Những sai lầm do tự điều trị chứng mất ngủ

04/05/2019 04:36 GMT+7

Mất ngủ, hiểu sai về thuốc trị mất ngủ, tự tìm kiếm và sử dụng thuốc ngủ có thể khiến bệnh trầm trọng hơn.

Hiểu sai về thuốc ngủ

Th.S-BS Trần Quyết Thắng, Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Tâm thần Hà Nội, cho biết sai lầm với nhiều người khi bị chứng mất ngủ là tự tìm mua sử dụng thuốc ngủ. Đáng lưu ý, nhiều thuốc được các bác sĩ chuyên khoa tâm thần chỉ định điều trị trầm cảm, giải lo âu, nhưng vẫn có nhiều người hiểu đơn giản đó là thuốc ngủ, vô hại cho sức khỏe, nên cố tìm mua để dùng.
Ví dụ, Seduxen là thuốc giải lo âu có tác dụng gây ngủ, chứ không phải là thuốc ngủ. Thuốc này không có cơ chế gây nghiện như ma túy nhưng nó dễ khiến người dùng lạm dụng. Thoạt đầu uống để “trị” mất ngủ và có cảm giác vui vẻ, thoải mái, nhưng sau thời gian sử dụng thì lại muốn dùng tiếp, dùng lâu dài.
Bác sĩ Trần Quyết Thắng cũng lưu ý, có loại thuốc gây ngủ khi dùng lâu dài thì hoạt chất của thuốc tích lũy lại trong mô mỡ, ảnh hưởng đến trung tâm hô hấp, có thể gây ngưng thở.
Trước đây, khi thuốc này chưa được kiểm soát chặt chẽ, nhiều người vẫn dùng nó hằng ngày. Thậm chí có người mua dùng cho 2 - 3 tháng, rất dễ dàng dẫn đến lạm dụng.
TS-BS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần T.Ư (BV Bạch Mai, Hà Nội), cho biết nhiều người vẫn hiểu sai về thuốc ngủ nên thường tự tìm mua về dùng, trong khi hiện chỉ có một loại thuốc ngủ là Phenobacbytal. Các loại khác như Seduxen (Diazepam), Lexomi (Btomszepam)... thực chất là thuốc giải lo âu, do đó những người hay căng thẳng khi dùng vào thấy đỡ ngay. Tuy nhiên, nếu cứ tự dùng thuốc này thường xuyên sẽ có xu hướng tăng liều.
Theo TS Nguyễn Doãn Phương, các bác sĩ chỉ dùng thuốc giải lo âu cho những trường hợp bị trầm cảm, stress, luôn có cảm giác lo âu, bồn chồn và liều dùng phải được kiểm soát chặt chẽ, do đó người dân không nên tự mua dùng.

Khi nào cần đi khám ?

Nhiều người vẫn hiểu sai về thuốc ngủ nên thường tự tìm mua về dùng, trong khi hiện chỉ có một loại thuốc ngủ, các loại khác thực chất là thuốc giải lo âu

TS-BS Nguyễn Doãn Phương (Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần T.Ư, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội)

“Với bệnh nhân cần sử dụng thuốc giải lo âu như Seduxen, bác sĩ thường chỉ kê đơn dùng thuốc trong vòng 7 - 10 ngày và khi dùng đúng hướng dẫn thì không lo bị lạm dụng mà vẫn có hiệu quả điều trị”, bác sĩ Trần Quyết Thắng cho biết.
Tuy nhiên, các bác sĩ cho hay, thực tế nhiều bệnh nhân đến điều trị do mất ngủ trong thời gian dài, ảnh hưởng đến chất lượng sống, chất lượng công việc.
“Không chỉ mất ngủ nhiều mới cần điều trị. Với những trường hợp mất ngủ ngắn, chỉ một vài ngày khi có những yếu tố tác động (lo buồn, căng thẳng...) nhưng tình trạng này cứ lặp đi lặp lại thì cũng vẫn nên đi khám, bởi vì đó có thể là biểu hiện nhẹ của trầm cảm. Khám, điều trị khi bệnh nhẹ thì việc điều trị khỏi sẽ thuận lợi hơn”, bác sĩ Thắng nói thêm.
TS-BS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị các rối loạn liên quan stress, Viện Sức khỏe tâm thần (BV Bạch Mai), đặc biệt lưu ý: Điều trị bệnh, quan trọng nhất là tìm ra nguyên nhân để can thiệp tận gốc, chứ không phải điều trị triệu chứng. Mất ngủ chỉ là một triệu chứng của một vấn đề sức khỏe. Do đó, người bệnh phải đi khám chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn, điều trị đúng.
“Nếu chỉ uống thuốc để ngủ thì người bệnh có thể thấy dễ chịu hơn trong thời gian đầu, nhưng dần dần sẽ lạm dụng thuốc trong khi căn nguyên thực sự gây bệnh sẽ nặng lên do không được ngăn chặn”, bác sĩ Tâm khuyến cáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.