Ăn uống thiếu cân bằng
Nhiều người cho rằng, nước ngọt là tác nhân chính của tình trạng thừa cân, béo phì. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng, đó là đánh giá không đầy đủ. Nguyên nhân thực sự gây nên tình trạng trên nằm ở chế độ ăn uống thiếu cân bằng cùng thói quen lười vận động.
Có một hiện tượng nghe khá lạ nhưng hoàn toàn có thực, đó là các trẻ bị suy dinh dưỡng theo thể thừa cân, béo phì. Nói đơn giản và dễ hiểu hơn là trẻ dù mập mạp nhưng thực chất đang bị thiếu canxi, vitamin D, thiếu máu, thiếu sắt, còi xương... Nguyên nhân thực chất được xác định là do chế độ ăn hàng ngày quá thiên về tiêu thụ chất đạm, chất béo, chất bột đường.
Theo một nghiên cứu tại Anh vào năm 2018, các nhà khoa học đã chỉ ra không có mối liên hệ trực tiếp từ việc tiêu thụ đồ uống có đường dẫn tới nguy cơ thừa cân béo phì của trẻ ở độ tuổi 4 - 10 tuổi.
Hay như tại Mỹ trong 15 năm qua, lượng tiêu thụ nước ngọt trên đầu người liên tục giảm, nhưng tỷ lệ béo phì vẫn gia tăng qua biểu đồ thống kê bên dưới.
Lười vận động gây thiệt hại 67,5 tỉ USD/năm
Tóm lược về hiện trạng béo phì thời hiện đại, GS Phan Thị Kim, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, chia sẻ: "Có nhiều tranh cãi về việc ăn nhiều đồ ngọt dẫn đến thừa cân béo phì, nhưng đồ ngọt chỉ là một trong số các yếu tố thôi, còn lại việc lười vận động mới là nguyên nhân, ăn vào nhiều nhưng vận động nhiều thì không béo phì”.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lối sống ít vận động là nguyên nhân chính thứ 2 khiến tình trạng béo phì, suy dinh dưỡng đồng thời gia tăng. Lập luận này được củng cố bằng rất nhiều nghiên cứu và khảo sát đến từ khắp nơi trên thế giới.
|
Nghiên cứu thuộc Trường Khoa học Thể thao (Na Uy) và ĐH Cambridge (Anh) công bố trên tạp chí the Lancet cho thấy, lười vận động là nguyên nhân dẫn tới hơn 5 triệu cái chết mỗi năm trên toàn cầu. Khảo sát từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia trên hơn 5.000 học sinh các cấp học tại các tỉnh, thành như Hà Nội, Thái Nguyên, Sóc Trăng, Nghệ An và TP.HCM được công bố vào tháng 7.2019 đã chỉ ra: thiếu vận động thể lực trực tiếp gây ra thừa cân, béo phì ở trẻ em.
Tại báo cáo về tình trạng dinh dưỡng, khẩu phần, tần suất tiêu thụ và thói quen sử dụng thực phẩm của học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ở một số tỉnh thành Việt Nam, tiến sĩ Trần Thúy Nga, thạc sĩ Trần Khánh Vân chỉ ra yếu tố kinh tế, khẩu phần ăn, thói quen sinh hoạt, thể lực có ảnh hưởng lớn tới tình trạng dinh dưỡng của nhóm trẻ học đường.
Đáng nói, Việt Nam được xếp vào nhóm những nước lười vận động nhất, với chỉ 15,3% số người dân tập thể dục nhiều hơn 30 phút mỗi ngày. Điều này dẫn đến thể trạng của người Việt Nam chỉ đạt mức trung bình về chiều cao, cân nặng, sức bền khi đem so sánh với chuẩn các nước khác trong khu vực; song song với đó là gia tăng rủi ro phát sinh bệnh tật như tiểu đường, ung thư vú, ruột kết, tim mạch về lâu dài.
Ước tính, gánh nặng kinh tế và thiệt hại kinh tế do lười hoạt động tăng thêm khoảng 67,5 tỉ USD mỗi năm. Thất thoát này đang đồng thời diễn ra ở cả các nước phát triển và đang phát triển. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, mỗi người chỉ cần vận động 1 giờ mỗi ngày là các nguy cơ này nhìn chung sẽ được giảm bớt.
Bình luận (0)