Khi các tế bào của khối u ung thư xuất hiện nhiều trong máu, bệnh nhân sẽ có nguy cơ cao bị tái phát ung thư cũng như bị di căn. Tế bào ung thư sẽ lan đến các cơ quan khác trong cơ thể và nghiêm trọng đến mức không thể chữa trị, theo Daily Mail.
Phương pháp xét nghiệm máu mới này được phát triển nhờ vào 3 nghiên cứu thuộc một dự án của tổ chức Cancer Research UK (Anh). Các nghiên cứu đều được công bố trên chuyên san Nature Medicine.
Trong nghiên cứu đầu tiên, nhóm nghiên cứu tại Đại học Manchester (Anh) thực hiện trên 100 bệnh nhân và theo dõi họ suốt 4 năm. Nhóm lấy mẫu máu của bệnh nhân trước khi họ phẫu thuật cắt khối u ung thư phổi.
Kết quả cho thấy những người mà trong máu có nhiều tế bào ung thư nhất thì có nguy cơ tái phát ung thư phổi cũng cao nhất, theo Daily Mail.
Trong nghiên cứu thứ hai, nhóm chuyên gia tại Viện Francis Crick ở London và Viện Ung thư UCL (Anh) đã sinh thiết các tế bào ung thư phổi. Bằng cách dùng trí tuệ nhân tạo để phân tích ADN của tế bào ung thư, họ có thể dự đoán ung thư phổi sẽ nghiêm trọng đến mức nào và có di căn hay không.
Nghiên cứu thứ 3 do nhóm chuyên gia của Viện Ung thư UCL thực hiện. Nhóm phát hiện khối u ung thư phổi có thể phóng thích vào máu nhiều loại tế bào ung thư khác nhau. Các tế bào này có thể đánh lừa hệ miễn dịch.
Tại Anh, mỗi năm có khoảng 47.000 người bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi. Trong khi đó, con số này mỗi năm ở Mỹ là gần 235.000 người, theo Daily Mail.
Các thống kê ở Mỹ cho thấy trong vòng 5 năm qua, cứ 5 bệnh nhân mắc ung thư phổi thì có 1 người sẽ chết vì căn bệnh này.
Nguyên nhân nhân khiến tỷ lệ ung thư phổi tử vong cao là do khối u ung thư phát triển quá nhanh. Chúng cũng có khả năng biến đổi khiến các phương pháp điều trị trở nên kém hiệu quả, các chuyên gia cho biết.
Hiện tại, hóa trị là phương pháp thường được sử dụng để tiêu diệt tế bào ung thư. Tuy nhiên, tác dụng phụ của hóa trị là khiến cơ thể mệt mỏi, bào mòn sức khỏe người bệnh, theo Daily Mail.
Bình luận (0)