Sửa khống chế lãi vay, cởi trói cho doanh nghiệp: Ì ạch, thiếu trách nhiệm

Anh Vũ
Anh Vũ
13/07/2019 07:28 GMT+7

Ba lần Thủ tướng nhắc, hàng loạt doanh nghiệp kêu trời suốt 2 năm vì đội chi phí, giá thành tăng, suy giảm cạnh tranh, mất thị phần..., song việc sửa đổi quy định khống chế tỷ lệ lãi vay vẫn cứ ì ạch.

Phải chăng Bộ Tài chính muốn đi ngược chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, xóa bỏ rào cản, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng nhất cho doanh nghiệp?

Doanh nghiệp kêu trời

Khống chế lãi vay tại Nghị định 20 chưa phù hợp, gây khó khăn cho DN. Việc này Thủ tướng đã nhắc 3 lần. Tinh thần của Chính phủ vướng đến đâu gỡ đến đấy, không phải chờ sửa luật. Còn để DN kêu rất nhiều mà không giải quyết là không được

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ

Nghị định 20 của Chính phủ “Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có liên kết” bắt đầu hiệu lực từ ngày 1.5.2017. Mục tiêu là để ngăn ngừa, phòng chống chuyển giá, đặc biệt của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong đó, nội dung quan trọng là khống chế “tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế DN không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế”. Điều này có thể hiểu, với phần chi phí lãi vay của DN vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.
Từ năm 2018 đến nay, Thanh Niên đã nhận được hàng loạt kiến nghị của các DN, cho rằng quy định này chưa khắc phục được việc chống chuyển giá của các “ông lớn” FDI có nhiều giao dịch ma, liên kết chằng chịt, song lại “bắn” trúng chân các DN trong nước. Đơn cử trường hợp của Công ty may Sài Gòn 3, công ty này có đòn bẩy tài chính khá cao, tỷ lệ vay nợ lớn do đặc thù ngành may mặc phải gia công, mua vật liệu sản xuất, lắp đặt dây chuyền... “Với dệt may, mở rộng đầu tư sẽ lỗ chổng vó. Siết như vậy lại vô tình làm khó cho DN nội”, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Công ty may Sài Gòn 3, trả lời Thanh Niên.
Công ty CP đầu tư và thương mại TNG, một trong những DN dệt may tư nhân hàng đầu của VN, cũng gặp nhiều khó khăn tương tự. Báo cáo tài chính 5 tháng 2019, tổng nguồn vốn TNG là hơn 3.000 tỉ đồng, trong đó vay nợ và thuê tài chính ngắn hạn hơn 1.300 tỉ đồng và dài hạn hơn khoảng 250 tỉ đồng, chiếm tới gần nửa nguồn vốn hoạt động. Đó là lý do mà khi bị khống chế tỷ lệ lãi vay 20% như trên, chi phí phát sinh của TNG quá lớn, trong khi với 90% sản phẩm may mặc xuất khẩu, công ty không còn đủ sức cạnh tranh với các DN dệt may của Trung Quốc, Ấn Độ... tại thị trường EU, Mỹ.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản VN, tại một hội thảo mới đây cũng tỏ ra bức xúc khi cho rằng nội dung khống chế tỷ lệ lãi vay đang “thủ tiêu” động lực phát triển của DN, tạo ra chi phí vô lý, tạo thêm gánh nặng cho DN. “Chúng tôi kiến nghị nhiều lần, nhiều chuyên gia đã phân tích là không hợp lý. Chính phủ giao Bộ Tài chính trả lời, Bộ lại giao Tổng cục Thuế thì đại ý vẫn từ từ xem xét. Không biết từ từ thế nào nhưng việc thu thuế không nên từ từ. Bởi DN rất sợ, nộp tiền vào rồi đố rút ra được”, ông Nam nhấn mạnh.
Trong năm 2018, hàng loạt tập đoàn nhà nước như Tập đoàn điện lực (EVN), Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản VN (TKV), Tổng công ty lắp máy (Lilama), Tổng công ty xi măng VN... cũng đã gửi kiến nghị đến Bộ Tài chính và nhiều cơ quan chức năng về những điểm chưa hợp lý của Nghị định 20.

3 lần Thủ tướng nhắc vẫn không xong

Hơn 2 năm, một quy định khi đi vào thực tiễn trở thành rào cản gây khó khăn cho cộng đồng DN vẫn chưa được sửa đổi. Sự trì trệ này đang đi ngược lại chủ trương “kiến tạo, xây dựng” sân chơi thông thoáng, bình đẳng trong kinh doanh của Chính phủ.
Tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ các tháng còn lại năm 2019 của Bộ Tài chính ngày 12.7, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã phải nhắc nhở lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế: “Khống chế lãi vay tại Nghị định 20 chưa phù hợp, gây khó khăn cho DN. Việc này Thủ tướng đã nhắc 3 lần. Tinh thần của Chính phủ vướng đến đâu gỡ đến đấy, không phải chờ sửa luật. Còn để DN kêu rất nhiều mà không giải quyết là không được”.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - đơn vị tham mưu cho Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 20, trần tình việc chậm trễ thời gian qua do chờ sửa đổi luật Quản lý thuế. Tuy nhiên, hiện tại Tổng cục Thuế tham mưu sửa đổi và Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ để cho ý kiến.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết thêm, ngay trong thời gian tới, Thủ tướng sẽ giao Văn phòng Chính phủ phối hợp các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT... để thẩm định và hồi âm.
Với một nền kinh tế mà 90% nguồn vốn hoạt động của DN còn phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, rõ ràng việc chậm trễ trong 2 năm qua khiến một loạt ngành dệt may, thủy hải sản, linh kiện điện tử, nông lâm nghiệp... vốn có thế mạnh xuất khẩu bị suy giảm cạnh tranh, mất thị phần. Tiết giảm được chi phí, DN có thêm nguồn vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng, ngân sách cũng sẽ thu được nhiều hơn, cả hai bên đều có lợi. Điều dễ như vậy, nhưng không hiểu vì lý do gì mà Bộ Tài chính “ngâm” đến tận bây giờ.

Bộ Tài chính làm cái gì cũng chậm

Ngoài Nghị định 20, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý còn nhiều nghị định khác cũng đang chậm được sửa đổi. Bên cạnh đó, công tác cổ phần hóa chậm chạp, giải ngân vốn ODA cũng tắc nghẽn... Về công tác ban hành chính sách, quản lý điều hành chung của ngành tài chính, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phê bình: “Phải xây dựng xương sống của hệ thống văn bản pháp luật nhưng Bộ Tài chính làm cái gì cũng chậm, vậy thì trách nhiệm nằm ở đâu?”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.