Cách điều trị bọng mỡ quanh mắt

Thiên Lan
Thiên Lan
07/11/2018 08:27 GMT+7

Chất béo tự nhiên, bao gồm cholesterol, có thể tạo thành các bọng mỡ xung quanh mí mắt, gọi là xanthelasmata.

Mặc dù bọng mỡ thường vô hại, tuy nhiên đôi khi chúng là triệu chứng của tình trạng bệnh lý nghiêm trọng, như rối loạn lipid máu, suy giáp, bệnh thận, bệnh gan hoặc tiểu đường.
Cùng xem xét các triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị tình trạng bị bọng mỡ trên mắt, theo Medicalnewstoday.
Triệu chứng
Xanthelasmata có thể chỉ ra tình trạng cholesterol cao. Bọng mỡ là các khối bọng mềm, phẳng, màu vàng nhạt. Chúng có xu hướng xuất hiện trên mí mắt trên và dưới, gần góc trong của mắt, và thường phát triển đối xứng xung quanh cả hai mắt.
Những bọng mỡ này có thể có cùng kích thước hoặc phát triển rất chậm theo thời gian. Đôi khi các bọng mỡ này liên kết với nhau để tạo thành bọng mỡ lớn hơn.
Xanthelasmata thường không đau hoặc ngứa. Chúng hiếm khi ảnh hưởng đến chuyển động của mắt hoặc mí mắt nhưng đôi khi làm cho mí mắt bị sụp xuống, làm mất thẩm mỹ, theo Medicalnewstoday.
Nguyên nhân
Cholesterol có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng có xu hướng phát triển nhiều hơn ở tuổi trung niên. Phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới. Cộng đồng y tế chưa biết chắc về nguyên nhân chính xác của các bọng mỡ này.
Tuy nhiên, xanthelasma có liên quan đến mức lipid bất thường trong máu, được gọi là rối loạn lipid máu.
Rối loạn lipid máu làm tăng nguy cơ cholesterol tích tụ trên thành động mạch. Sự tích tụ này có thể hạn chế lưu lượng máu đến tim, não và các khu vực khác của cơ thể. Nó cũng làm tăng nguy cơ đau thắt ngực, đau tim, đột quỵ và bệnh động mạch ngoại vi. Rối loạn lipid máu có liên quan đến các rối loạn mang yếu tố di truyền, theo Medicalnewstoday.
Một người có một trong các rối loạn mang yếu tố di truyền, có thể có mức lipid cao bất thường mặc dù có sức khỏe tốt. Yếu tố di truyền là nguyên nhân chính của rối loạn lipid máu.
Nguyên nhân thứ cấp của rối loạn lipid máu có thể bao gồm các yếu tố liên quan đến lối sống, như: Chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa và cholesterol; Thừa cân hoặc béo phì; Không tập thể dục hoặc hoạt động thể chất; Uống rượu quá mức; Hút thuốc lá.
Các yếu tố nguy cơ khác cho rối loạn lipid máu bao gồm: Bệnh tiểu đường, bệnh thận mạn tính, suy giáp, huyết áp cao, x gan mật nguyên phát và một số chứng rối loạn gan khác, tiền sử gia đình đột quỵ hoặc bệnh tim; một số loại thuốc, bao gồm thuốc chẹn bêta, thuốc tránh thai đường uống, retinoid và steroid đồng hóa...
Một nghiên cứu cho thấy bọng mỡ trên mí mắt có liên quan với tăng nguy cơ đau tim và bệnh tim, ngay cả ở những người có mức lipid bình thường, theo Medicalnewstoday.
Chẩn đoán
Người bị bọng mỡ nên đi bác sĩ để kiểm tra mức độ lipid trong cơ thể.
Xanthelasmata thường dễ nhận thấy bằng mắt thường. Nếu bác sĩ không chắc chắn, có thể gửi mẫu đi phân tích.
Bác sĩ cũng có thể xét nghiệm bệnh tiểu đường và chức năng gan, nguy cơ tim mạch cho người bị bọng mỡ.
Điều trị
Tập thể dục thường xuyên có thể giúp giảm mức cholesterol LDL và chất béo trung tính.
Bọng mỡ quanh mắt có thể được phẫu thuật cắt bỏ vì lý do thẩm mỹ.
Bọng mỡ rất có khả năng tái phát sau khi loại bỏ, đặc biệt là ở những người có cholesterol cao.
Bình thường hóa mức lipid hầu như không ảnh hưởng đến bọng mỡ. Tuy nhiên, điều trị rối loạn lipid máu là điều cần thiết, bởi vì nó có thể làm giảm nguy cơ các vấn đề về tim mạch. Việc điều trị cũng giúp ngăn ngừa các bọng mỡ khác tiếp tục xuất hiện và phát triển.
Bác sĩ thường điều trị rối loạn lipid máu bằng cách khuyến nghị lối sống và thay đổi chế độ ăn uống. Bác sĩ hoặc chuyên viên dinh dưỡng có thể đề nghị một chương trình điều trị phù hợp với từng trường hợp cụ thể, theo Medicalnewstoday.
Các đề xuất có thể bao gồm:
Giảm cân
Thừa cân hoặc béo phì có thể làm tăng mức cholesterol LDL và chất béo trung tính. Các phương pháp giảm cân lành mạnh có thể áp dụng cho người thừa cân, mắc chứng rối loạn lipid máu.
Ăn uống lành mạnh
Người bị rối loạn lipid máu nên ăn một chế độ ăn uống cân bằng ít chất béo. Nên ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt. Những thực phẩm này ít chất béo và không chứa cholesterol.
Thực phẩm cần tránh bao gồm: Sữa nguyên kem; bơ, pho mát và kem; thịt mỡ và mỡ heo; bánh ngọt và bánh quy.
Nên tiêu thụ chất béo trong cá, hạt, dầu thực vật.
Thực phẩm giàu chất xơ hòa tan cũng có thể giúp giảm cholesterol. Bao gồm: Các loại đậu, yến mạch và lúa mạch, gạo nguyên cám hay gạo lứt, trái cây họ cam quýt.
Tập thể dục thường xuyên
Hoạt động thể chất thường xuyên cũng rất cần thiết trong điều trị rối loạn lipid máu. Các hoạt động như đi bộ nhanh, đi xe đạp, bơi lội và chạy bộ cũng có thể cải thiện sức khỏe tim mạch và giúp duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh, theo Medicalnewstoday.
Giảm uống rượu
Uống quá nhiều rượu có thể làm tăng cholesterol và chất béo trung tính.
Bỏ hút thuốc
Các sản phẩm thuốc lá có thể làm tăng cholesterol LDL và ức chế những tác động tích cực của cholesterol HDL. Dùng thuốc hạ lipid
Bác sĩ cũng có thể kê toa thuốc hạ lipid máu, chẳng hạn như statin, ezetimibe hoặc niacin.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.