Cà rốt có thể chế biến theo rất nhiều cách, từ ăn sống, cắt nhỏ cho vào món rau salad, luộc chín, xay nhuyễn, ép thành nước, hầm hay nấu súp. Tuy nhiên, mọi người không nên chỉ ưu tiên ăn cà rốt mà cần ăn kết hợp với nhiều loại rau củ khác nhau, theo The Healthsite.
Cà rốt là nguồn cung cấp dồi dào beta-carotene, tiền chất của vitamin A. Khi vào cơ thể, enzyme beta-carotene oxygenase 1 (BCO1) sẽ chuyển hóa beta-carotene thành vitamin A rất tốt cho mắt. Beta-carotene cũng là chất tạo ra màu cam đặc trưng cho cà rốt.
Các nghiên cứu trên người và chuột cho thấy quá trình chuyển hóa beta-carotene thành vitamin A sẽ giúp giảm nồng độ cholesterol xấu trong máu.
Do đó, beta-carotene có thể giúp ngăn ngừa hình thành các mảng xơ vữa do tích tụ cholesterol trên thành mạch máu. Bệnh tim do xơ vữa động mạch là một trong những nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất thế giới.
Một người có thể có nhiều hay ít enzyme BCO1 để chuyển hóa beta-carotene. Điều này là do cấu trúc di truyền. Với những người có ít enzyme BCO1 thì bên cạnh cà rốt, họ có thể cần thêm một số nguồn cung cấp vitamin A khác trong chế độ ăn uống hằng ngày.
Trên thực tế, các bằng chứng khoa học cho thấy cà rốt là một trong những thực phẩm giúp chống lại bệnh tim tốt nhất. Khoảng 25 gram cà rốt, tương đương nửa củ mỗi ngày, có thể giảm 32% nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành.
Một trong những cách chế biến cà rốt dễ làm và phổ biến nhất là nước ép cà rốt. Nước ép cà rốt rất bổ dưỡng, không chỉ giàu tiền chất vitamin A, kali mà còn cả vitamin C. Do đó, nước ép cà rốt có thể cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm huyết áp và tăng cường khả năng miễn dịch, theo The Healthsite.
Bình luận (0)