Theo Cnet, một nghiên cứu cho thấy 35% người Mỹ thức giấc ít nhất 3 đêm/tuần. Tỉnh giấc ban đêm có thể khiến bạn uể oải, cáu gắt và không thể hoạt động tốt trong suốt ngày hôm sau. Thiếu ngủ còn liên quan đến bệnh tim, tiểu đường, béo phì và thậm chí trầm cảm.
Mặc dù mất ngủ có thể là vấn đề nghiêm trọng nhưng đôi khi có thể trị bằng những thay đổi lối sống đơn giản. Hy vọng bạn sẽ trở lại với cảm giác ngủ ngon sau khi kiểm tra lý do tỉnh giấc ban đêm và áp dụng những phương pháp khắc phục dưới đây.
1. Tiểu đêm
Đi vệ sinh và khó ngủ lại có thể phá vỡ chu kỳ giấc ngủ. Nguyên nhân của hiện tượng này bao gồm từ việc uống quá nhiều nước đến các biến chứng nghiêm trọng hơn như tiểu đường. Trước tiên, hãy cắt giảm lượng chất lỏng buổi tối. Đừng uống gì 2 giờ trước khi đi ngủ, đặc biệt là rượu hoặc đồ chứa caffein (do chúng đều lợi tiểu), theo Cnet.
Nếu như vậy mà tình hình vẫn không khả quan hơn thì nên gặp bác sĩ vì tiểu đêm có thể do bạn đang dùng thuốc lợi tiểu (chẳng hạn để điều trị huyết áp), triệu chứng của nhiễm trùng tiểu hoặc tiểu đường.
2. Ngưng thở khi ngủ
Nếu thấy miệng khô khi thức dậy, tỉnh giấc vì ngáy to, hoặc bạn cùng giường nói rằng bạn ngừng thở trong đêm, bạn có thể là một người mắc chứng ngưng thở khi ngủ. Trường hợp này cần bác sĩ giúp điều trị (sử dụng máy thở, thay đổi lối sống như giảm cân và thậm chí là phẫu thuật).
3. Lo âu hoặc trầm cảm
Lo âu và trầm cảm có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ và thiếu ngủ làm suy yếu sức khỏe tâm thần.Thoát khỏi vòng lặp này bằng cách gặp chuyên gia tâm lý, tâm thần. Kết hợp các phương pháp thư giãn và giảm căng thẳng như thiền, tập thể dục và dành thời gian cho những sở thích có ý nghĩa.
4. Nhiệt độ phòng không thích hợp
Nếu phòng quá nóng vào giữa đêm, cơ thể bạn có thể truyền tín hiệu đến lúc phải tỉnh táo và thế là bạn tỉnh giấc. Điều hòa, quạt, tắm, đặt drap giường trong tủ lạnh trước khi ngủ cần thiết trong trường hợp này.
5. Điện thoại
Ánh sáng xanh phát ra từ màn hình làm chậm nhịp sinh học và ức chế melatonin, báo hiệu giờ ngủ. Dùng điện thoại ngay trước khi ngủ khiến cơ thể bạn bị đánh thức và tỉnh táo sau đó. Nhịp tự nhiên của bạn bị gián đoạn, bạn có nhiều khả năng thức dậy thường xuyên suốt đêm, trải nghiệm chất lượng giấc ngủ thấp hơn.
Cách khắc phục đơn giản là 2 giờ trước khi ngủ, xa các loại màn hình, tập trung vào hoạt động thư giãn như đọc sách, nói chuyện với người trong nhà, theo Cnet.
6. Khó tiêu hoặc ợ nóng
Theo Health, 14-20% người Mỹ bị ợ nóng ít nhất một lần/tuần và 70-75% những người này bị ban đêm. Bạn sẽ bất thình lình tỉnh giấc vì cảm giác nóng rát hoặc nghẹt thở trong cổ họng, cơn đau và sự khó chịu. Thủ phạm phổ biến của chứng ợ nóng là thực phẩm cay, sô cô la, cam quýt và rượu. Loại khỏi các nghi phạm này ra khỏi thực đơn tối xem sao.
Nhưng cũng chú ý đây có thể là một dấu hiệu của trào ngược dạ dày thực quản, cần điều trị y tế.
7. Dùng rượu hoặc nicotine gần giờ ngủ
Nhiều người uống rượu để thư giãn, nhưng nó làm gián đoạn sự nghỉ ngơi sau khi bạn ngủ thiếp đi. Rượu làm tăng chất adenosine giúp bạn chìm vào giấc ngủ. Nhưng hóa chất đó giảm xuống nhanh chóng khiến bạn tỉnh giấc trước khi kịp nghỉ ngơi sâu. Rượu làm thư giãn cơ cổ họng, dẫn đến chứng ngáy tăng lên cũng có thể đánh thức bạn.
Nicotine là chất kích thích, vì vậy nó phá vỡ nhịp sinh học và làm cho cơ thể bạn cảm thấy tỉnh táo hơn suốt đêm. Cách hay nhất là bỏ đi thôi.
Bình luận (0)