'4 không' khi sơ cứu người bị đột quỵ

17/01/2020 04:07 GMT+7

Đột quỵ não (còn gọi là tai biến mạch máu não) là tình trạng thiếu máu đột ngột đến một phần não, làm cho các tế bào não thiếu ô xy và chết, gây nên các rối loạn vận động, nhận thức, ngôn ngữ, thị giác.

TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Nội - Hồi sức thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), cho biết sự gián đoạn của quá trình cung cấp máu và ô xy lên não có thể do tắc mạch, huyết khối động mạch não hoặc vỡ mạch máu não. Nguyên nhân gây tai biến mạch máu não có thể do mắc các bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, mỡ máu… nhưng không được kiểm soát tốt. Bên cạnh đó, những thói quen có hại như hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, lười vận động, chế độ ăn nhiều chất béo... cũng là những yếu tố nguy cơ gây nên đột quy.
Bác sĩ Anh Tuấn lưu ý về một số sai lầm cần tránh khi sơ cứu người đột quỵ. Theo đó, có “4 không” như sau: 1/ Không được tự ý điều trị cho người bệnh dù chỉ là bấm huyệt, châm cứu, đánh gió hay chích nặn máu vì những động tác này có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh và làm mất thời gian vàng điều trị. 2/ Không cho người bệnh ăn uống và đề phòng nôn trào ngược, người bệnh hít chất nôn hoặc thức ăn vào đường thở sẽ rất nguy hiểm. 3/ Không tự ý dùng thuốc hạ huyết áp, chỉ dùng thuốc hạ huyết áp khi huyết áp > 220/120 mmHg. 4/ Không dùng thuốc aspirin hay các thuốc chống đông máu, tan máu vì lúc này chưa xác định được người bệnh bị loại đột quỵ não nào, nếu bị xuất huyết não thì dùng các thuốc trên sẽ làm cho người bệnh càng thêm nguy kịch.
Khi người thân có dấu hiệu đột quỵ, cần hỗ trợ để họ không bị té ngã là điều cần làm đầu tiên. Nếu người bệnh còn tỉnh táo thì cần để người bệnh nằm yên và nhanh chóng gọi xe cấp cứu đưa đến bệnh viện có khả năng điều trị đột quỵ gần nhất. Nếu người bệnh hôn mê, cần xem người bệnh thở bình thường, thở nhanh, thở chậm hay ngưng thở. Nếu ngưng thở thì cần hô hấp nhân tạo ngay nhằm kịp thời cung cấp ô xy cho não.

Hỗ trợ sau tai biến

Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho biết tai biến do đột quỵ phụ thuộc vào mức độ nặng của đột quỵ. Khoảng 90% bị liệt vận động (liệt nửa người, liệt tay chân, liệt mặt, liệt các dây thần kinh sọ não, tê bì cảm giác nửa người) sau đột quỵ, gây khó khăn cho sinh hoạt, đi lại hằng ngày. Người bệnh cần phải tập phục hồi chức năng sau tránh cứng khớp, đặc biệt là giúp cho cơ lực khỏe hơn, nhanh hồi phục hơn.
Sau đột quỵ, người bệnh có thể gặp các rối loạn về ngôn ngữ do tổn thương tại vùng não chi phối chức năng ngôn ngữ với biểu hiện như: nói ngọng, nói lắp, âm điệu bị biến đổi, gặp khó khăn khi diễn đạt. Để giúp người bệnh có thể giao tiếp được trở lại bình thường, hãy giúp người bị đột quỵ học lại kỹ năng giao tiếp; duy trì nói những chuyện vui, lời động viên, khích lệ để thôi thúc tinh thần, sẽ nhanh lấy lại sức khỏe.
Suy giảm nhận thức là một trong những biến chứng nặng nề của bệnh đột quỵ não. Người bệnh hay quên, suy giảm trí nhớ, đầu óc lơ mơ không tỉnh táo, mất khả năng định hướng không gian, thời gian, không nhận biết được người thân, gia đình của mình và không hiểu được lời nói của người khác. Ngoài ra, người bệnh sau đột quỵ có thể bị suy giảm hoặc mất khả năng tự chăm sóc bản thân và phải nhờ đến sự chăm sóc của người thân. Các thuốc chống trầm cảm có thể giúp cải thiện triệu chứng.
Ngoài ra, có thể khuyến khích người bệnh tham gia nhóm hoặc câu lạc bộ đột quỵ giúp người bệnh có thể kết bạn và chia sẻ với những người bạn mới có cùng hoàn cảnh với mình.
Nhận diện đột quỵ - FAST
F - Face (mặt): Nạn nhân có bị méo mặt hay miệng?
A - Arms (tay): Nạn nhân có thể nhấc 2 tay ngang vai và giữ trong 10 giây?
S - Speech (nói): Nạn nhân có khó nói chuyện, nói ú ớ, nói không thành lời?
T - Time (thời gian): Nếu có, ngay lập tức gọi 115, đưa nạn nhân đi cấp cứu, nhanh nhất có thể.
Phương An 
(Theo Survival Skills Vietnam)
Các thao tác xử lý khi phát hiện một người có dấu hiệu đột quỵ (theo hướng dẫn của chuyên gia sơ cấp cứu người Úc Tony Coffey, thuộc Tổ chức Survival Skills Vietnam):
1. Gọi xe cấp cứu 115.
2. Nếu người ấy còn tỉnh, để ở tư thế ngồi hoặc thoải mái nhất với họ.
3. Nếu người ấy bất tỉnh, còn thở, đặt nằm nghiêng một bên.
4. Nếu người ấy bất tỉnh, không còn thở, lập tức thao tác CPR ép tim và thổi ngạt.
CPR là phương pháp hồi sức tim - phổi để giúp bơm một lượng máu tới tim và não nhằm kéo dài thời gian sống của nạn nhân trong khi chờ trợ giúp y tế chuyên sâu.
Thực hiện CPR: Quỳ gối bên nạn nhân đang nằm ngửa, đặt lòng một bàn tay vào chính giữa ngực nạn nhân (ngay phía dưới đoạn xương nối giữa 2 lồng ngực) với các ngón tay song song với xương sườn. Đặt bàn tay còn lại lên trên tay kia, và dùng phần thân trên tạo lực ép thẳng xuống qua 2 bàn tay, với 30 lực ép lên ngực (nhịp độ 2 lực ép/giây). Tiếp theo là 2 lần thổi ngạt: đẩy nhẹ cổ nạn nhân ngửa ra sau để mở miệng/mũi ra, thổi 2 hơi vào miệng/mũi không kéo dài quá 2 giây, thấy lồng ngực nạn nhân phồng nhẹ là đúng cách. Sau đó tiếp tục 30 lần ép tim và theo chu trình 30 - 2 như vậy.
Người thực hiện thường rất mệt sau 2 - 5 phút làm CPR, vì vậy cần gọi người giúp sức để đảm bảo CPR được duy trì liên tục cho nạn nhân, cho đến khi có sự can thiệp của y tế chuyên sâu hoặc khi nạn nhân thở lại được.
Phương An (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.