Sử dụng thuốc tránh thai lâu dài tăng nguy cơ mắc ung thư vú

26/04/2017 19:29 GMT+7

Thông tin này được phó giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho biết tại hội thảo Ung thư vú Việt - Pháp, do Bệnh viện K tổ chức ngày 26.4 tại Hà Nội.

Theo phó giáo sư (PGS) Thuấn, tại các quốc gia, số mắc ung thư vú cao nhất thường ở phụ nữ 60 - 65. Tuy nhiên, tại Việt Nam, “đỉnh” này lại trẻ hơn nhiều (chủ yếu gặp ở lứa tuổi 40 - 50 tuổi) và vẫn có xu hướng trẻ hơn. Những năm gần đây đã gặp trường hợp chỉ 20 - 21 tuổi đã mắc ung thư vú.
“Chúng tôi sẽ phối hợp với các nhà khoa học trong và ngoài nước có nghiên cứu để tìm câu trả lời cho xu hướng trẻ hóa ung thư này”, PGS Thuấn cho biết.
Cũng theo vị PGS này, mỗi năm, trên thế giới có khoảng 1,7 triệu ca ung thư vú mới. Ở Việt Nam, tỷ lệ ung thư này chiếm 25% tổng số người mắc ung thư ở phụ nữ.
Bác sĩ Nguyễn Minh Khánh, Khoa Ngoại vú (Bệnh viện K) cho biết thêm, trong năm 2016, khoa này tiếp nhận hơn 2.400 lượt bệnh nhân ung thư vú điều trị và tỷ lệ bệnh nhân phải cắt bỏ vú là rất lớn. Bệnh viện cũng đã gặp nhiều bệnh nhân phải cắt bỏ vú khi tuổi còn trẻ, thậm chí cả cô gái mới hơn 20 tuổi, chưa chồng.
Nguyên nhân phải phẫu thuật cắt bỏ vú do bệnh nhân phát hiện bệnh muộn, khối u to hoặc di căn lan tỏa. Ngoài ra, ngực của phụ nữ Việt Nam nhỏ, do đó khối u dù chưa lớn cũng đã chiếm gần hết diện tích vú. “Tâm lý của bệnh nhân lo ngại, nếu chỉ phẫu thuật loại bỏ khối u thì sẽ không “triệt tận gốc” tế bào ác, nên phải yêu cầu phẫu thuật cắt bỏ vú, dù bác sĩ khuyến cáo là chỉ nên phẫu thuật một phần”, bác sĩ Khánh chia sẻ.

tin liên quan

Những loại bệnh phụ nữ dễ 'gặp' nhất
Có một sự khác biệt về tâm lý và sinh lý khi nói đến sức khỏe của nam và nữ. Vì vậy, điều quan trọng là mỗi giới tính cần nhận thức rõ về các rối loạn ảnh hưởng đặc biệt đến giới tính.
Theo bác sĩ Khánh, Bệnh viện K hiện áp dụng nhiều kỹ thuật để tạo ngực thẩm mỹ cho bệnh nhân sau phẫu thuật điều trị ung thư vú, như dùng mô mỡ, da bụng hoặc cơ lưng lên đắp ngực, đặt túi silicon…
PGS Thuấn khuyến cáo, các chị em nên thường xuyên đi tầm soát ung thư hoặc tự khám ngực cho mình để phát hiện các khối u khác lạ. Trong gia đình có người thân (mẹ, chị em gái ruột) bị ung thư vú cần đi tầm soát ung thư sớm. Tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú giai đoạn sớm ngày càng cao. Nếu như những năm 1990, ung thư vú được phát hiện giai đoạn sớm tỷ lệ sống trên 5 năm chỉ đạt 67%, thì hiện nay đã lên tới gần 86%.
“Phụ nữ dùng thuốc tránh thai liên tục, lâu dài từ trên 10 năm, cũng làm tăng nguy cơ ung thư vú cao hơn 2 - 4 lần”, PGS Thuấn lưu ý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.