Vốn là tài xế ô tô nên ông không dám uống rượu bia do mức phạt quá cao. Ngoài mức phạt tiền bằng cả tháng thu nhập thì việc giam bằng lái từ 1 - 2 năm khiến tài xế sợ nhất, bởi nếu “dính” phạt thì chỉ còn cách bỏ nghề.
Trong nhiều buổi ghi nhận việc CSGT đo nồng độ cồn tại TP.HCM, tôi thấy phần lớn tài xế đã biết “sợ” Nghị định 100. Nếu như trước đây, trung bình mỗi buổi kiểm tra phát hiện cả chục người vi phạm thì kể từ tháng 1.2020 (thời điểm Nghị định 100 có hiệu lực), số người vi phạm giảm hẳn; kiểm tra ngẫu nhiên cả chục trường hợp nhưng có khi không trường hợp nào vi phạm.
Ngay cả lực lượng CSGT cũng thấy bất ngờ, bởi thông thường những ngày giáp tết người dân uống bia rượu nhiều hơn. Theo thống kê của Bộ Công an, trong 7 ngày nghỉ tết cả nước xảy ra 198 vụ tai nạn giao thông làm chết 133 người và 174 người bị thương, giảm cả 3 tiêu chí so với Tết Nguyên đán 2019. Trong đó, số vụ tai nạn do tài xế vi phạm nồng độ cồn chỉ có 4, tương đương 2%. Đây là tín hiệu ban đầu rất đáng mừng.
Vấn nạn tai nạn giao thông vốn đã hoành hành cả chục năm qua, cướp đi hàng ngàn sinh mạng mỗi năm. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn thì muôn hình vạn trạng, từ ý thức người dân, hạ tầng yếu kém và cả tình trạng lạm dụng bia rượu rồi lái xe. Do vậy, chặn đứng được nguyên nhân nào thì đều đáng mừng cả, qua đó tai nạn giao thông cũng giảm theo.
Cũng cần thừa nhận rằng hiếm có quy định nào mà chỉ sau 1 tháng áp dụng lại nhận được sự đồng tình của người dân như Nghị định 100/2019. Dù vậy, việc người dân ủng hộ Nghị định 100 mới là sự khởi đầu trong “trận đánh” dài hơi kéo giảm tai nạn giao thông. Đồng thời, nó cũng là thử thách đối với lực lượng chức năng, bởi nếu không làm nghiêm thì sẽ đánh mất cơ hội hiếm có này.
Bình luận (0)