Dưới 40 tuổi cũng có thể mắc bệnh Parkinson

27/09/2019 04:35 GMT+7

Parkinson là một trong những bệnh thoái hóa hệ thần kinh tiến triển thường gặp ở người lớn tuổi nhưng cũng có đến 10% trường hợp người bệnh khởi phát dưới tuổi 40.

Ngỡ ngàng phát hiện bệnh khi chưa được 40 tuổi

Chị N.T.K.O (39 tuổi, ngụ tại Đồng Nai) cách đây 2 năm bị run tay phải, cử động chậm chạp và mất khả năng ngửi mùi. Chị khám bệnh tại địa phương thì được chẩn đoán bị Parkinson. Ngỡ ngàng! Chị không tin vì thấy mình còn trẻ và gia đình, thậm chí những người già, cũng không có ai bị bệnh này. Chị được chỉ định điều trị bằng thuốc levodopa. Sau 1 năm, chị O. xuất hiện biến chứng vận động do sử dụng thuốc, bị loạn động và dao động vận động.
Sau đó, chị được chuyển đến Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (BV ĐHYD TP.HCM) để đánh giá và điều chỉnh lại thuốc điều trị thì tình trạng tiến triển ổn định.
Theo tiến sĩ - bác sĩ Trần Ngọc Tài, Phó trưởng Khoa Thần kinh, Trưởng Đơn vị rối loạn vận động, BV ĐHYD TP.HCM: Bệnh Parkinson là một trong những bệnh thoái hóa hệ thần kinh tiến triển thường gặp ở người lớn tuổi nhưng cũng có đến 10% trường hợp người bệnh khởi phát dưới tuổi 40.
Không ít người dưới 40 tuổi chủ quan, không nghĩ mình có thể mắc bệnh này nên ngỡ ngàng khi được chẩn đoán bệnh.
“Nếu không được chẩn đoán và điều trị phù hợp, sau 5-7 năm người bệnh sẽ có nguy cơ bị tàn phế”, bác sĩ Tài đánh giá.
Theo nghiên cứu mới nhất năm 2019, đăng trên tạp chí Lancet Neurology, trên thế giới có khoảng 6,1 triệu người mắc bệnh Parkinson. Thống kê tại Việt Nam cho thấy hiện có khoảng 85.000 người mắc bệnh này.
Tại BV ĐHYD TP.HCM, Khoa Thần kinh ghi nhận số lượng bệnh nhân Parkinson đến khám và điều trị có xung hướng tăng nhanh, từ tháng 9.2018 đến nay, có tới gần 2.700 trường hợp người bệnh đang được theo dõi và điều trị trên tổng số 8.000 lượt người bệnh đến khám.

Dấu hiệu bệnh Parkinson

Bác sĩ Tài cho biết: Có thể nhận biết sớm bệnh Parkinson thông qua các triệu chứng chính là: run khi nghỉ, đơ cứng, cử động chậm, rối loạn dáng đi và mất ổn định tư thế.
Ngoài ra, người bệnh còn có các triệu chứng như viết chữ khó khăn, nhỏ dần; giọng nói thay đổi; thường xuyên bị táo bón, chảy nước dãi; tiểu gấp; giảm ham muốn tình dục, mất ngủ…
Diễn tiến bệnh ngày càng nặng dần với các dấu hiệu thường gặp là run lúc nghỉ, chậm cử động và đơ cứng, gây khó khăn cho các hoạt động sống hằng ngày, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Ngoài ra, người bệnh còn xuất hiện các biến chứng do điều trị thuốc levodopa.
“Người bệnh Parkinson ở giai đoạn nặng có thể gặp phải một số biến chứng như: sa sút trí tuệ, sụt cân, suy kiệt, nhiễm trùng phổi, đường tiểu; hay té ngã gây chấn thương, gãy xương, đặc biệt cổ xương đùi ở người lớn tuổi”, bác sĩ Tài cho biết thêm.
Bác sĩ Tài khuyến cáo, ngay khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh Parkinson, người dân nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
“Người bệnh Parkinson khi biết mình bị bệnh mạn tính, tiến triển và không chữa khỏi thì hay có cảm giác lo lắng, sợ hãi, bi quan”, bác sĩ Tài nhận định.
Bác sĩ khuyên người bệnh Parkinson nên giữ tinh thần lạc quan, tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ cũng như duy trì chế độ dinh dưỡng và tập luyện phù hợp.
“Mặc dù, cho đến nay, y khoa vẫn chưa có phương pháp có thể chữa lành cũng như làm chậm tiến triển của bệnh Parkinson. Tuy nhiên, có nhiều phương pháp hiệu quả trong việc cải thiện triệu chứng của bệnh, giúp người bệnh có chất lượng sống tốt hơn. Khi được theo dõi vào điều trị tốt, nhiều người bệnh Parkinson vẫn có triệu chứng rất nhẹ và có thể tiếp tục làm công việc hiện tại của mình trong nhiều năm”, bác sĩ Tài cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.