Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: Trao giải cuộc thi viết 'Sống đẹp' do báo 'Thanh Niên' tổ chức

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
27/03/2022 06:33 GMT+7

418 tác phẩm tham gia cuộc thi viết Sống đẹp do báo Thanh Niên tổ chức là 418 câu chuyện đẹp, cảm động về những tấm gương luôn hết mình trong công việc thiện nguyện, giúp những mảnh đời cơ cực vượt lên số phận.

Chiều 25.3, tại TP.HCM, cuộc thi viết Sống đẹp lần 1 với tổng số tiền thưởng 260 triệu đồng do báo Thanh Niên tổ chức đã khép lại bằng buổi lễ tổng kết và trao giải long trọng, đồng thời tiếp tục mở ra hành trình mùa 2 với nhiều nội dung thi hấp dẫn, nhân kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26.3.1931 - 26.3.2022).

Buổi lễ có sự tham dự của nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập báo Thanh Niên - Trưởng ban tổ chức cuộc thi; nhà báo Hải Thành, Phó tổng biên tập; nhà báo Lâm Hiếu Dũng, Tổng thư ký tòa soạn báo in Thanh Niên; cùng lãnh đạo của các thương hiệu đồng hành: ông Hồ Song Ngọc, Tổng giám đốc Công ty CP Tôn Đông Á; ông Lê Hùng Anh, Tổng giám đốc Tập đoàn One IBC; đại diện Ban giám khảo là nhà văn Trầm Hương, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, và các khách mời.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập báo Thanh Niên (trái) và nhà văn Trầm Hương (phải) trao giải cho tác giả Dương Châu Giang (giải nhì), Kem Ly (giải nhất) và đại diện tác giả Mai Đức Trung (giải nhì) - từ trái qua

ĐÀO NGỌC THẠCH

Thành phần ban giám khảo gồm: nhà văn Trầm Hương - Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM; nhà báo Huỳnh Dũng Nhân - cố vấn Trung tâm báo chí TP.HCM; Hoa hậu H’Hen Niê - Ủy viên T.Ư Hội LHTN Việt Nam; nhà báo Hải Thành - Phó tổng biên tập báo Thanh Niên và nhà báo Lâm Hiếu Dũng - Ủy viên Ban Biên tập, Tổng thư ký tòa soạn báo in Thanh Niên.

Phát biểu tại buổi lễ, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn khẳng định: “Trong thời điểm đầy khó khăn của người dân TP.HCM nói riêng, người dân Việt Nam nói chung khi đại dịch Covid-19 hoành hành khốc liệt, những bài dự thi Sống đẹp và những nhân vật “Phật giữa đời thường” như ngọn lửa ấm áp soi chiếu những ngày buồn, mang đến cho mọi người niềm tin yêu cuộc sống, niềm tin về tình người, về những giá trị thiêng liêng ở cuộc đời này, gắn kết con người với nhau, cùng nương nhau vượt qua đau thương dịch bệnh. Các nhân vật sống đẹp trong cuộc thi cũng là tấm gương sáng để mọi người, nhất là giới trẻ, soi vào đó học hỏi, hình thành nhân cách, lối sống, qua đó góp phần xây dựng xã hội nhân văn hơn, đẹp hơn, nghĩa tình hơn. Âu đó cũng là giá trị cốt lõi cuộc thi Sống đẹp hướng tới và đạt được”.

Kết quả: Giải nhất (30 triệu đồng): Những người đem cả gia tài “đổ xuống biển” của tác giả Kem Ly. 2 giải nhì (15 triệu đồng/giải): Ngồi hát giữa cuộc đời (Dương Châu Giang); Lê Hữu Nam và trái tim không tật nguyền! (Mai Đức Trung). 3 giải ba (10 triệu đồng/giải): Susanne - “bà Tây từ thiện” với trái tim nhân ái (Nguyễn Văn Lực); Những người giữ lửa cho bếp cơm gần 30 năm giữa Sài Gòn (Nhật Linh); Bông hoa đẹp giữa cuộc đời (Việt Ngô) 5 giải khuyến khích (3 triệu đồng/giải): Biến nỗi đau sau tai nạn thành hành động sẻ chia (Lê Văn Hiến); Người “thổi tù và” trên rẻo cao Tây Bắc (Phạm Thị Yến); Cha Tịch thai nhi (Bùi Thuận); Trái tim người ở núi (Lộc Vừng); Sự tử tế thầm lặng giữa đêm khuya (Phạm Thị Mỹ Nhung). Bài viết được yêu thích nhất (bài có số lượt xem và lượt like cao nhất trên Thanh Niên Online) (5 triệu đồng): Cưu mang mẹ con người phụ nữ tâm thần bằng lòng nhân ái (Hương Ly).

Tiếp nối thành công cuộc thi viết Sống đẹp, chiều 25.3 tại TP.HCM, Ban Biên tập báo Thanh Niên mở rộng sân chơi Sống đẹp năm 2022 với sự đồng hành của ông Lê Văn Lực, cùng hai thương hiệu quen thuộc: Tôn Đông Á và One IBC. Tổng giải thưởng Sống đẹp lần 2 của báo Thanh Niên lên đến 355 triệu đồng đang mở hộp thư chờ các chủ nhân gửi bài về dự thi (diễn ra từ 26.3.2022 và dự kiến đến cuối tháng 7.2022).

Trưng bày 200 cổ vật hoàng cung thuộc sở hữu tư nhân

Ngày 26.3, các nhà sưu tập trong Hội Sưu tập cổ vật cung đình Huế đã tổ chức khai mạc triển lãm Cổ vật hoàng cung Việt Nam tại Cung văn hóa Hữu nghị, Hà Nội. Hơn 200 cổ vật của 19 nhà sưu tập đã được trưng bày.

Trong số này, nhà sưu tập Nguyễn Thanh Ngọc (Hà Nội) là người góp nhiều cổ vật nhất, với 35 hiện vật. Hà Nội cũng là địa phương có nhiều nhà sưu tập tham gia nhất (8 người), tiếp theo là Hải Phòng (4) và Hải Dương (2). Tại triển lãm bức tranh thêu độc sắc (chỉ vàng kim tuyến) có tên Cửu long được nhiều người chọn để chụp ảnh lưu niệm cùng. Tranh do nghệ nhân cung đình Huế thêu, có niên đại đầu thế kỷ 20 dưới thời Bảo Đại.

Tranh thêu độc sắc (chỉ vàng kim tuyến) có tên Cửu long

MINH HOÀNG

Triển lãm cũng có những tranh thêu quý khác như tranh thêu ngũ sắc Long mã cõng bát quái cưỡi mây, được thêu bằng chỉ ngũ sắc và chỉ vàng kim tuyến.

Có nhiều trang phục được trưng bày tại triển lãm. Trong đó, có 2 chiếc áo nổi bật. Đó là một chiếc Mãng lan, áo mặc của tòng chánh nhất phẩm (quan võ), được mặc dự lễ ngoài trời khi duyệt binh hoặc tịch điền, triều vua Khải Định. Chiếc còn lại là áo Nhật bình của công chúa Mỵ Nương, thường được gọi là Bà chúa nhất. Bà là trưởng nữ của vua Thành Thái.

Các hiện vật gốm sứ tại triển lãm Cổ vật hoàng cung Việt Nam cũng thu hút sự chú ý của người xem. Trong số này, có nhiều đồ sứ pháp lam, do vương triều Việt Nam thời Nguyễn đặt hàng tại Cảnh Đức trấn (Trung Quốc).

Kim Xuân, Thành Lộc, Hữu Châu góp mặt trong hồi ký audio của ‘Kỳ nữ’ Kim Cương

NSND Kim Cương đã hoàn thành cuốn hồi ký Sống cho người sống cho mình từ năm 2016 và bây giờ bà chuyển thành phiên bản audio vô cùng hấp dẫn.

Với chất giọng tuyệt đẹp của NSND Kim Xuân, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, nghệ sĩ lồng tiếng kỳ cựu Thy Mai, Đạt Phi, Trúc Anh… cuốn hồi ký của NSND Kim Cương trở nên sống động như một vở kịch nói.

NSND Kim Cương trong buổi ra mắt hồi ký audio

H.K

Hai năm tránh dịch (2020-2021), NSND Kim Cương đã tranh thủ thời gian làm việc với nhóm nghệ sĩ kể trên để hoàn thành tác phẩm hồi ký audio Sống cho người sống cho mình, với 25 tập, phát miễn phí trên Youtube, Fanpage Kỳ nữ Kim Cương và website kynukimcuong.vn bắt đầu từ ngày 26.3.2022, mỗi tuần phát 3 tập. Sáng 25.3 bà đã có buổi ra mắt rất cảm động tại phim trường M.Plex với đông đảo nghệ sĩ và khán giả tham dự.

Bà cũng thú thật rằng mình chưa quen với lĩnh vực audio, cho nên trong quá trình làm việc với tổng đạo diễn Đạt Phi đã không ít lần tranh cãi, căng thẳng, nhất là khi bị đạo diễn âm thanh Hòa Bình “kìm kẹp” suốt trong phòng thu, nhưng cuối cùng bà cảm ơn Hòa Bình vì anh quá tận tâm, tận lực, chăm chút từng âm thanh, từng tiếng nhạc.

Khán giả đã được nghe nhiều trích đoạn trong audio, thật sự rất hấp dẫn. Đoạn ông chánh án định cưới Kim Cương làm vợ, không muốn Kim Cương đi hát nữa, và bà cũng từ hôn ông luôn. Đoạn ông chủ rạp hát đuổi gia đình Kim Cương đi vì ba của Kim Cương bịnh nặng, ông chủ rạp sợ chết trong rạp rồi mang xui xẻo. Đoạn bé Kim Cương từ giã bạn bè xuống ghe theo gia đình đi lưu diễn, cô bạn tặng cho Kim Cương con búp bê nhà nghèo. Đoạn Kim Cương viết kịch bản Người mua hạnh phúc trước khi từ giã sân khấu… Những chất giọng điêu luyện của các nghệ sĩ hòa với âm thanh và nhạc làm nên một không gian sống động và cảm xúc vô cùng.

Thừa Thiên - Huế: Thu hồi giải Phong cách đội đua ghe phang mái chèo vào đội bạn

Ban tổ chức Giải đua ghe truyền thống lần thứ I năm 2022 trên sông Hương (TP.Huế) đã rút giải Phong cách đầy bi hài từng trao cho đội đua P.Thuận An vì có hành vi đánh nhau thô bạo và đang có những bước xử lý tiếp theo.

Sáng 21.3, ban tổ chức Giải đua ghe truyền thống lần thứ I năm 2022 trên sông Hương (TP.Huế, Thừa Thiên - Huế) cho biết đã làm việc trực tiếp với UBND P.Thuận An và tiến hành thu hồi giải Phong cách đầy bi hài trao cho đội đua phang mái chèo khiến đội bạn rơi xuống sông. Đồng thời, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý sai phạm theo quy định.

Hình ảnh đội áo tím Thuận An phang mái chèo thô bạo được cộng đồng mạng chia sẻ

F.B

Trước đó, sau khi Giải đua ghe truyền thống lần thứ I năm 2022 trên sông Hương sáng 19.3 kết thúc, trên mạng xã hội lan truyền cảnh tượng các vận động viên (VĐV) mặc quần áo màu tím Huế, tung mái chèo đánh các VĐV đội ghe bạn khiến toàn bộ đội đua bị đánh phải lao xuống sông Đông Ba để thoát nạn.

Kết quả xác minh cho thấy, hình ảnh từ clip đội mang áo tím đánh đội bạn là đội đua của P.Thuận An và đội bị đánh là đội đua P.Hải Dương (hai địa phương vừa sáp nhập vào TP.Huế năm 2021). Rất may là ẩu đả không để lại hậu quả nghiêm trọng. Không có ai bị chấn thương vì lực lượng cảnh sát giao thông đã xuất hiện ngăn cản ẩu đả.

Đáng nói là với hành vi thô bạo nêu trên, ban tổ chức lại trao giải Phong cách cho đội đua ghe Thuận An, khiến dư luận bất bình. Theo thông tin từ ban tổ chức, đội P.Thuận An nhận giải Phong cách vì cả hai đội đua nam và nữ Thuận An dù bị lật ghe nhưng vẫn nỗ lực hoàn thành cuộc đua.

Một thành viên ban tổ chức cho biết, sau khi nghiên cứu băng hình, ban tổ chức đã nắm bắt được hành động của đội đua Thuận An vi phạm điều lệ giải nên đã rút giải trao cho đội đua này và đang đề nghị các cơ quan chức năng có những bước xử lý tiếp theo.

Việc trao giải Phong cách cho đội đua có hành vi thô bạo cho đội đua ghe Thuận An trên đã trở thành chuyện bi hài được bàn luận sôi nổi trên cộng đồng mạng trong những ngày qua, không chỉ ở Huế.

Nhạc sĩ Hồng Đăng, tác giả ca khúc Hoa sữa, qua đời ở tuổi 86

Nhạc sĩ Hồng Đăng, tác giả ca khúc nổi tiếng Hoa sữa, đã qua đời sáng 21.3, hưởng thọ 86 tuổi.

Quê gốc ở Yên Thành, Nghệ An, nhạc sĩ Hồng Đăng ra Hà Nội và học Khoa sáng tác Trường Âm nhạc Việt Nam khóa 1 năm 1956 cùng với các nhạc sĩ Hoàng Việt, Huy Thục, Vĩnh Cát, Tô Ngọc Thanh…

Nhạc sĩ Hồng Đăng

ĐÌNH TOÁN

Nhạc sĩ Hồng Đăng đã sáng tác hơn 700 tác phẩm ở nhiều thể loại: ca khúc, hợp xướng, ca cảnh, khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu... Trong đó, nhiều tác phẩm ông viết được sử dụng cho hơn 70 bộ phim, có thể kể đến những ca khúc nổi tiếng như: Hoa sữa (phim Hà Nội mùa chim làm tổ), Lênh đênh (phim Đời hát rong), Nỗi nhớ đêm đại dương (phim Những hạt muối của biển), Biển và cô gái tôi chưa quen (phim Những ngôi sao nhỏ), Không gian xanh (phim Vùng trời). Hai trong số những ca khúc nổi tiếng nhất của ông là Hoa sữaBiển hát chiều nay.

Ca khúc Hoa sữa được ông viết năm 1978 cho bộ phim Hà Nội mùa chim làm tổ (đạo diễn Đức Hoàn). Phim xoay quanh công cuộc xây dựng lại Hà Nội sau trận Điện Biên Phủ trên không.

Còn ca khúc Biển hát chiều nay là rung động của ông trước vẻ đẹp của biển đảo Tổ quốc trong chuyến đi thực tế dọc các vùng biển từ Quảng Ninh tới Cà Mau, được sáng tác trong khoảng thời gian 1979 - 1980. Dù không sáng tác theo “đơn đặt hàng” của bộ phim nào, nhưng Biển hát chiều nay lại được dùng trong nhiều bộ phim.

Tiếp đó, nhiều sáng tác của ông gắn liền với Hà Nội như Duyên Hà Nội, Tiếng hát trên pháo đài thành phố, Hoa sữa… Nhạc sĩ Hồng Đăng từng là Phó tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Âm nhạc và thế giới âm nhạc. Ông đã được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.