Giao quyền quản lý đăng kiểm về địa phương
Điểm thay đổi quan trọng nhất trong nội dung dự thảo Nghị định sửa đổi về đăng kiểm là phân quyền quản lý về địa phương, thay đổi các quy định về tiêu chí kiểm định và cho phép các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng của các đơn vị tư nhân (ví dụ như các trung tâm 3S, 4S của các hãng xe) được tham gia kiểm định xe, góp phần mở rộng đơn vị đăng kiểm trên cả nước.
Bộ GTVT cho biết: "Việc phân cấp cho Sở GTVT phù hợp với chủ trương phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý nhà nước thay vì Cục Đăng kiểm VN thực hiện như hiện nay. Một số điều khoản quy định về thời hạn tạm đình chỉ có thời hạn cũng được sửa đổi nhằm tránh tạo ra sự tùy tiện trong việc xử lý vi phạm, điều này có thể dẫn đến nhận định thiếu khách quan, tiềm ẩn nguy cơ sinh ra tiêu cực của cơ quan quản lý".
Đánh giá những nội dung sửa đổi này, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải và Du lịch TP.HCM, chia sẻ: "Những sửa đổi trong dự thảo trên hầu hết đều đã có sự tiếp thu các ý kiến đóng góp của các hiệp hội, doanh nghiệp và bộ, ngành liên quan. Đối với tôi thì tôi tâm đắc nhất là sự phân quyền quản lý cho địa phương. Đó là sự thay đổi lớn từ cấp vĩ mô, hạn chế sự tập quyền về một cơ quan từ đó làm nảy sinh tiêu cực, hối lộ. Việc mở rộng đối tượng được kiểm định cho các Trung tâm 3S, 4S cũng rất cởi mở, vì các trung tâm này thuộc các hãng xe có thương hiệu, trước nay họ làm khâu kiểm định trước khi xuất xưởng và bảo dưỡng xe nên hoàn toàn có thể chia sẻ gánh nặng và đảm nhiệm tốt việc đăng kiểm".
Tuy nhiên, theo ông Lê Trung Tính, giải pháp cấp thiết để giải tỏa nhanh tình hình ùn ứ tại các trung tâm đăng kiểm (TTĐK) vẫn chưa được ghi nhận. "Tôi từng nhiều lần kiến nghị xe ô tô khi hết hạn kiểm định thì TTĐK có quyền được gia hạn thêm một thời gian phù hợp mà không cần tiến hành kiểm tra, việc này dựa trên niên hạn để làm cơ sở. Thông thường các loại xe cơ giới, xe ô tô, xe gia đình từ 3 - 5 năm thì tình trạng xe vẫn còn rất tốt, và các hãng sản xuất hiện nay đều tính toán để có hệ số an toàn khá cao, hoàn toàn có thể tin tưởng để giãn chu kỳ kiểm định", ông Lê Trung Tính phân tích.
Theo một số chuyên gia vận tải, trong dự thảo Nghị định tại quy định về đăng kiểm viên đã sửa đổi quy định thu hồi Giấy chứng nhận đăng kiểm viên trong trường hợp "Bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa án" thành "Bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa án do vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực kiểm định xe cơ giới".
TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, nhận định: "Đây là sửa đổi hợp lý, từ quy định này, Cục Đăng kiểm VN và các TTĐK có thể huy động các đăng kiểm viên đang tại ngoại quay lại làm việc".
Chưa thể giải quyết ùn tắc lập tức
Theo ghi nhận của Thanh Niên, trong ngày 12.4, tình hình ùn tắc tại các TTĐK vẫn đang tiếp diễn tại Hà Nội và TP.HCM. Tại TTĐK 50-05V chi nhánh Hồng Hà, Q.Tân Bình (TP.HCM), từ sáng sớm, dòng người đã đổ về để được nhận phiếu hẹn. Anh Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc Công ty vận chuyển Sài Gòn Bay (Q.Gò Vấp, TP.HCM), than thở: "Tại chi nhánh này chỉ nhận kiểm định khoảng 60 xe/ngày. Tôi đến đây chờ từ sớm nhưng vẫn chưa đến lượt. Người ta xếp hàng chen lấn rất đông trong khi nhân viên tại đây phát phiếu bằng thủ công, rất mất thời gian. Nhiều người chờ từ lúc 6 giờ sáng đến 2 giờ chiều mới được phát phiếu. Riêng tôi thì đến 8 giờ tối mới nhận được giấy hẹn 5 ngày sau kiểm định".
Với những sửa đổi trong dự thảo Nghị định mới, anh Nguyễn Văn Hưng nhận xét: "Việc sửa đổi khâu quản lý là cần thiết và theo tôi thấy thì các giải pháp đã rất căn cơ rồi. Tuy nhiên, việc cần thiết nhất để giải quyết nhanh chóng tình trạng ùn tắc là mở lại các TTĐK đang tạm ngưng hoạt động, bố trí thêm nhân sự để đẩy nhanh việc kiểm định. Hoặc nếu không bố trí được thì nên có thời gian giãn kiểm định cho những xe không kinh doanh. Bây giờ mới có dự thảo Nghị định, rồi còn thời gian ban hành, thời gian đi vào thực tế rất lâu. Vấn đề là làm sao giải quyết nhanh nhất tình trạng ùn tắc để dân bớt khổ".
Ông Lý Ngọc Tuyến, chủ xe ô tô biển số 50E-028.xx, cũng bức xúc: "Hiện nay nhiều TTĐK chỉ tiếp nhận kiểm định xe thông qua việc đăng ký trên ứng dụng. Tuy nhiên, các vị trí trong tháng này và tháng 5 gần như đã kín hết. Xe tôi muốn chọn chỗ phải qua đến cuối tháng 5, trong khi xe đã sắp hết hạn kiểm định. Những sửa đổi trong Nghị định còn rất xa, làm sao phải giải quyết được ngay chứ từ lúc này người dân quá mệt mỏi rồi".
Tại Hà Nội, sau khi thực hiện phát phiếu hẹn kiểm định, đã không còn xuất hiện ùn tắc phía trước các TTĐK nhưng thực tế, có rất nhiều phương tiện đến hạn kiểm định nhưng lại nhận được phiếu hẹn đăng kiểm vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 và hiện nay buộc phải để xe ở nhà "đắp chiếu".
TS Khương Kim Tạo nhìn nhận: "Ngoài ra, một trong số nguyên nhân chính khiến các TTĐK chưa thể mở cửa hoạt động trở lại hiện nay là do thiếu nguồn nhân lực. Chính vì vậy, việc khẩn trương, đào tạo bổ sung đăng kiểm viên vẫn là việc làm cấp bách hiện nay để giải quyết tình trạng ùn tắc đăng kiểm. Dự thảo Nghị định đã cho phép các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng được tham gia kiểm định xe, góp phần mở rộng đơn vị đăng kiểm trên cả nước. Tuy nhiên, để các cơ sở này đáp ứng đủ điều kiện của một TTĐK về cơ sở vật chất, cơ cấu tổ chức, nhân lực và chuyển đổi sang kiểm định xe sẽ cần khá nhiều thời gian. Do đó, việc tận dụng các đơn vị này tham gia kiểm định xe, giảm tải cho các TTĐK cũng không thể thực hiện được ngay".
Theo phản ánh của một số tổ chức, cơ quan, do thời gian từ lúc ban hành đến lúc ngừng nhận văn bản góp ý quá gấp gáp, nhiều nơi chưa tiếp nhận được thông tin và cũng chưa kịp gửi văn bản. Trong khi đó, Bộ GTVT giải thích do thời gian cấp bách để kịp thời gian ban hành theo yêu cầu của Chính phủ, nếu quá thời hạn chót là ngày 11.4 mà chưa nhận được văn bản góp ý thì mặc nhiên được hiểu là thống nhất với nội dung dự thảo.
Chuyển động kinh tế ngày 13.4: Kỳ vọng bất động sản phục hồi ở quý 2 | Bitcoin phá mốc 30.000 USD
Bình luận (0)