Điều gì xảy ra với cơ thể khi bạn ngủ trưa?

Thiên Lan
Thiên Lan
26/12/2018 14:31 GMT+7

Những bộ óc sáng giá nhất trong lịch sử, như Albert Einstein và Thomas Edison, là những người nổi tiếng với giấc ngủ trưa.

Và bây giờ, một bộ môn mới của nghiên cứu khoa học đang cho thấy những lợi ích của việc ngủ trưa, và cách một giấc ngủ trưa có thể tái tạo cơ thể và tâm trí.
Khi bạn bắt đầu rơi vào tình trạng buồn ngủ rũ rượi vào giữa ngày, điều này sẽ phá hủy sự tập trung và tỉnh táo, tiến sĩ Carl Bazil (Đại học Columbia, Mỹ) cho biết.
Một giấc ngủ ngắn buổi trưa sẽ giúp bạn cảm thấy được phục hồi, tỉnh táo và chú ý hơn. Theo Tổ chức National Sleep của Mỹ, một nghiên cứu của NASA về các phi công quân sự và phi hành gia đã phát hiện ra rằng một giấc ngủ ngắn 40 phút đã cải thiện hiệu suất 34% và cải thiện sự tỉnh táo bằng một con số khổng lồ 100%, theo Reader’s Digest.

Ngủ trưa giúp ghi nhớ

Cùng với sự tăng cường chức năng thần kinh, giấc ngủ trưa giúp tăng cường khả năng lưu giữ thông tin đã học. Elizabeth Napevitt, một nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm về giấc ngủ và nhận thức tại Đại học California (Mỹ), cho biết: Trong khi ngủ, các vùng não liên quan đến việc thu thập thông tin vào bộ nhớ có thể được kích hoạt lại.
Một nghiên cứu của Đức cho thấy các đối tượng có khả năng nhớ lại các cặp từ ngẫu nhiên mà họ đã học được gấp 5 lần nếu họ ngủ trưa.

Ngủ trưa cải thiện sức khỏe tim

Giấc ngủ không chỉ tốt cho não, nó còn giúp ích cho trái tim nữa. Giấc ngủ được gọi là kỳ nghỉ của tim mạch vì trong khi ngủ sâu kể cả ngủ trưa, có một sự nghỉ ngơi tổng thể về hoạt động tim mạch, ông McDevitt (Đại học California, Mỹ) nói. Thay vào đó, hệ thống giao cảm, gồm phản ứng nghỉ ngơi và tiêu hóa, chiếm lĩnh.
Một nghiên cứu trên nam giới ở Hy Lạp cho thấy những người thường xuyên ngủ trưa có nguy cơ tử vong vì bệnh tim thấp hơn 37%. Thiếu ngủ cũng có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim, do đó giấc ngủ trưa vô cùng có lợi, theo Reader’s Digest.

Ngủ trưa giúp giảm căng thẳng

Buồn ngủ cũng có liên quan đến tăng huyết áp và mức độ hoóc môn căng thẳng cao hơn, do đó dùng giấc ngủ trưa để giảm căng thẳng là rất tốt cho cơ thể.
Một nghiên cứu khác từ Hy Lạp cho thấy những người ngủ trưa có huyết áp thấp hơn so với những người không ngủ. Giấc ngủ trưa làm giảm lượng hoóc môn căng thẳng trong cơ thể, giảm căng thẳng và giảm nguy cơ mắc bệnh tim, ông Richard Shane, tiến sĩ, chuyên gia về giấc ngủ ở New West Physicians, Mỹ, cho biết.

Ngủ trưa giúp giảm cân

Xuất phát từ nhịp sinh học tự nhiên, vào thời điểm xế chiều, bạn sẽ cảm thấy buồn ngủ, mệt mỏi và muốn nạp năng lượng. Nhưng nếu ngủ trưa, bạn có thể giúp loại bỏ cảm giác thèm ăn dẫn đến tiêu thụ thực phẩm không lành mạnh, và do đó, giúp giảm cân.
Theo ông McDevitt, có một số bằng chứng cho thấy việc ngủ trưa tác động đến hai loại hoóc môn chuyển hóa có tác dụng điều chỉnh cơn đói và sự thèm ăn. Từ quan điểm này, ngủ trưa là một lựa chọn lành mạnh hơn để chống lại cơn buồn ngủ và thèm ăn vặt.

Ngủ trưa giúp cải thiện tâm trạng

Khi có một giấc ngủ kém, sẽ tạo ra sự mất cân bằng nội tiết tố thần kinh, gây cảm giác mệt mỏi và khó chịu. Ngủ trưa giúp khôi phục hệ thống thần kinh trở lại mức bình. Nhưng để không bị khó chịu khi thức dậy, hãy thử một giấc ngủ ngắn chỉ từ 20 - 30 phút, Trường Y khoa Harvard đề nghị, theo Reader’s Digest.

Ngủ trưa làm tăng cường hệ miễn dịch

Một lợi ích khác của ngủ trưa là giúp cơ thể tránh khỏi vi trùng xâm nhập. Mất ngủ làm suy yếu chức năng miễn dịch và ngủ trưa có thể giúp khôi phục chức năng miễn dịch sau khi thiếu ngủ.
Một nghiên cứu cho thấy số lượng bạch cầu bị tăng sau một đêm thiếu ngủ, được phục hồi sau một đêm ngủ đủ 8 tiếng kèm theo một giấc ngủ trưa. Chỉ có giấc ngủ ban đêm, nhưng không ngủ trưa thì không cho thấy hiệu ứng này. Giấc ngủ trưa còn giúp tái tạo da và mô, giúp trẻ hơn, theo Reader’s Digest.

Ngủ trưa cải thiện hiệu suất tập luyện

Ngủ trưa có thể giúp tăng cường khả năng tập luyện hoặc các kỹ năng vận động tinh tế như chơi piano. Hệ thống vận động có thể trở nên mệt mỏi do sử dụng quá mức, dẫn đến hiệu suất chậm hơn hoặc kém chính xác hơn. Ngủ trưa có thể giúp giảm bớt sự mệt mỏi, giúp khôi phục tốc độ và độ chính xác.

Nên ngủ trước hay sau khi vận động?

Hóa ra, cả hai đều có lợi. Nồng độ hoóc môn tăng trưởng tăng đột biến trong khi ngủ, cho thấy đây là thời cơ thích hợp để cơ bắp và mô liên kết tự tái tạo. Vì vậy, một giấc ngủ ngắn sau khi tập luyện thể chất có thể giúp bắt đầu quá trình tái tạo cơ bắp.

Ngủ trưa tăng cường sự nhạy bén

Khi cần ngủ, các giác quan cảm thấy mệt mỏi, nhưng một giấc ngủ trưa có thể giúp chúng nghỉ ngơi. Điều này có thể đặc biệt hữu ích cho các kỹ năng nhận thức, như bác sĩ X-quang phát hiện khối u trong hình ảnh, hoặc như một nhạc sĩ có thể phân biệt giữa các âm thanh tương tự nhau.

Ngủ trưa tăng cường sự sáng tạo

Ngủ trưa không chỉ tăng hiệu suất mà còn có thể thúc đẩy sự sáng tạo.
Trong khi ngủ, đặc biệt là ngủ trưa, bộ não được khởi động lại và được dọn đi những thứ lộn xộn. Điều này có thể giúp giải thích tại sao khi ngủ, dù chỉ vài phút, bạn đột nhiên có giải pháp và ý tưởng mới.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy bán cầu não phải, liên quan đến sự sáng tạo, đã hoạt động trong những giấc ngủ trưa. Tiến sĩ Shane nói rằng những giấc ngủ trưa dài hơn, cho phép cơ thể bước vào giai đoạn của giấc ngủ khi não hoạt động tích cực và xuất hiện giấc mơ, đã giúp thực hiện các bài kiểm tra giải quyết vấn đề sáng tạo, theo Reader’s Digest.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.