Cảnh báo: Người ngoài 30 tuổi cũng cấp cứu do nhồi máu cơ tim

29/04/2021 09:27 GMT+7

Trước đây bệnh thường gặp ở người trên 60, nhưng hiện nay nhiều trường hợp nhập viện cấp cứu do nhồi máu cơ tim ở độ tuổi rất trẻ, chỉ ngoài 30.

Th.S-BS Vũ Hoàng Vũ, Trưởng khoa Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD TP.HCM), cho biết nhồi máu cơ tim là một cấp cứu khẩn trong y khoa, tình trạng tắc nghẽn đột ngột động mạch nuôi tim (còn gọi là động mạch vành) gây thiếu máu nuôi tim, tổn thương tế bào cơ tim gây suy tim, rối loạn nhịp tim, đột tử...
Đây là một bệnh lý rất nguy hiểm, nếu không cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong lên tới 50%. Đáng lo ngại hơn, bệnh đang có xu hướng trẻ hóa do lối sống sinh hoạt thiếu lành mạnh, không kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ.
Bên cạnh đó, nhiều người chưa nhận biết các dấu hiệu của cơn nhồi máu cơ tim dẫn đến việc bỏ lỡ “thời gian vàng” trong điều trị, tăng nguy cơ gây ra biến chứng nghiêm trọng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Trẻ hóa người bệnh nhồi máu cơ tim

BV ĐHYD TP.HCM gần đây tiếp nhận điều trị cho anh Hoàng Minh N. (35 tuổi, ngụ tại TP.HCM) nhập viện trong tình trạng đau thắt ngực, khó thở, vã mồ hôi. Sau khi thực hiện điện tâm đồ và men tim, các bác sĩ chẩn đoán anh N. bị nhồi máu cơ tim cấp, kết quả chụp mạch vành cho thấy một nhánh lớn đã bị tắc. Các bác sĩ nhanh chóng tiến hành đặt stent động mạch vành. Đây là kỹ thuật tiên tiến, can thiệp mạch để tái tưới máu cho vùng cơ tim bị tổn thương. Vì được can thiệp kịp thời, sức khỏe người bệnh hồi phục tốt, tránh được các biến chứng nguy hiểm.
Anh N. cho biết anh không có tiền sử bệnh tim mạch nhưng đang theo dõi điều trị đái tháo đường loại 2. Khoảng 3 tháng trở lại đây, anh thường xuyên bị căng thẳng trong công việc, ít tập thể dục, ăn uống thất thường. Thỉnh thoảng anh N. có cảm giác đau nặng ngực, khó thở nhưng chủ quan không đi khám và cũng không nghĩ mình có thể bị nhồi máu cơ tim.
ThS.BS Vũ Hoàng Vũ cho biết nhồi máu cơ tim đa phần do xơ vữa động mạch nuôi tim. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như: co thắt động mạch vành, chấn thương tim, bệnh cơ tim do stress.
Các yếu tố nguy cơ của nhồi máu cơ tim bao gồm: hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu, tiền sử gia đình có người bị bệnh tim mạch. Một số yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim như giới tính nam, người cao tuổi, thừa cân, béo phì, lối sống ít vận động… Càng có đồng thời nhiều yếu tố kể trên thì khả năng bị nhồi máu cơ tim càng cao. Ở người trẻ, lối sống sinh hoạt thiếu lành mạnh, áp lực công việc, chủ quan trong việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ cũng làm gia tăng tình trạng nhồi máu cơ tim.

Cần điều trị trong thời gian vàng và ngăn ngừa nguy cơ tái phát

Theo Th.S-BS Vũ Hoàng Vũ, triệu chứng điển hình nhất của nhồi máu cơ tim là đau nặng ngực: đau giữa ngực, sau xương ức hoặc hơi lệch trái, cảm giác nặng, bóp nghẹt, siết chặt, đè, có khi lan ra tay trái, lên cằm xuống bụng vùng trên rốn. Thời gian đau ngực thường trong khoảng 20 - 30 phút hoặc dài hơn. Người bệnh có thể kèm vã mồ hôi, khó thở và bất tỉnh. Cũng có người bệnh không đau ngực mà đau bụng vùng trên rốn, đau sau lưng. Các dấu hiệu và triệu chứng của nhồi máu cơ tim có thể thay đổi tùy theo tuổi, giới tính, vùng mạch máu bị tổn thương và những bệnh lý khác đi kèm.

Th.S-BS Vũ Hoàng Vũ khám cho người bệnh

N.P

Người bị nhồi máu cơ tim cần được tái lưu thông mạch máu nuôi tim càng sớm càng tốt nhằm hạn chế tế bào cơ tim bị tổn thương và hoại tử. Thời gian gian vàng là 48 giờ đầu tiên, nhất là 12 giờ đầu. Chính vì vậy, ngay có dấu hiệu nêu trên, người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.
Th.S-BS Vũ Hoàng Vũ khuyến cáo, tỉ lệ tái phát nhồi máu cơ tim trong khoảng từ 10-14%, đặc biệt ở người có nhiều yếu tố nguy cơ, người lớn tuổi có nhiều bệnh lý đi kèm và người đã bị nhồi máu cơ tim nhưng bỏ thuốc, không tuân thủ điều trị. Do đó để phòng ngừa tái phát nhồi máu cơ tim, người bệnh nên tuân thủ việc sử dụng thuốc và chế độ ăn uống, sinh hoạt và tập luyện theo chỉ định của bác sĩ. Mặt khác, người chưa bị nhồi máu cơ tim nhưng có yếu tố nguy cơ nên chủ động tầm soát, thăm khám chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán, phòng ngừa biến chứng có thể xảy ra.
Nhằm nâng cao kiến thức của cộng đồng về bệnh nhồi máu cơ tim, Trung tâm Truyền thông BV ĐHYD TP.HCM phối hợp với Công ty TNHH Sanofi Aventis Việt Nam thực hiện chương trình tư vấn “Hỏi để khỏe hơn” với chủ đề “Hiểu về nhồi máu cơ tim”, theo dõi tại kênh Youtube Bệnh viện: https://bit.ly/hieuvenhoimaucotim.
Chương trình cung cấp các thông tin về dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân, phương pháp chẩn đoán nhồi máu cơ tim. Bên cạnh đó, chuyên gia cũng chỉ ra một số lưu ý trong quá trình theo dõi, điều trị và chế độ ăn uống, sinh hoạt cho người bệnh nhồi máu cơ tim để phòng ngừa nguy cơ tái phát.
Khoa Tim mạch can thiệp, BV ĐHYD TP.HCM là một chuyên khoa mũi nhọn thuộc Trung tâm Tim mạch, BV ĐHYD TP.HCM. Trung tâm được thành lập từ năm 2012, trên nền tảng kết hợp chặt chẽ giữa các bác sĩ thuộc nhiều lĩnh vực tim mạch trong Bệnh viện. Trung tâm Tim mạch có các nhóm hoạt động chính là Nội tim mạch, Phẫu thuật tim mạch, Can thiệp tim mạch, Nhịp tim học, Hình ảnh học tim mạch luôn phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng. Đây là nơi chẩn đoán, điều trị, giảng dạy và nghiên cứu khoa học về tim mạch mang tầm quốc tế, thực hành chuẩn mực với những kiến thức chuyên sâu trong tầm soát, phát hiện sớm và điều trị hiệu quả các bệnh lý tim mạch.

Với lĩnh vực tim mạch học can thiệp, Trung tâm tiên phong sử dụng hình ảnh học trong can thiệp mạch, quy tụ các chuyên gia đầu ngành, được trang bị hệ thống trang thiết bị hiện đại với các kỹ thuật tiên tiến như: siêu âm nội động mạch vành, khoan cắt mảng xơ vữa động mạch vành, thay van động mạch chủ qua da, clip van hai lá, đặt stent graft cho bệnh động mạch chủ… Riêng với bệnh lý nhồi máu cơ tim cấp, đa số các trường hợp người bệnh chuyển đến được can thiệp kịp thời, tái lưu thông mạch máu nuôi tim trong thời gian vàng bằng kỹ thuật hiện đại như đặt stent graft động mạch vành hoặc thuốc tiêu huyết khối, giúp hạn chế tối đa tế bào cơ tim bị tổn thương và hoại tử.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.