Hỏi nhanh về Covid-19: Vì sao test nhanh dương tính nhưng xét nghiệm PCR lại âm tính?

Đình Tuyển
Đình Tuyển
23/08/2021 04:22 GMT+7

Anh tôi làm xét nghiệm test nhanh cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 nhưng kết quả PCR sau đó lại âm tính. Tại sao có sự sai lệch này? Như vậy xét nghiệm nào chính xác hơn?

- ThS.BS Nguyễn Thị Minh Thy, Trưởng khoa Huyết học - Truyền máu, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, đã có những giải đáp cho thắc mắc trên, tại sao có sự sai lệch giữa 2 kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2

ThS.BS Nguyễn Thị Minh Thy, Trưởng khoa Huyết học - Truyền máu, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ

ẢNH: ĐÌNH TUYỂN 

Theo BS Thy, hiện nay có 2 loại xét nghiệm nhanh (test nhanh) là xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên SARS-CoV-2 và xét nghiệm nhanh tìm kháng thể SARS-CoV-2.
Trường hợp thứ nhất, nếu kết quả xét nghiệm nhanh tìm kháng thể SARS-CoV-2 dương tính mà PCR là âm tính thì có nghĩa là người xét nghiệm đã có tiêm ngừa hoặc từng bị nhiễm SARS-CoV-2 và bây giờ hết nhiễm, cơ thể có miễn dịch (sinh kháng thể) chống lại SARS-CoV-2.
Trường hợp thứ hai, nếu kết quả xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên SARS-CoV-2 dương tính (nghĩa là có sự hiện diện vật liệu di truyền ARN của virus trong mẫu mũi họng) nhưng kết quả PCR lại là âm tính (nghĩa là không có sự hiện diện vật liệu di truyền ARN của virus trong mẫu mũi họng) thì cần phải kết hợp với các yếu tố lâm sàng, dịch tễ, xem xét các khía cạnh sau để trả lời tại sao có sự sai lệch giữa 2 kết quả xét nghiệm.
Thứ nhất, loại kít xét nghiệm có nằm trong danh mục Bộ Y tế công nhận hay không. Vì các loại kít rao bán trên mạng hay không rõ nguồn gốc chưa được Bộ Y tế thẩm định chất lượng kít có thể cho kết quả xét nghiệm sai lệch.
Thứ hai, loại kít còn hạn dùng hay không? Có bảo quản và vận chuyển đúng quy định và khuyến cáo của nhà sản xuất? Hay chất lượng còn tốt không?
Thứ ba là năng lực của cơ sở y tế hay người thực hiện quy trình lấy phết mũi hầu họng, vận chuyển đúng không? quá trình thao tác của người thực hiện, điều kiện trang thiết bị và năng lực đọc kết quả xét nghiệm thế nào?

Nhìn chung, một xét nghiệm sẽ khó đạt độ chính xác ở mức 100%

Ảnh Đình Tuyển

Covid-19 sáng 23.8: Cả nước 348.059 ca nhiễm, 147.667 ca khỏi | TP.HCM bước vào 2 tuần quyết định

Hiện nay ở từng đơn vị tỉnh, thành phố trên cả nước đều được các cấp y tế có thẩm quyền ra quyết định công nhận cơ sở bệnh viện nào được xét nghiệm sàng lọc (test nhanh) SARS-CoV-2; cơ sở bệnh viện nào được xét nghiệm khẳng định (test nhanh và PCR) SARS-CoV-2.
Nhìn chung, một xét nghiệm sẽ không bao giờ đạt được độ phát hiện bệnh và độ chính xác ở mức 100%. Thông thường đối với các sinh phẩm xét nghiệm đang lưu hành trên thị trường thì độ phát hiện bệnh và độ chính xác của các bộ test kit là trên 95%.
Tuy nhiên, kết luận là xét nghiệm PCR vẫn là xét nghiệm kỹ thuật cao, có độ tin cậy hơn test nhanh tìm kháng nguyên để khẳng định có nhiễm SARS-CoV-2 hay không.
Chuyên mục HỎI NHANH VỀ COVID-19 ra mắt nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid-19. Bạn đọc có thể đặt câu hỏi cho chuyên mục này bằng hình thức bình luận bên dưới bài hoặc gửi qua email: suckhoethanhnien247@gmail.com
Câu hỏi sẽ được chuyển đến các bác sĩ, chuyên gia... để trả lời cho bạn đọc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.