Bệnh tiểu đường đang ở mức kỷ lục trên thế giới, chiếm 10,5% dân số trên thế giới. Bệnh xảy ra khi cơ thể không thể xử lý đúng cách lượng đường trong máu. Từ đó có thể làm hỏng các mạch máu khắp cơ thể, có khả năng dẫn đến bệnh tim, đột quỵ, mù lòa và bị cắt cụt chi.
Sau đây, các bác sĩ điều trị bệnh tiểu đường chỉ ra 7 thói quen hằng ngày khiến bạn mắc bệnh này mà không hề hay biết.
1. Uống nhiều đồ uống có đường
Bác sĩ Thomas Horowitz, từ Trung tâm Y tế CHA Hollywood Presbyterian ở Los Angeles (Mỹ), cho biết một trong những thói quen không lành mạnh phổ biến là uống nước ngọt thay cho nước lọc mỗi khi khát nước.
Hàm lượng đường trong nước ngọt thường rất cao, tiến sĩ Kathleen Wyne, bác sĩ nội tiết điều trị bệnh nhân tiểu đường tại Trung tâm Y tế Wexner Đại học Bang Ohio (Mỹ), cho biết đối với nhiều người, ngừng uống nước ngọt có thể giúp giảm cân nhanh chóng đến 9 kg, béo phì là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tiểu đường.
2. Ăn quá nhiều đường
Bác sĩ Horowitz nói, cách tốt nhất để tránh bệnh tiểu đường là thực hiện một chế độ ăn uống không ảnh hưởng đến việc cung cấp insulin của cơ thể.
Nên chọn các loại thực phẩm giải phóng đường từ từ hoặc chứa ít đường, ví dụ: protein, ngũ cốc thô và rau quả thay vì ngũ cốc tinh chế hoặc đồ ngọt.
3. Lười vận động
Lối sống ít vận động là yếu tố nguy cơ chính của bệnh tiểu đường. Tiến sĩ Wyne cho biết, bất kỳ hoạt động nào cũng có thể cải thiện độ nhạy insulin và làm chậm sự tiến triển của bệnh tiểu đường.
|
4. Lựa chọn thực phẩm không lành mạnh
Tiến sĩ Wyne đưa ra những lời khuyên để tránh ăn quá nhiều có thể dẫn đến bệnh tiểu đường và các vấn đề sức khỏe khác. Đó là:
Đừng mua đồ ăn vặt để tránh ăn vặt
Kiểm soát khẩu phần ăn bằng cách ăn trong đĩa nhỏ.
Trong bữa ăn, hãy ăn rau trước
Hãy coi thịt là món ăn phụ.
5. Ngồi cả ngày
Bác sĩ Sarah Rettinger, chuyên khoa nội tiết tại Trung tâm y tế Providence Saint John ở Santa Monica, California (Mỹ), cho biết cho dù có tập thể dục thường xuyên, việc ngồi cả ngày có thể tạo ra những thay đổi về trao đổi chất làm tăng lượng đường trong máu, làm suy yếu cơ bắp và ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch, theo eatthis.com.
Bác sĩ khuyên nên đặt hẹn giờ nhắc nhở bạn đứng dậy và di chuyển ít nhất 5 - 10 phút, sau mỗi giờ ngồi.
Nếu không thể đi bộ bên ngoài, hãy đi bộ lên và xuống cầu thang, đi vài vòng trong nhà hoặc thực hiện một vài động tác bật nhảy, chạy tại chỗ - bất cứ việc gì có thể làm tăng nhịp tim một chút, bác sĩ Rettinger nói. Những lần vận động nhỏ này cộng dồn trong suốt cả ngày thực sự mang lại lợi ích lớn.
6. Ăn vô tội vạ
Bác sĩ Rettinger khuyên, cần phải ăn uống lành mạnh và có ý thức. Ví dụ, nếu bạn thấy mình đang đứng gần tủ lạnh đang ăn quá nhiều, hãy dừng lại và hỏi, “Tại sao mình lại ăn? Mình có đói bụng không? Mình có đang buồn chán, căng thẳng hay cần cảm thấy dễ chịu không?”
Sẽ rất tốt nếu tự quy định cho mình chỉ ăn đúng bữa mà không ăn vặt, hoặc chỉ ăn trước 7 giờ tối chẳng hạn.
7. Không nhận được sự hưởng ứng từ gia đình
Bác sĩ Rettinger nói, bạn cần có được sự hưởng ứng từ mọi người trong gia đình. Đôi khi, thật khó để ăn uống lành mạnh nếu những người khác trong gia đình cứ mua về những thứ kém lành mạnh nhưng cực kỳ hấp dẫn, như bánh rán hoặc kem vào ban đêm. Bạn sẽ dễ tập những thói quen lành mạnh khi những người xung quanh cùng đồng lòng.
Bình luận (0)