Hai sản phụ tử vong, 1 nguy kịch trong vòng một tháng, nghi do thuốc gây tê

An Dy
An Dy
20/11/2019 14:18 GMT+7

Ngày 20.11, Sở Y tế Đà Nẵng tổ chức họp báo thông tin về sự cố sản khoa hàng loạt tại Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng trong vòng một tháng qua.

Cụ thể, từ ngày 22.10 đến 17.11, cả 3 sản phụ đến sinh tại Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng đều biến chứng rất nhanh sau khi được gây tê, dù trước đó biểu hiện của họ hoàn toàn bình thường. Hai trong số đó đã tử vong và một người nguy kịch.

Hai sản phụ tử vong trong vòng một tháng sau khi tiêm thuốc gây tê

Đều có dấu hiệu chung sau gây tê

Sản phụ đầu tiên là L.H.P.T (32 tuổi, Q.Hải Châu, Đà Nẵng) nhập viện ngày 22.10 để sinh với thai con so, đủ tháng. Đến 16 giờ 30 phút cùng ngày, sau khi được gây tê cột sống để tiến hành phẫu thuật lấy thai thì sản phụ đột ngột lên cơn tím tái, khó thở, suy hô hấp rất nhanh và ngưng tim. Sau 60 phút hồi sức tích cực nhưng không hiệu quả, sản phụ được chuyển cấp cứu sang Bệnh viện Đà Nẵng (lúc 17 giờ 45 phút) để cấp cứu cả mẹ lẫn con. Tuy nhiên, sản phụ đã trụy tim, suy hô hấp và tử vong ngay sau đó. Ở thời điểm này, Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng kết luận sản phụ biến chứng sản khoa do sốc phản vệ.
Khoảng 8 giờ ngày 17.11, một sản phụ khác là V.T.N.S (33 tuổi, trú Q.Cẩm Lệ, Đà Nẵng), mang thai 38 tuần 3 ngày cũng được nhập viện Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng để sinh mổ trong trạng thái chuyển dạ, thai to, đa ối. Đến 11 giờ 20 phút cùng ngày, các bác sĩ tiến hành gây tê tủy sống, mổ lấy thai nhi. Tuy nhiên, tới cuối ca mổ, bệnh nhân có biểu hiện duỗi thẳng 2 chi dưới từng cơn, mạch tăng nhanh. Bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, bệnh nhân tử vong.
Cùng ngày, sản phụ N.T.H (33 tuổi, trú Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng), mang thai 37 tuần 1 ngày, cũng nhập viện Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng lúc 10 giờ 50 phút trong tình trạng chuyển dạ vết mổ cũ. Đến 15 giờ 5 cùng ngày, sản phụ được đưa vào phòng mổ. Sau khi gây tê tủy sống, bệnh nhân có các triệu chứng giống sản phụ S. trước đó như tê, đau vùng mông, khó chịu, bứt rứt nên các bác sĩ đã chuyển sang Bệnh viện Đà Nẵng. Tại đây, sau khi mổ lấy cháu bé ra ngoài, sản phụ H. được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực - chống độc trong tình trạng nguy kịch.
Bác sĩ Nguyễn Út, Phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết sau 3 ngày được Bệnh viện Đà Nẵng huy động tối đa nhân lực, kỹ thuật để điều trị, sản phụ H. đã có những chỉ số sinh tồn khá tốt, tuy nhiên vẫn nằm trong ngưỡng có nguy cơ cao.
Đáng chú ý, thạc sĩ bác sĩ Võ Xuân Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng cho biết sau khi xảy ra sự cố với ca thứ 2, đến ca thứ 3 sau đó vài tiếng, bệnh viện đã chủ động cảnh giác khoanh vùng biến chứng nên ngay sau khi gây tê chừng 2 phút, thấy biểu hiện tương tự với ca ngay trước đó nên đã ngay lập tức báo động đỏ cấp cứu liên viện. Cũng ngay sau đó, hội chẩn viện kết nối cả 3 hồ sơ và phát hiện biểu hiện lâm sàng của cả 3 sản phụ đều giống nhau và đều diễn ra ngay sau khi gây tê.

Biên bản niêm phong thuốc

Ảnh: An Dy

Nghi vấn thuốc tê trong cùng một lô

Bác sĩ Nguyễn Út cho biết ngay sau khi nhận thông tin vào tối 17.11, Sở Y tế đã thành lập đoàn kiểm tra, giám sát, có mời các chuyên gia gây mê Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, Trung tâm Kiểm nghiệm, cùng các phòng chức năng của Sở đến Bệnh viện Phụ nữ làm việc.
Theo bác sĩ Út, qua kiểm tra, việc tiếp nhận, khám và mổ cho sản phụ đều đúng quy trình, quy định của ngành y tế. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế tại Đà Nẵng tập trung nghi vấn đối với loại thuốc gây tê nên đã lập tức niêm phong, lấy mẫu gửi ra Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, dự kiến cho kết quả trong 7-10 ngày tới. “Chúng tôi đã niêm phong toàn bộ lô thuốc tê, thuốc mê, tạm ngưng hoạt động phẫu thuật tại Bệnh viện Phụ nữ và đình chỉ thuốc gây tê có chung số lô với số thuốc này ở các cơ sở y tế tại Đà Nẵng để tiếp tục điều tra làm rõ”, bác sĩ Út cho biết.
Theo báo cáo nhanh từ bác sĩ Võ Xuân Phúc, số thuốc gây tê sử dụng cho cả 3 bệnh nhân đều cùng chung một lô, được nhập từ ngày 22.10.2019, đều từ Ba Lan, hạn dùng đến tháng 6.2021. Lô thuốc này do Công ty CP Dược phẩm trung ương 1, chi nhánh Đà Nẵng cung ứng. Đó là thuốc Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy, số lô 01 DB0619, với 250 ống, đã dùng hết 130 ống, còn lại 120 ống (đã được niêm phong). Số 130 ống đã sử dụng không có dấu hiệu gây sốc phản vệ.
Dược sĩ CK2 Ngô Minh Tuấn, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược (Sở Y tế Đà Nẵng) cũng nêu nghi vấn về thông tin số lô thuốc này đang được sử dụng ở nhiều bệnh viện khu vực phía Nam, trong đó có các bệnh viện vừa có sản phụ tử vong. “Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Đà Nẵng vẫn chưa nhận được thông tin, chưa có công văn hay đình chỉ, hoặc cảnh báo gì về loại thuốc này từ Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế”, ông Tuấn nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.