Chăm bệnh trong phòng cấp cứu
Ngày 22.7, sư cô Thích nữ Nhuận Bình - Tu sĩ Tu viện Tâm Không (H.Củ Chi, TP.HCM) là ,một trong 299 tình nguyện viên tôn giáo khác lên đường đến các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 ở TP.HCM để chăm sóc bệnh nhân F0 đã nhiễm Covid. Sư cô Nhuận Bình được phân công đến Bệnh viện dã chiến số 12, phục vụ bệnh nhân Covid-19 tại Khoa Cấp cứu.
Tại đây, sư cô cho biết mỗi ca trực sẽ có 4 tình nguyện viên làm việc xuyên suốt 8 giờ/ca và chia 3 ca mỗi ngày. Bệnh nhân F0 dời xuống Khoa Cấp cứu đa số là bệnh nhân trở nặng, cần tiếp oxy. Vì đã học việc và từng làm qua công việc ở phòng khám, sư cô sẽ gắn máy trợ thở, đo chỉ số SP02, nhịp tim, huyết áp,... cho bệnh nhân Covid-19.
|
Với những bệnh nhân Covid-19 nằm ở phòng cấp cứu, các tình nguyện viên như sư cô sẽ giúp bệnh nhân lấy nước, khăn, thuốc, hỗ trợ bệnh nhân đi vệ sinh. “Những bệnh nhân nhẹ hơn có thể đi bộ được nhưng có những bệnh nhân nặng thì mình phải đẩy bình oxy theo. Bệnh nhân mệt ngồi xe lăn thì mình sẽ đẩy xe lăn, đẩy bình oxy và đẩy theo cả cây để móc bình nước chuyền. Những người thanh niên thì mình sẽ lấy chai để người ta đi vệ sinh tại chỗ. Như vậy sẽ giúp bệnh nhân đỡ mệt, mình cũng tiết kiệm sức hơn”, sư cô giải thích.
Để đảm bảo an toàn, khi vào ca trực tất cả tình nguyện viên sẽ mặc đồ bảo hộ. Những ngày đầu ở BV dã chiến thời tiết có mưa nên không khí dịu nhẹ, mặc đồ bảo hộ vẫn thấy dễ chịu. Nhưng những ngày gần đây thời tiết bắt đầu nắng nóng liên tục, đồ bảo hộ rất kín, cơ thể mất nước rất nhanh khiến nhiều tình nguyện viên như sư cô cũng cảm thấy ngột ngạt và thiếu oxy.
|
Chính vì vậy, sư cô Nhuận Bình tâm sự thời gian đầu sức chịu đựng của sư cô là từ 6 đến 7 giờ đồng hồ nhưng những ngày nắng nóng sức chịu đựng giảm sút. Để tránh mất sức, sư cô hạn chế việc chạy vì sẽ khiến cơ thể toát mồ hôi và mất sức, dễ bị ngất xỉu.
“Mình phải dùng tư tưởng để đấu tranh với đòi hỏi của cơ thể. Mình luôn nhắc nhở bản thân không được ngất, nếu mình ngất xỉu thì ở trong phòng cấp cứu rất nhiều vi khuẩn rất nguy hiểm".Sư cô Thích nữ Nhuận Bình |
Tự nhủ bản thân là thế nhưng nhiều lần thấy bệnh nhân ho ra máu và thiếu oxy, sư cô lập tức di chuyển nhanh nhất có thể để đến thay bình oxy cho bệnh nhân. Những lần như vậy hơi thở cô trở nên gấp gáp, cảm nhận cơ thể như muốn đổ gục xuống sàn nhà.
“Lúc đó mình phải dùng tư tưởng để đấu tranh với đòi hỏi của cơ thể. Mình luôn nhắc nhở bản thân không được ngất, nếu mình ngất xỉu thì ở trong phòng cấp cứu rất nhiều vi khuẩn rất nguy hiểm. Có những lúc rất gấp, mình cũng chạy vài bước rồi lại điều chỉnh bước đi của mình, tự điều chỉnh trạng thái của mình”, sư cô nói.
Để quên đi những mệt mỏi và thời gian, sư cô liên tục không nghỉ tay giúp đỡ bệnh nhân. Vận động nhiều giờ đồng hồ trong bộ đồ bảo hộ, mồ hôi chảy từng dòng từng dòng như tắm. Nhưng bù lại vì thương bệnh nhân, thấy người bệnh còn khó chịu hơn nên sư cô luôn dặn bản thân phải cố lên.
Thương từ bệnh nhân đến bác sĩ, y tá, lao công
Để đảm bảo an toàn và tiết kiệm đồ bảo hộ, từ khi mặc đồ bảo hộ để vào ca trực, các tình nguyện viên sẽ không uống nước và đi vệ sinh vì mỗi lần đi vệ sinh sẽ tốn một bộ đồ bảo hộ. Bên cạnh đó, vì bệnh nhân F0 ho rất nhiều, nên sư cô cũng như các tình nguyện viên khác không đụng chạm bất kỳ thứ gì và không tiếp xúc với ai ngoài bệnh nhân để tự bảo vệ mình và những người xung quanh.
Sư cô giải thích: “Chỉ cần một chút xíu sai sót thôi thì bản thân chính là nạn nhân tiếp theo của Covid-19. Tuy nhiên, nhiều khi nhiều việc quá vì rất là đông bệnh nhân mình sẽ không nhớ được những quy tắc. Nhưng mình vẫn phải cẩn thận hết sức vì mình khỏe thì mình mới giúp đỡ được cho nhiều bệnh nhân”.
|
Ngoài giúp đỡ bệnh nhân F0 trong sinh hoạt cá nhân, sư cô Thích Nữ Nhuận Bình kiêm luôn việc trấn an tâm lý. Sư cô nói chuyện để khuyên nhủ bệnh nhân không lo lắng, giúp bệnh nhân ngủ sâu, ăn ngon, cho bệnh nhân một niềm tin rằng được vào bệnh viện có bác sĩ trực tiếp chăm sóc là may mắn.
“Khi bệnh nhân đã vào bệnh viện rồi thì đội ngũ bác sĩ sẽ trực tiếp lo sức khỏe, việc của mình là trấn an để bệnh nhân quên đi sự đau đớn. Khi dưỡng bệnh cho tốt, hệ miễn dịch mạnh lên thì sẽ sớm khỏe và về với gia đình”, sư cô nói.
|
Mỗi lúc tan ca trực, sư cô thường ra ban công bệnh viện để hít thở không khí. Mỗi lần tạm biệt bệnh nhân, sư cô lại bất giác chảy nước mắt thương mọi người vì bản thân không thể nào giúp được nhiều hơn khi thấy đồng bào vật lộn với bệnh tật.
Niềm vui của sư là nhìn thấy bệnh nhân khỏe hơn và rời khỏi khoa cấp cứu. Nhưng có ca bệnh đã nằm ở phòng cấp cứu 5 ngày, còn ho ra máu. Bệnh nhân không ổn định về chỉ số SP02,... nên không thể đưa trở lại phòng bệnh bình thường.
Trong những ngày bám trụ bệnh viện dã chiến để giúp đỡ bệnh nhân Covid-19 có những ca bệnh khiến sư cô vẫn trăn trở nhớ mãi. Đó là trường hợp 2 cụ ông, bà chuyển tuyến nhưng phải quay đầu trở lại. Khi xe quay đầu đến bệnh viện thì cũng là lúc vừa hết oxy trong bình, ngay lập tức các bác sĩ trực tiếp ra xe bế bệnh nhân vào phòng cấp cứu để gắn kịp bình oxy. Giây phút đó không chỉ khiến sư cô mà tất cả nhân viên, tình nguyện viên chứng kiến đều rưng rưng.
Trong khoảng thời gian làm tình nguyện viên tại bệnh viện dã chiến, nhận thấy máy Monitor đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình theo dõi và điều trị bệnh nhân Covid-19, lượng bệnh đông máy Monitor đang thiếu nên sư cô đã đứng ra kêu gọi và quyên góp được 5 máy Monitor cho bệnh viện với số tiền gần 100 triệu đồng.
“Mình có thể làm được gì thì mình sẽ cố gắng hết sức làm với tâm thế dịu dàng nhất có thể để bệnh nhân được thoải mái nhất. Thương bác sĩ y tá ở bệnh viện dã chiến, từ người hộ lý mình cũng thương vì người hộ lý đi xuống quét nhà cũng phải mang đồ bảo hộ nên mình rất trân trọng họ. Chỉ muốn là mọi người cùng nhau cố lên”, sư cô bày tỏ.
Bình luận (0)