Ngủ ngày nhiều - dấu hiệu cảnh báo bệnh Alzheimer

Tạ Ban
Tạ Ban
15/08/2019 11:27 GMT+7

Phát hiện mới của các nhà khoa học về giấc ngủ trưa, ngủ ngày, có thể thay đổi hướng nghiên cứu và điều trị bệnh mất trí nhớ, Alzheimer.

HealthDay Reporter đưa tin, theo các nhà nghiên cứu đến từ Đại học California, San Francisco (UCSF), Mỹ, các khu vực của bộ não khiến bạn tỉnh táo vào ban ngày bị tổn thương trong giai đoạn đầu của bệnh mất trí nhớ là lý do tại sao những người mắc bệnh Alzheimer ngủ nhiều trước khi bắt đầu vật lộn với việc quên đi mọi thứ.
Không chỉ vậy, họ còn phát hiện ra rằng tổn thương ở các vùng não liên quan đến tỉnh giấc ban ngày do một loại protein có tên là tau. Điều này cung cấp bằng chứng cho thấy trong bệnh Alzheimer, tau đóng vai trò lớn hơn so với protein amyloid, vốn được nghiên cứu rộng rãi hơn.
Tiến sĩ Lea Grinberg, phó giáo sư về Thần kinh học và Bệnh lý tại Trung tâm Trí nhớ và Lão hóa và thành viên của Viện Sức khỏe Não toàn cầu tại UCSF, chia sẻ với HealthDay Reporter: "Công trình của chúng tôi đưa ra bằng chứng rõ ràng rằng các vùng não thúc đẩy sự tỉnh táo bị thoái hóa do tích tụ tau - chứ không phải protein amyloid - từ giai đoạn đầu tiên của bệnh”.
Các phát hiện công bố trên tạp chí Alzheimer & Dementia cho thấy, ngủ trưa, ngủ ngày quá nhiều là điềm báo sớm của bệnh Alzheimer.
Tác giả chính của nghiên cứu Jun Oh, thuộc phòng thí nghiệm Grinberg, nói trong thông cáo của UCSF: "Thật đáng chú ý vì không chỉ một phần não bị thoái hóa, mà là toàn bộ mạng lưới thúc đẩy sự tỉnh táo. Điều này có nghĩa, bộ não không có cách nào bù đắp vì các loại tế bào liên quan đến chức năng này bị phá hủy cùng một lúc…. Đây là điều chúng ta cần theo dõi trong nghiên cứu tương lai”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.