thông gió hoặc đông đúc; giữ tay sạch sẽ; ho hoặc hắt hơi vào khuỷu tay "bị" cong hoặc khăn giấy; và tiêm phòng khi đến lượt.

Hiện chưa có bằng chứng cho thấy biến thể Omicron có liên quan đến việc gia tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Các vắc xin Covid-19 hiện có còn hiệu quả trước biến thể Omicron?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.