Hôm nay (11.12), Sở Y tế TP.HCM đã đánh giá 10 trường hợp nguy kịch được cứu sống ấn tượng nhất trong năm 2019 tại các bệnh viện ở TP.HCM. Trong đó, các bệnh viện đã phát huy hiệu quả quy trình báo động đỏ, kết hợp với ứng dụng kỹ thuật điều trị chuyên sâu trong cấp cứu bệnh nhân.
1. Cứu bàn tay bị đứt lìa của em bé chưa đầy 1 tuổi
Trong khi người chú đang để chiếc xe gắn máy mới mua chạy roda… thì bé T.Đ.K (11 tháng tuổi, ngụ Đồng Tháp) bò đến chơi và bị cuốn tay vào dây sên xe. Bàn tay trái, ngón trỏ (ngón II) tay phải của bé bị nghiền dập, đứt lìa; đứt gần lìa ngón III tay phải; nguy cơ tắc mạch thứ phát, nhiễm trùng rất cao.
Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM đã huy động các bác sĩ giỏi vào bệnh viện trong đêm hội chẩn và phẫu thuật suốt 8 giờ cho bệnh nhi. Bác sĩ cắt lọc rửa vết thương, nối các động mạch, tĩnh mạch, dây thần kinh và các gân gấp… bằng kỹ thuật siêu vi phẫu trên bệnh nhân có mạch máu khâu nối rất nhỏ, đường kính lòng mạch chỉ khoảng 0,5 mm. Ê kíp đã nối thành công bàn tay trái và xử lý mỏm cụt đốt các ngón tay cho bệnh nhi.
Sau 10 ngày vi phẫu, sức khỏe và bàn tay trái của bé phục hồi tốt, không nhiễm trùng nhiễm độc.
2. Cứu bé gái viêm cơ tim tối cấp, đã ngưng tim
Bệnh viện tỉnh Bình Thuận báo động đỏ liên viện từ xa đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM). Bệnh viện Nhi đồng 1 phối hợp Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã giành lấy sự sống cho bệnh nhi (12 tuổi) bị viêm cơ tim tối cấp, đã bị ngưng tim ngay khi xe cứu thương dừng bánh tại bệnh viện.
Bé được đặt nội khí quản giúp thở, xoa bóp tim ngoài lồng ngực đồng thời dùng thuốc kích thích tim hoạt động lại. Các bác sĩ tim mạch đã đặt ngay máy tạo nhịp tạm thời, đồng thời tiến hành kỹ thuật ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể) cho bệnh nhi.
Sau 6 ngày chạy tuần hoàn ngoài cơ thể và lọc máu liên tục, tình trạng viêm cơ tim ổn định dần, chức năng co bóp cơ tim tốt. Bệnh nhi phục hồi và xuất viện sau đó.
3. Cứu sống bệnh nhân xuất huyết não nặng bằng robot
Bệnh nhân nữ (62 tuổi, ngụ TP.HCM) xuất huyết não ngày 2, tụ máu não, tăng huyết áp, nhập viện trong tình trạng hôn mê, liệt nữa người trái. Tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật não lấy máu tụ bằng phương pháp xâm lấn tối thiểu với sự hỗ trợ của robot Modus V Synaptive.
Ca phẫu thuật thành công, bệnh nhân được lấy hết khối máu tụ. Sau 5 ngày hậu phẫu, bệnh nhân phục hồi sức khỏe và tri giác.
4. Cứu sống bệnh nhi nhẹ cân nhất bị rối loạn nhịp bẩm sinh
Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) tiếp nhận bệnh nhi L.M.K (7 tháng tuổi, cân nặng 7 kg, ngụ Bình Dương) nhập viện trong tình trạng nguy kịch do loạn nhịp nhanh có thể dẫn đến đột tử và dị tật Ebstein (một loại tim bẩm sinh tím nặng).
Các bác sĩ đã thực hiện thăm dò điện sinh lý tim, phát hiện ổ phát nhịp bất thường và tiến hành can thiệp đốt ổ loạn nhịp thành công. Bệnh nhân ổn định và xuất viện khỏe mạnh.
Đây là trường hợp nhỏ ký nhất (kèm tim bẩm sinh nặng) được can thiệp điện sinh sinh lý tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và khu vực phía Nam. Theo y văn thế giới, các trường hợp can thiệp tương tự đều thực hiện ở trẻ lớn hơn 5 tuổi và cân nặng trên 15 kg.
|
5. Cứu bệnh nhân ngưng tim do nhồi máu cơ tim cấp
Bệnh nhân N.V.Đ (69 tuổi, ngụ TP.HCM) nhồi máu cơ tim cấp, diễn tiến nặng do nhịp tim chậm; ngưng tim ngay khi nhập viện.
Các bác sĩ và điều dưỡng của Bệnh viện Quận Thủ Đức (TP.HCM) đã hồi sinh tim phổi trong 2 phút, đặt nội khí quản bóp bóng giúp thở, tạo nhịp qua da để đảm bảo được tần số tim. Bệnh nhân được chụp động mạch vành, phẫu thuật khai thông dòng chảy nhánh động mạch vành (nhỏ như sợi chỉ) - là nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim.
Bệnh nhân được cứu sống ngay “cửa tử” và hồi phục sức khỏe, xuất viện sau 6 ngày.
6. Cứu bệnh nhân đa chấn thương nặng do tai nạn giao thông
Bệnh nhân bị xe container đụng phải: hôn mê, sốc mất máu, dập đứt bó mạch dưới đòn, dập đứt toàn bộ đám rối thần kinh cánh tay trái từ gốc, đa chấn thương đứt gần như hoàn toàn khung đai vai chỉ còn vạt da và cơ phía sau vai, vết thương gãy hở dập nát đầu ngoài xương bã vai trái, gãy 1/3 giữa xương đòn trái, vết thương lộ màng phổi, nứt sàn sọ, dập não trán 2 bên, máu tụ dưới màng cứng trán phải.
Bệnh viện Quận 2 (TP.HCM) đã sơ cứu cho bệnh nhân và báo động đỏ chuyển nhanh đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM).
Các bác sĩ đã vừa hồi sức vừa chẩn đoán, vừa phẫu thuật, với sự phối hợp nhiều chuyên khoa để đưa bệnh nhân “từ cõi chết trở về”. Bệnh nhân phục hồi và xuất viện sau 14 ngày điều trị.
7. Giành lấy sự sống cho bé gái bị xe container cán ngang người
Bé gái Q.T.B.N (11 tuổi, ngụ Long An) nhập viện trong tình trạng xanh xao, tím tái, sốc nặng, với mạch nhẹ khó bắt, chi lạnh tím, rối loạn tri giác lơ mơ, hôn mê; vết thương vỡ toác vùng chậu chảy máu liên tục. Khi đi xe đạp, bệnh nhi đã bị xe container đụng té xuống đường và cán lên người.
Tại Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, các bác sĩ đã nhanh chóng hồi sức, phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhi. Cuộc mổ căng thẳng kéo dài hơn 6 giờ đã giành lại sự sống cho bé gái.
8. Can thịp sa dây rốn cho trẻ sơ sinh
Tại Bệnh viện huyện Củ Chi (TP.HCM), sản phụ L.T.K.M (28 tuổi, mang thai con đầu 37 tuần, ngụ Đồng Tháp) đột ngột vỡ nước ối tự nhiên, lượng vừa, màu trắng đục, thăm khám không ghi nhận phần dây rốn trong âm đạo. Đột ngột tim thai giảm sâu.
Nhận định là ca suy thai cấp diễn tiến nhanh, sa dây rốn, để cứu thai nhi không bị ngạt, các bác sĩ đã nhanh chóng mổ cấp cứu bắt con. Em bé được bắt ra trong vòng 30 giây, với dây rốn nằm ép chặt giữa đầu em bé và thành trên tử cung, chào đời khỏe mạnh.
9. Cấp cứu từ xa qua điện thoại cho người bệnh nhồi máu cơ tim cấp
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện huyện Cần Giờ (TP.HCM), tiếp nhận bệnh nhân nữ L.T.H. (58 tuổi) nhồi máu cơ tim cấp thành dưới.
Hội chẩn trực tuyến qua Viber điện thoại, các bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (Q.5, TP.HCM) đã hướng dẫn các bác sĩ Bệnh viện huyện Cần Giờ (TP.HCM) cấp cứu cho bệnh nhân. Sau đó, bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện Nguyễn Tri Phương để thông tim can thiệp. Bệnh nhân qua cơn nguy kịch, ổn định sức khỏe.
10. Cứu sống sản phụ đột ngột hôn mê sâu sau mổ bắt
Bệnh viện huyện Bình Chánh (TP.HCM) đã mổ bắt con cho thai phụ T.T.T.T. (35 tuổi) do ối vỡ và chuyển dạ ngừng tiến triển. Cuộc mổ diễn ra bình thường trong vòng 30 phút nhưng sau đó, sản phụ đột ngột hôn mê sâu, ngưng thở. Bệnh viện huyện Bình Chánh đã sơ cấp cứu và “cầu viện” Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM). Các bác sĩ và hộ sinh của Bệnh viện Hùng Vương đã có mặt tại phòng mổ của Bệnh viện huyện Bình Chánh để phối hợp hồi sức tích cực cứu sản phụ thoát cơn nguy kịch.
Bình luận