Đáng buồn rằng, sự trung thực càng biểu hiện ở nhiều con trẻ và khiến dư luận cảm phục bao nhiêu, thì lại thấy... vơi đi ở người lớn bấy nhiêu. Liệu có phải cùng với sự phát triển về trí khôn, sự trải đời, người lớn đã tự cho mình thói quen thiếu trung thực để vụ lợi cho bản thân?
Chuyện người lớn: ở Thanh Hóa, nhân việc nhận tiền hỗ trợ Covid-19, dư luận đã phanh phui ra việc chính quyền, thôn xóm đã đưa những người không đủ điều kiện vào để hưởng lợi khi chủ nhân của những ngôi nhà cao tầng vẫn là hộ cận nghèo vì có “quan hệ” với hội đồng bình xét, trong khi người có nhà cửa rách bươm lại lọt khỏi diện khó khăn chỉ vì… thân cô thế cô.
Chuyện trẻ con: Chỉ mới đây thôi, đúng vào ngày Quốc tế Thiếu nhi (1.6), 2 nữ sinh Võ Thị Nhi và Nguyễn Thị Phương (cùng trú xã Hải Hưng, học sinh lớp 12B1, Trường THPT Hải Lăng, Quảng Trị) trên đường đến trường đã nhặt được hơn 50 triệu đồng và nhanh chóng giao nộp cho cơ quan công an để nhờ trả lại cho người mất.
|
Trước đó, ngày 7.5, cũng trên đường đến lớp, em Nguyễn Vũ Thành (học sinh lớp 8A, Trường TH-THCS Cam Tuyền) phát hiện 1 ví da màu đen có hơn 30 triệu đồng bên trong liền mang đến nhà trưởng thôn nhờ tìm người đánh rơi để trả lại. Chủ nhân của chiếc ví ngỏ ý tặng lại cho Thành một số tiền để hậu tạ nhưng nữ sinh này cương quyết từ chối, chỉ nhận lời cảm ơn...
Đáng nói, cả 3 nữ sinh hành động đẹp vừa nhắc đều có cảnh nhà khó khăn, bố mẹ phải làm thuê làm mướn nuôi con ăn học. Thậm chí chính các em cũng phải gồng gánh phần nào công việc đồng áng giúp gia đình.
Tôi chợt nhớ lại câu nói của người xưa, “nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Cái “sạch”, cái “thơm” ở đây phần nhiều cũng nhờ giáo dục mà nên. Một nửa ổ bánh mì vẫn là ổ bánh mì, nhưng một nửa sự thật sẽ không còn là sự thật. Vậy nên, xin hãy trân quý sự trung thực của con trẻ. Và hỡi người lớn, đừng để cơm áo gạo tiền và những món lợi cho bản thân làm cho sự trung thực phai nhạt dần theo tháng năm.
Bình luận (0)