Sức khỏe sẽ thế nào nếu gout không được điều trị?

Ngọc Quý
Ngọc Quý
03/03/2022 15:59 GMT+7

Bệnh gout là một dạng viêm khớp gây đau đớn cho người bệnh. Người bệnh sẽ thường xuyên bị các cơn đau và sưng khớp đột ngột tấn công. Cơn đau thường xuất hiện ở các khớp ngón tay, ngón chân và đầu gối.

Những cơn đau này có thể nghiêm trọng đến mức không thể đi lại được. Nguyên nhân gout là do nồng độ axit uric trong máu cao, dẫn đến tích tụ các tinh thể ở trong và quanh khớp xương. Gout có thể xuất hiện ở một hay nhiều khớp, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Bệnh gout xảy ra khi các tinh thể axit uric tích tụ trong các khớp xương, gây sưng đau

SHUTTERSTOCK

Bệnh gout có thể được điều trị bằng các loại thuốc giảm đau hoặc giảm nồng độ axit uric trong máu. Thay đổi lối sống theo hướng lành mạnh hơn cũng có thể giúp cải thiện triệu chứng bệnh. Nhiều bệnh nhân được khuyến khích ăn theo chế độ ăn kiêng dành cho gout.

Khi không được điều trị, bệnh gout sẽ càng nghiêm trọng hơn. Nếu không kiểm soát tình trạng viêm và sưng, các khớp xương gout sẽ mòn và bị phá hủy.

Gout không được điều trị có thể khiến các tinh thể tích tụ trong đường tiết niệu, cuối cùng dẫn đến sỏi thận. Do đó, nếu mọi người nghi ngờ mình bị gout thì cần đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Cách phổ biến nhất để điều trị gout là tuân theo chế độ ăn kiêng dành cho người bệnh. Chế độ ăn này có hàm lượng dinh dưỡng cân bằng nhưng cần phải tránh một số loại thực phẩm có thể khiến triệu chứng sưng đau khớp thêm nghiêm trọng.

Các loại thực phẩm tốt nhất cho người bị gout là rau, các món làm từ sữa ít béo, ngũ cốc nguyên hạt. Người bệnh cũng có thể ăn ở mức vừa phải một số loại thịt, trong đó có cả cá và gà.

Các món giàu protein thực vật như đậu hủ rất tốt cho người bệnh vì chúng chứa ít chất purin, vốn có thể làm tăng nồng độ axit uric trong máu. Ngoài ra, bệnh nhân gout cũng cần tránh cá cơm, cá mòi, cá ngừ và các động vật có vỏ như tôm, nghêu, sò, ốc vì chúng đều có hàm lượng purin cao.

Người bị gout cũng cần tránh thịt đỏ, nội tạng động vật, bia và các món có nhiều đường. Tất cả những món này sẽ làm tăng nồng độ axit uric trong máu và kích hoạt cơn gout.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý là mỗi người sẽ có mức độ dung nạp khác nhau với từng loại thực phẩm. Người bệnh có thể thấy một số món sẽ khiến triệu chứng gout của họ nghiêm trọng hơn các loại khác. Do đó, họ cần theo dõi những món đã ăn và xác định món nào ảnh hưởng đến bệnh nhiều nhất, theo Healthline.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.