Không chỉ chuyện cơm, áo, gạo, tiền, ở một đất nước hiếu học như Việt Nam, trong hoàn cảnh nào, việc học cũng là mối quan tâm hàng đầu.
Thế nhưng, chưa bao giờ, người dân lại đồng thuận và chủ động đề xuất cho học sinh (HS) nghỉ học để phòng ngừa dịch bệnh như suốt hơn 2 tháng qua. Trong bối cảnh ấy, việc học hành, thi cử của HS lẽ ra cần có những kịch bản, phương án rõ ràng từ ngành GD-ĐT. Kịch bản ấy cần được công bố công khai để người dân không thấp thỏm, con nghỉ học mà trĩu nặng nỗi lo về các kỳ thi.
Thế nhưng, ngành GD-ĐT không những không làm cho dân yên tâm, trái lại, còn có những tuyên bố và quyết định khiến phụ huynh, HS thêm lo lắng. Đau đầu hơn cả vẫn là chuyện thi cử, ngày nào trên các diễn đàn dành cho phụ huynh, HS cũng những câu hỏi đầy âu lo về việc năm nay sẽ thi ra sao, khi mà việc học đang ngưng trệ. Những kỳ thi đặc biệt quan trọng mang tính quyết định như kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, thi THPT quốc gia đến giờ này vẫn là những thông tin không rõ ràng và thuyết phục.
Trong thời điểm dịch bệnh đang hoành hành, Hà Nội công bố quyết định thi vào lớp 10 “dự kiến” vào đầu tháng 6 và giữ “ổn định” với 4 môn thi với nội dung thi như những năm trước; Bộ GD-ĐT cũng khẳng định chắc nịch: “Phương án thi THPT quốc gia 2020 vẫn giữ ổn định như năm 2019”.
Chữ “ổn định” của ngành GD-ĐT về phương án thi được phát ra trong hoàn cảnh cả nước bất ổn vì dịch bệnh khiến bất cứ ai có con đi học hoặc quan tâm tới GD-ĐT cũng chực trào nước mắt vì bất an, lo lắng.
Nhiều nhà giáo, chuyên gia giáo dục tâm huyết đã lên tiếng, thậm chí gửi “tâm thư” đề nghị bộ trưởng, chủ tịch UBND TP hãy thay đổi phương án thi, giảm bớt môn thi; thậm chí là bỏ kỳ thi, chuyển sang xét tuyển… để giảm gánh nặng không đáng có cho người dân, cho HS. Hơn tất cả, sự thay đổi ấy là đòi hỏi thực tiễn khi HS cả nước phải nghỉ học tới 3 tháng và có thể còn lâu hơn thế nữa.
Thế nhưng, đáp lại những lời đề nghị ấy là sự im lặng. Hiếm hoi có câu trả lời, thì câu trả lời ấy lại như một thách thức: phương án thi THPT quốc gia không thay đổi; “4 môn thi vào lớp 10 ở Hà Nội vẫn được giữ nguyên”!
Chúng ta đang trong “thời chiến - chống dịch như chống giặc”, mọi thứ đều chấp nhận thay đổi, xáo trộn, thậm chí đình trệ. Tại sao riêng những kỳ thi của ngành GD-ĐT, vốn đã rất nặng nề, áp lực trong “thời bình”, vẫn cứ đòi sự “ổn định” và không chấp nhận sự thay đổi? Đó là sự đòi hỏi phi lý, là cách làm dễ cho cơ quan quản lý, nhưng khiến người dân thêm nỗi lo lớn.
Ngày 1.4 vừa qua, Thủ tướng đã chính thức yêu cầu “Bộ GD-ĐT xây dựng và đề xuất Chính phủ phương án thi THPT quốc gia phù hợp”. Đó là một chỉ đạo hợp lòng dân, được mỗi nhà trường đón đợi. Hơn lúc nào hết, điều mà họ cần trong quyết sách về thi cử của năm học đặc biệt này là sự phù hợp, chứ không phải cái gọi là “ổn định” như những năm trước mà ngành GD-ĐT đang cố giữ, bất chấp tình hình thực tế.
Bình luận (0)