Sưng hạch bạch huyết và tiêm vắc xin

Ngọc Quý
Ngọc Quý
03/08/2021 09:14 GMT+7

Mọi loại vắc xin khi tiêm vào cơ thể đều có tác dụng kích thích hệ miễn dịch hoạt động. Khi hiện tượng này xảy ra, các tế bào miễn dịch sẽ nhân lên rất nhiều, có thể làm các hạch bạch huyết bị sưng.

Hạch bạch huyết bị sưng cảnh báo cơ thể chúng ta đang bị vấn đề sức khỏe nào đó. Dù chưa biết nguyên nhân gây bệnh là nhẹ hay nặng nhưng sưng hạch bạch huyết thường khiến người bệnh lo sợ.
Hạch bạch huyết là một phần của hệ bạch huyết, có chức năng chống nhiễm trùng. Cả cơ thể có khoảng 600 hạch bạch huyết, theo trang Prevention.
Những vị trí thường bị sưng hạch bạch huyết nhất là cổ, nách và háng. Vết sưng nhô lên khỏi da, kích thước có thể khá lớn, sờ vào cảm thấy mềm.
Dù sưng hạch bạch huyết dễ khiến người bệnh lo sợ nhưng tình trạng này không phải lúc nào cũng là đáng lo. Sưng hạch bạch huyết có thể chỉ là nhiễm trùng thông thường và sẽ sớm khỏi. Tuy nhiên, cũng có trường hợp sưng hạch bạch huyết là dấu hiệu cảnh báo bệnh nghiêm trọng.
Những nguyên nhân có thể gây sưng hạch bạch huyết gồm:
Vừa tiêm vắc xin 
Mọi loại vắc xin khi tiêm vào cơ thể đều có tác dụng kích thích hệ miễn dịch hoạt động. Vắc xin sẽ tạo ra kháng thể trong các hạch bạch huyết. Khi hiện tượng này xảy ra, các tế bào miễn dịch sẽ nhân lên rất nhiều, làm các hạch bạch huyết bị sưng. Đây là phản ứng bình thường của cơ thể, giáo sư Stanley Rockson, chuyên gia nghiên cứu về hạch bạch huyết tại Trung tâm Y tế Đại học Stanford (Mỹ), giải thích.
Vị trí sưng hạch bạch huyết sau khi tiêm vắc xin có thể là bất cứ đâu trên cơ thể. Tuy nhiên, vị trí sưng thường gần vị trí tiêm.
Viêm nhiễm thông thường
Nhiều bệnh viêm nhiễm thông thường, dù là cấp tính hay mạn tính, đều có thể gây sưng hạch bạch huyết. Những căn bệnh này có thể là viêm đường hô hấp trên, viêm họng liên cầu khuẩn, viêm tai, viêm nướu, sởi, viêm da, viêm amidan, đau mắt đỏ và nhiều bệnh khác, giáo sư Rockson giải thích.
Nếu sau 2 đến 4 tuần mà sưng hạch bạch huyết vẫn không thuyên giảm thì cần đến bác sĩ kiểm tra.

Cơ thể có khoảng 600 hạch bạch huyết, phần lớn sưng hạch bạch huyết là do viêm nhiễm thông thường

SHUTTERSTOCK

Viêm nhiễm nặng
Những bệnh viêm nhiễm nặng như lao, nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma, một số bệnh lây lan qua đường tình dục như giang mai hay HIV có thể gây sưng hạch bạch huyết.
Nếu cùng lúc bị sưng hạch bạch huyết ở 2 vị trí khác nhau thì có khả năng cơ thể đang gặp vấn đề gì đó đáng lo hơn là viêm nhiễm thông thường. Khi đó, người bệnh hãy đến bệnh viện để được xét nghiệm và chẩn đoán.
Ung thư
Trong một số trường hợp hiếm hoi, hạch bạch huyết có thể là triệu chứng cảnh báo ung thư. Các chuyên gia cho rằng chỉ khoảng 1% người mắc ung thư bị sưng hạch bạch huyết.
Bất kỳ loại ung thư nào cũng có thể gây sưng hạch bạch huyết. Thậm chí, chính các hạch bạch huyết cũng có thể bị ung thư. Đó là ung thư hạch bạch huyết, theo trang Prevention.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.