Sử gia 103 tuổi chia sẻ khi lịch sử dự kiến thành môn thi bắt buộc

Bùi Vân
Bùi Vân
27/03/2023 19:24 GMT+7

Báo Thanh Niên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Tư, tác giả của hơn 60 đầu sách nghiên cứu về lịch sử và là một trong những sử gia lớn tuổi nhất Việt Nam, xoay quanh vấn đề môn lịch sử dự kiến trở thành môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc.

Lịch sử dự kiến là môn thi bắt buộc: sử gia 103 tuổi chia sẻ gì?

Ở độ tuổi bách niên, mỗi ngày, sử gia Nguyễn Đình Tư vẫn dành hàng giờ miệt mài biên soạn sách và vốn là một người nặng lòng với lịch sử nước nhà, ông không khỏi trăn trở trước thực trạng dạy và học môn lịch sử hiện nay.

Quay trở về giai đoạn khi ông còn đi học thì cách học và thi môn lịch sử thời đó có khác gì so với thời nay không, thưa ông?

Giống như thời nay, chúng tôi phải thi nhiều môn, gồm: luận văn, chính tả và thường thức, trong thường thức thì có môn lịch sử. Thời tôi đi học là giai đoạn Pháp thuộc. Vì vậy, chúng tôi chỉ được học lịch sử của nước Pháp, về những công trình ở Pháp và những gì Pháp đã làm ở Đông Dương, gồm Việt-Miên-Lào, chứ không được học sử nước nhà. Thế nhưng, tôi là người thích sử nên bất cứ giờ nào, hoàn cảnh nào, tôi cũng tìm sách sử để đọc. Đối với lịch sử, tôi tự học qua sách vở là chính. Cho nên tôi mới có sự tích lũy kiến thức như vậy.

Lịch sử dự kiến thành môn thi bắt buộc: Sử gia 103 tuổi nói gì? - Ảnh 1.

Nhà nghiên cứu 103 tuổi Nguyễn Đình Tư

BÙI VÂN

Thưa ông, vừa rồi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo, theo đó, môn lịch sử sẽ trở thành một trong 4 môn thi bắt buộc của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Là một nhà nghiên cứu và yêu lịch sử, ông đón nhận thông tin này như thế nào?

Khi đọc được chủ trương dự kiến lịch sử là một trong 4 môn bắt buộc phải thi tốt nghiệp THPT, tôi rất mừng. Bởi lẽ người dân nói chung, không riêng học sinh, phải biết sử thì mới biết được quá trình thành lập của nước mình như thế nào. Cha ông, tổ tiên đã chiến đấu với kẻ thù như thế nào mới giữ được nền độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ.

Môn lịch sử vốn giữ vai trò quan trọng trong việc giáo dục. Tuy nhiên, hiện nay việc dạy và học môn lịch sử lại khô khan và nặng nề khiến cho không ít học sinh thờ ơ với môn học này. Ông có suy nghĩ gì về thực trạng này, thưa ông?

Việc học và thi cử như vậy thật đáng buồn. Hồi xưa chúng tôi đi học chỉ trông tới môn lịch sử để được nghe thầy giảng. Thầy giảng hấp dẫn tới mức chúng tôi muốn đồng hồ ngừng lại. Thay vì phải nghe những gì đã có trong sách, chúng tôi được giảng về những chuyện nằm ngoài giáo trình, gắn với thực tế. Thế nhưng ngày nay việc học lịch sử lại buồn tẻ đến như vậy. Mọi người đều lặng lẽ và chấp nhận nguyên tắc là học theo giáo trình, chép theo sách giáo khoa, rồi về nhà học thuộc lòng là đủ điểm 10. Điều đó thật tai hại.

Sử gia 103 tuổi chia sẻ khi lịch sử dự kiến thành môn thi bắt buộc - Ảnh 2.

Dù đã 103 tuổi, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư vẫn miệt mài với công việc hàng ngày

BÙI VÂN

Tôi không hiểu vì sao sách giáo khoa môn lịch sử lại phải soạn đi soạn lại nhiều lần. Chúng ta nên hiểu rằng việc soạn sách nên soạn tuần tự, theo trình độ của học sinh để sự tiếp thu có hiệu quả hơn. Các em nhỏ nên học tên các danh nhân thôi, như Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh. Đừng nên soạn ở mức độ quá cao và cũng đừng lý tưởng quá. Bởi lẽ điều đó khiến cho các em rất khó tiếp thu. Quan trọng nhất trong việc soạn sách là làm sao xây dựng được lòng tự hào dân tộc cho học sinh. Đó là điều môn lịch sử nên làm và cần phải làm.

Hồi xưa chúng tôi đi học chỉ trông tới môn lịch sử để được nghe thầy giảng. Thầy giảng hấp dẫn tới mức chúng tôi muốn đồng hồ ngừng lại. Thay vì phải nghe những gì đã có trong sách, chúng tôi được giảng về những chuyện nằm ngoài giáo trình, gắn với thực tế.

Hiện nay, một số trường đã có những cải tiến trong việc dạy môn lịch sử như tổ chức cho học sinh đóng vai nhân vật lịch sử. Vậy theo ông, cách làm này có làm cho các bạn yêu môn lịch sử hơn không?

Tôi thấy điều này rất đáng quý. Bởi vì, những giờ hoạt động ngoại khóa sinh động giúp cho kiến thức của môn học thấm hơn vào nhận thức và tâm hồn học sinh. Trước Cách mạng Tháng Tám, sinh viên chúng tôi cũng có phong trào diễn kịch. Những vở kịch về người anh hùng chúng tôi diễn không chỉ ảnh hưởng đến học sinh mà còn khơi gợi lòng yêu nước của dân chúng địa phương.

Trong lúc chờ đợi một không khí học tập hăng say hơn, tôi khuyên học sinh nên tìm sách sử mà đọc bởi vì trong sách sử ghi rất chi tiết, cụ thể những vấn đề lịch sử. Cũng như tôi, càng đọc nhiều chừng nào, tôi càng thấy hào hứng và tự hào chừng đó.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.