Đừng loại người dân ra khỏi sự chia sẻ

01/04/2020 04:14 GMT+7

Khó khăn bủa vây tứ bề, sức ép ngày càng nặng nhưng "phao" cứu sinh là các chính sách hỗ trợ lại quá nhiều bất cập khiến người dân, doanh nghiệp cứ bám được vào thì lại bị hụt tay.

Đáng nói là trong đó có khá nhiều giải pháp của "thời bình" nhưng vẫn được đem áp dụng cho "thời chiến", cho thấy các cơ quan có thẩm quyền chưa thực sự linh hoạt để ứng phó với bối cảnh mới dù dịch bệnh đã kéo dài gần 2 tháng nay và sức khỏe người dân, doanh nghiệp (DN) đã cạn.
Ví dụ như quy định các DN có 50% lao động nghỉ việc trở lên thì sẽ được tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trước đó, rất nhiều công ty đề xuất giãn, hoãn đóng số tiền này vì doanh thu sụt giảm mạnh, thậm chí không có nên tiền BHXH đóng hằng tháng trở thành gánh nặng cứ đến hẹn lại lên, chậm là bị phạt. Nới cho tạm dừng đóng, có thể giúp họ có thêm dư địa để xoay xở. Nhưng đến khi đi làm thủ tục thì nhiều chủ DN mới ngã ngửa, muốn được hưởng chế độ này, họ phải sa thải đủ 50% số lao động hiện hữu. Nếu sa thải ít hơn thì mời mang hồ sơ về. Nói cách khác, quy định này trong nhiều trường hợp sẽ vô tình đẩy người lao động ra đường.
Tương tự, đề xuất giảm tiền điện của Tập đoàn điện lực VN (EVN) với các khu cách ly, cơ sở khám chữa bệnh tuyến đầu phòng chống Covid-19 cũng khiến người dân chưng hửng. Thực tế, giảm giá điện, nước là giải pháp nhanh nhất, thiết thực nhất trong bối cảnh người dân cả nước, đặc biệt là người nghèo bị giảm thu nhập, thất nghiệp bất khả kháng vì dịch bệnh. Cả triệu người đã khấp khởi, hy vọng bởi điện, nước thì nhà ai cũng phải dùng, cứ đến tháng là đóng tiền. Từ sau tết nắng nóng, ở nhà tránh dịch nhiều, tiền điện nước tăng đột biến. Với người nghèo, đó là cả một gánh nặng. Nếu giảm, cũng bớt phần nào chi phí sinh hoạt, thêm đồng rau cháo. Quan trọng hơn, trong khi các giải pháp khác phải mất khá nhiều thời gian và có thể dẫn đến tình trạng "nước xa không cứu được lửa gần" thì giảm tiền điện, nước có thể áp dụng được ngay và luôn, với độ phủ rộng. Thế nhưng EVN đã "loại" người dân, doanh nghiệp những khách hàng của mình ngay từ "vòng đề xuất" khi khu biệt đối tượng giảm tiền điện chỉ là khu cách ly và cơ sở khám chữa bệnh như nói trên.
Đề xuất này cho thấy trong mối quan hệ mua - bán giữa ngành điện và người dân mãi vẫn chỉ là mối quan hệ một chiều, EVN toàn quyền áp đặt, khách hàng không có quyền đòi hỏi, đừng nói đến làm "thượng đế" như đối với các ngành khác. Bởi không dùng điện của EVN, hầu hết người dân chỉ có thể thắp đèn. Nó cũng cho thấy trong đại dịch, khi Chính phủ tìm đủ các giải pháp để hỗ trợ người dân, DN thì cách đồng hành của EVN lại chưa thể hiện được sự chia sẻ của một ngành thiết yếu hàng đầu với khó khăn của đất nước.
Dù khó khăn, các DN vẫn chung tay đóng góp hàng ngàn tỉ đồng cùng Chính phủ chống dịch; Dù thu nhập giảm, hàng vạn - hàng triệu người dân vẫn gửi tin nhắn đóng góp tùy theo sức của mình trong công cuộc chung của đất nước. Chúng ta đang bước vào giai đoạn khó khăn nhất, căng thẳng nhất, quyết liệt nhất trong công cuộc chống dịch. Vì thế, đây cũng là lúc cần nhất sự đoàn kết, chia sẻ, đồng hành của tất cả.
Đã đồng hành, đừng loại người dân ra khỏi sự chia sẻ của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.